Để hoạt động L&D hiệu quả, cần có đội ngũ quản lý - Trainer Phan Hữu Lộc
"Không ai thích hợp đảm nhận nhiệm vụ follow up sau đào tạo cho nhân viên hơn quản lý trực tiếp", chia sẻ bởi Trainer Phan Hữu Lộc - nhà sáng lập VMP Academy, tại buổi phỏng vấn ra mắt dự án "Năm, mười, mười lăm… Trốn tìm".
Dự án phi lợi nhuận dành cho cộng đồng L&D
Chào anh Lộc, được biết VMP Academy đang kỷ niệm 15 năm thành lập, anh có thể chia sẻ thêm về sự kiện này?
Trong suốt 15 năm qua, tôi cùng VMP đã không ngừng nỗ lực để cải tiến hiệu quả hoạt động đào tạo và phát triển những doanh nghiệp từng hợp tác. Và chúng tôi nhận ra rằng, để đạt kết quả như mong đợi cần có sự hợp tác và hỗ trợ của đội ngũ quản lý. Vì họ trực tiếp quyết định văn hóa, môi trường và thói quen của mỗi nhân sự sau đào tạo.
Chính điều này là tiền đề để VMP Academy chọn sứ mệnh "kiến tạo đội ngũ quản lý bền vững". Và dự án kỷ niệm 15 năm lần này chính là cách để chúng tôi kể về hành trình "đi tìm" những năng lực cốt lõi của nhà quản lý
Đây là dự án phi lợi nhuận với chủ đề: "Năm, mười, mười lăm,.. Trốn Tìm". Một cơ hội để chúng tôi gửi lời tri ân đến khách hàng, đối tác và tạo ra nhiều giá trị hơn cho cộng đồng L&D tại Việt Nam.
Kết quả đào tạo được quyết định bởi năng lực của quản lý
Anh có thể chia sẻ thêm về vai trò của đội ngũ quản lý đối với hoạt động đào tạo và phát triển tại doanh nghiệp?
Nâng cao vai trò của đội ngũ quản lý không chỉ cải thiện hiệu suất làm việc, mà còn liên quan đến kết quả của hoạt động đào tạo và phát triển nhân sự. Họ cũng là cánh tay nối dài của bộ phận L&D trong việc đảm bảo tính ứng dụng sau đào tạo của người học. Góp phần gia tăng hiệu quả đào tạo Level 3 theo Giáo sư Donald Kirkpatrick.
Đặc biệt, nhà quản lý là người trực tiếp làm việc cùng nhân viên, từ đó họ dễ dàng theo dõi, đánh giá sau đào tạo một cách chính xác, đầy tính chuyên môn và thuyết phục. Song song điều này, họ còn là người hỗ trợ, phản hồi, ghi nhận thường xuyên khiến đội nhóm luôn có động lực để thay đổi hành vi, tạo ra những đổi mới.
Từng phụ trách đào tạo tại các tập đoàn đa quốc gia, anh thường gặp trở ngại gì khi làm việc cùng các trưởng phòng ban?
Theo tôi, có "3 không" mà L&D thường phải đối mặt khi làm việc với các trưởng phòng ban, gồm: không hiểu, không tin và không muốn thay đổi.
Khi "không hiểu" giá trị của hoạt động đào tạo nhà quản lý có xu hướng "tham gia cho xong", mặc kệ hiệu quả. Với những quản lý "không tin" vào các chương trình đào tạo, thường vì những trải nghiệm không tốt trước đây. Cuối cùng là "không muốn thay đổi". Quản lý thường đi lên từ nhân viên xuất sắc, họ có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn và "ngại bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân".
L&D cần biết "họ muốn gì và làm như thế nào"!
Phải làm sao để đội ngũ quản lý không "lẩn trốn" khi L&D triển khai các hoạt động đào tạo?
Các nghiên cứu và khảo sát cho thấy "để gia tăng tối đa hiệu quả sau đào tạo, cần có sự đồng hành của đội ngũ quản lý". Không ai phù hợp đảm nhận nhiệm vụ giám sát người học sau đào tạo hơn quản lý trực tiếp của họ. Đặc biệt, đây cũng là yếu tố giúp giữ chân nhân tài.
Để giúp nhà quản lý không "lẩn trốn" trách nhiệm follow up nhân viên sau đào tạo, bộ phận L&D cần thuyết phục và thống nhất với ban lãnh đạo về việc này. Tôi tin rằng "đôi khi sự tự nguyện cần bắt đầu bằng bắt buộc".
Kế đến, hãy đảm bảo chương trình đào tạo được thiết kế để giải quyết vấn đề của người học và đội nhóm. Đồng thời, cung cấp nội dung đào tạo chi tiết cho nhà quản lý và hướng dẫn cách để họ " follow up nhân viên hiệu quả".
Tiếp theo, cần tạo một môi trường phù hợp để thay đổi và ứng dụng những gì đã học, tạo nên một văn hóa doanh nghiệp cởi mở. Song song với điều này, L&D cần xây dựng một hệ thống ghi nhận và đánh giá hiệu suất công việc cho từng người sau đào tạo.
Vậy, theo anh, bộ phận L&D cần giúp đội ngũ quản lý hoàn thiện những năng lực nào?
Theo tôi, quản lý cần 3 năng lực cốt lõi để gia tăng hiệu quả đào tạo và phát triển tại doanh nghiệp:
Đầu tiên là khả năng hướng dẫn, kèm cặp nhân viên. Dựa trên mô hình đào tạo 10:20:70, chúng ta biết rằng, việc học tại lớp chỉ chiếm 10% trong quá trình phát triển năng lực của nhân sự, 90% còn lại đến từ "on the job learning" và sự đồng hành của nhà quản lý.
Thứ hai là năng lực huấn luyện. Thông qua việc huấn luyện đúng cách sẽ phát huy tối đa tiềm năng chưa bộc lộ của nhân viên. Đặc biệt, việc này còn gia tăng động lực tự học và phát triển chủ động của người được huấn luyện.
Và cuối cùng là kỹ năng phản hồi và ghi nhận đúng cách, đúng lúc, đúng việc. Các quản lý có xu hướng tập trung vào "lỗi" của nhân viên thay vì những điểm tốt họ đã làm được. Điều này sẽ cản trở nhân viên áp dụng kỹ năng vào công việc.