Để giảm lãi suất cho doanh nghiệp, ngân hàng nên hạ mức lợi nhuận, không nên ‘ăn’ 1:1 như hiện nay!

08/07/2016 14:45 PM | Kinh tế vĩ mô

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, để giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động tăng, ngân hàng cần có giải pháp kiểm soát lợi nhuận, thay vì “ăn” 1:1, tức huy động với lãi suất 6% và cho vay với lãi suất tới 12% như hiện nay.

* Thưa TS. Nguyễn Minh Phong, lãi suất huy động đã tăng nhẹ và theo báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng từ giờ đến cuối năm. Theo ông, liệu việc tăng lãi suất huy động có đẩy lãi suất cho vay tăng?

Việc lãi suất huy động tăng được dự báo đã lâu, và thực tế đã tăng một chút thời gian gần đây. Còn việc lãi suất cho vay tăng hay không sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố.

Một là tổng cầu. Tổng cầu lớn mà vượt cả cung, lãi suất sẽ tăng theo cung – cầu.

Hai là ngân hàng phải có những giải pháp để kiểm soát lợi nhuận của mình. Hiện nay họ vẫn “ăn” 1:1, huy động với lãi suất 6% thì cho vay với lãi suất 10% – 12%. Giờ đáng lẽ khoản chênh lãi suất chỉ để ở mức 2%-3% là ngân hàng đã lời rồi.

Vấn đề ở đây là sự hài hòa lợi ích, sự điều chỉnh công nghệ và kiểm soát chi phí của ngân hàng sao cho không đội vào, không cộng vào khiến cho lãi suất tăng.

* Theo yêu cầu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, các ngân hàng đang cố gắng kiểm soát chi để có thể hạ lãi suất cho vay cho doanh nghiệp. Liệu biện pháp này đã đủ?

Nếu chỉ kiểm soát chi thuần túy sẽ rất khó, bởi tổng chi vẫn lớn. Vấn đề là phải gia tăng nguồn thu từ dịch vụ. Hiện một số ngân hàng đang làm tốt trong việc triển khai các dịch vụ như cho vay tiêu dùng, dịch vụ chuyển tiền, tư vấn đầu tư...

Nhưng về cơ bản, không có gì đột biến.

* Về các yếu tố vĩ mô, nhiều người lo ngại lạm phát năm nay sẽ tăng cao…

Từ giờ đến cuối năm, chúng tôi cho rằng sẽ có nhiều áp lực lên lạm phát tiền tệ, lạm phát chi phí đẩy và lạm phát gắn liền với điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, đặc biệt khi các tỉnh đều tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục theo chỉ đạo, mặc dù đã có sự giãn cách.

Tất cả điều này sẽ khiến áp lực lạm phát năm nay cao hơn và đạt tới mức kế hoạch đặt ra thay vì rất thấp như năm ngoái.

Mức lạm phát +-5% như ở Việt Nam là phù hợp. Với các chỉ số hiện nay, khả năng lạm phát cũng sẽ đạt mức như vậy, chứ không đạt tới ngưỡng 9 - 10% và đặc biệt khó có chuyện xảy ra mức lạm phát 2 con số. Cho nên, chúng ta k quá lo lắng về chuyện lạm phát quá cao.

Vấn đề ở đây là kiểm soát các yếu tố lạm phát không chính đáng, những yếu tố lạm phát gắn liền với những điều chỉnh mang tính chất chủ quan, gắn liền với lợi ích nhóm, giá độc quyền, hay chi phí không hợp lý do nhũng nhiễu…

Đấy là những điểm tôi cho rằng cần lưu ý.

* Xin cảm ơn ông!

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM