Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt người lao động trước nguy cơ lớn bị máy móc và trí tuệ nhân tạo thay thế”

02/02/2017 09:00 AM | Xã hội

Nhận định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội của những nước đi sau như Việt Nam, tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cũng nhấn mạnh việc người lao động có thể đứng trước nguy cơ lớn bị thay thế bởi máy móc và trí tuệ nhân tạo.

Trở về sau chuyến tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 47 (WEF) tại Davos, ông Trương Gia Bình đã có bài viết trên trang tin nội bộ của tập đoàn, chia sẻ góc nhìn của ông về tác động của làn sóng công nghệ mới đối với Việt Nam.

Theo đó, ông cho rằng không phải ngẫu nhiên mà chủ đề “Thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” được thảo luận ngay trong ngày đầu tiên của WEF tại Davos. Cũng tại đây, các ông lớn như Infosys, Salesforce, General Motors,… đã ngồi lại với nhau chỉ để trả lời một câu hỏi chung: Làm thế nào để vượt qua giai đoạn mà trí tuệ nhân tạo, tự động hoá đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi khía cạnh đời sống.

“Không chỉ các các tập đoàn công nghệ mà cả những tập đoàn lớn trong hầu hết lĩnh vực đều đang nói về IoT, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo. Một số dữ liệu thống kê cho thấy, các công ty “bậc thầy” về công nghệ vượt trội hơn 9% về doanh thu; 26% về khả năng thu lợi và 12% về giá trị thị trường so với các doanh nghiệp khác”, ông Trương Gia Bình viết.

Theo đó, ông nhận định cuộc cách mạng số sẽ khiến các doanh nghiệp trở thành những doanh nghiệp theo thời gian thực (real - time enterprise), tức là chuyển đổi số (digital transformation) cho phép các doanh nghiệp tự động hóa các quy trình xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống và có thể đưa ra phản ứng cần thiết ngay tức thì kể cả trong việc quản trị, đáp ứng nhu cầu khách hàng lẫn đưa ra các mô hình kinh doanh mới.

Về tác động của cuộc cách mạng này đối với Việt Nam, vị chủ tịch của FPT cho rằng đấy là cơ hội lớn. Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã sẵn sàng và đang thích ứng nhanh chóng với nền kinh tế số và những thay đổi nhanh chóng mà làn sóng này mang đến.

“Cuộc cách mạng này có thể đổi thay toàn bộ: có những doanh nghiệp sẽ biến mất và có những doanh nghiệp với mô hình kinh doanh mới sẽ xuất hiện. Áp lực việc làm sẽ ngày càng lớn: tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ gia tăng khi máy móc dần thay thế con người trong một số lĩnh vực”, ông Trương Gia Bình cho biết.

Ông nhấn mạnh rằng ở thời điểm đó, việc số hoá sẽ diễn ra ở bất cứ ngóc ngách nào: mọi tổ chức, doanh nghiệp sẽ trở thành tổ chức số, doanh nghiệp số; mọi lãnh đạo trở thành lãnh đạo số, ngân sách trở thành ngân sách số, mỗi công dân đều có thể trở thành một doanh nghiệp số.

Do đó, ông lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng, tỉnh táo trước những thay đổi của cuộc cách mạng công nhiệp lần thứ 4. Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam cần liên tục cập nhật các xu hướng công nghệ mới, hoặc bắt tay với các công ty công nghệ lớn để không bị lạc hậu.

Mặt khác, đi kèm với cơ hội, ông Trương Gia Bình cũng cảnh báo về một nguy cơ thất nghiệp lớn, trên diện rộng khi mà người lao động có nguy cơ cao bị thay thế bởi máy móc và trí tuệ nhân tạo.

“Lãnh đạo doanh nghiệp cần tăng cường đào tạo, cung cấp cho nhân viên các kỹ năng cần thiết để ứng phó với làn sóng thay đổi đang tới”, vị chủ tịch của FPT nhấn mạnh.

Riêng đối với FPT, ông Trương Gia Bình cho biết tập đoàn sẽ dựa trên nền tảng nghiên cứu và phát triển các công nghệ cốt lõi để nắm bắt các cơ hội từ cuộc cách mạng số theo 2 hướng. Gồm: đẩy mạnh chuyển đổi số cho doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam và trên toàn cầu và thực hiện chuyển đổi số trong nội bộ tập đoàn.

“Tại Davos năm nay, FPT đã có những lời hứa hẹn về sự hợp tác về chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… với những tên tuổi hàng đầu trên thế giới trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, thương mại điện tử, năng lượng, sản xuất máy bay, tài chính ngân hàng, bảo hiểm…”, ông Trương Gia Bình cho biết thêm.

Theo Đức Minh

Cùng chuyên mục
XEM