Đây là lý do Grab dễ dàng vượt mặt Uber và Mai Linh cứ làm xe ôm công nghệ mà không phải sợ dù Grab đã có 50.000 tài xế

09/10/2017 10:22 AM | Kinh doanh

Lớn mạnh bằng những cam kết hời hợt thì cũng có thể bị sụp đổ vì những điều đó. Uber, Grab đang thống lĩnh thị trường taxi, xe ôm nhờ công nghệ và không có những cam kết lâu bền với cánh tài xế đang tạo nên thành công cho họ thì thất bại cũng có thể đến rất nhanh. Mai Linh không có gì phải ngại khi bước vào thị trường xe ôm công nghệ với con số 0 còn đối thủ đã là 50.000.

Hãng taxi Mai Linh vừa hé lộ dự định bước vào ngành xe ôm công nghệ. Quyết định này của Mai Linh được nhiều người ví như cảnh “châu chấu muốn đấu với voi” khi mà những người đi trước như Uber Việt Nam, Grab đã nhanh chóng bành trướng và phủ rộng thị trường này.

Tuy nhiên, 2 câu chuyện này sẽ khiến những người cho rằng Mai Linh khó cạnh tranh sẽ phải nghĩ lại.

Câu chuyện thứ nhất: Grab thắng Uber Việt Nam nhờ tung phao cứu sinh đúng lúc cánh tài xế cần

Nhìn kỹ Uber với Grab thì ai cũng nhận ra một vấn đề rằng sự lớn mạnh nhanh, mạnh của uber, Grab là dựa vào số lượng tài xế tham gia vào hệ thống của họ nhờ các chính sách thu hút của các hãng này.

Mà, chính sách họ tạo ra được thì họ thay đổi được tùy theo giai đoạn kinh doanh của họ. Trước đây, Uber dùng chính sách giá rẻ để thu hút khách hàng và đạt được tệp khách hàng lớn nhanh chóng, khiến nhiều hãng taxi truyền thống khốn khó. Cánh tài xế taxi cũng vì đó mà kéo đến đầu quân cho Uber khiến Uber Việt Nam đã mạnh lại càng mạnh hơn.

Nhưng rồi, Uber không thể dùng mãi chiến thuật trợ giá để cung cấp mãi dịch vụ giá rẻ để hút khách, Uber cũng không thể dùng mãi ưu đãi cao cho tài xế để mở rộng quy mô. Tăng giá, giảm dần ưu đãi là điều tất yếu Uber phải làm.

Ở thị trường Việt Nam, Grab là kẻ đến sau. Vị trí của Uber đã nhanh chóng bị hoán đổi khi Uber đi trước và đến lúc phải “giảm chính sách” để sinh tồn và Grab đến sau đã nhanh chóng lấy được vị trí vốn đã thuộc về Uber.

Đầu năm 2017, GrabBike mới chỉ có 20.000 người và chỉ trong 9 tháng đã lên đến con số 50.000 lái xe. Không phải là bất cứ một doanh nghiệp ‘yếu lực’ nào có thể làm được điều đó. Grab chấp nhận một mặt bơm tiền hỗ trợ để tăng số lượng tài xế, đầu tư chất lượng dịch vụ thông qua nâng cấp ứng dụng, tăng cường các hoạt động khuyến mãi để tăng khách hàng. Với chiến lược đánh chiếm thị phần của mình, Grab chấp nhận lỗ lớn trong năm 2016. Theo thông tin của Tổng cục Thuế, Công ty TNHH Grab Việt Nam đạt doanh thu 192 tỷ đồng trong năm tài chính 2016 nhưng lỗ tới 443 tỷ đồng - tức các khoản chi phí lên đến 635 tỷ đồng. Với lượng xe tăng lên mạnh từ đầu 2017 đến nay, nhiều khả năng Grab vẫn tiếp tục chịu lỗ lớn trong 6 tháng đầu năm nay.

Người ta ngợi khen Grab đã có cú “vượt mặt” Uber đầy thông minh khi am hiểu thị trường Việt Nam và thâm nhập mạnh vào thị trường trong giai đoạn Uber đang giảm chính sách. Cánh tài xế tất nhiên sẽ như người đuối nước vớ được cái phao cứu sinh Grab và chuyển sang Grab với nhiều ưu đãi tốt hơn.

Nhưng, Grab không thể chịu lỗ được mãi. Sẽ đến lúc, Grab bắt buộc phải thay đổi chính sách của mình để có lãi và lúc này sẽ là thời cơ của doanh nghiệp khác, y hệt như khi Grab vượt mặt Uber vậy.

Câu chuyện thứ hai: Từ nỗi lo muôn thuở công nhân nhảy việc đến chuyện sự thất thế của Uber

Nhiều năm trở lại đây, câu chuyện công nhân nhảy việc nhan nhản trên mặt báo. Nhiều doanh nghiệp lao đao vì thiếu lao động, nhất là dịp sau tết.

Nguyên nhân sâu xa của việc này là gì? Là mối ràng buộc cực kỳ thấp giữa chủ doanh nghiệp và những người lao động phổ thông. Với phần đông lao động phổ thông, bài toán chọn nơi nào để bán sức lao động cực kỳ đơn giản, gói gọn trong cụm: “Bán cơ bắp và trí tuệ của mình cho nơi trả giá cao nhất”. Khi thứ những người lao động phổ thông nhận được chỉ đơn giản xoay quanh đồng lương thì quyết định ở hay đi của họ cũng chỉ có chữ lương làm rào cản. Họ sẽ không phải toan tính xem thăng tiến sẽ thế nào, kinh nghiệm của họ sẽ được coi trọng ra sao, bảo hiểm, phúc lợi thế nào, có gì bảo đảm cho tương lai chục, hai chục năm không…thì việc họ chuyển dịch chỗ làm rất đơn giản: Chỗ khác có trả cho họ lương cao hơn hay không!

Và, đồng lương, thu nhập khiến thị trường lao động phổ thông ồn ã mỗi dịp qua tết hoặc dịp một vài doanh nghiệp lớn sử dụng nhiều lao động tiếp cận thị trường và dùng chính sách lương nhỉnh hơn các công ty hiện tại một chút để hút người làm cho mình.

Không ít doanh nghiệp còn biết lợi dụng sự thiếu bền chặt giữa lao động phổ thông với doanh nghiệp đó để làm khó đối thủ của mình. Họ tung ra một mức lương thưởng, đãi ngộ tốt hơn và đối thủ của họ cứ mặc sức loay hoay trong vòng xoáy lao động nhảy việc.

Quay trở lại với câu chuyện Uber, Grab và thị trường lao động trong ngành này ta có thể thấy một câu chuyện hoàn toàn tương tự. Với Uber hay Grab, cánh tài xế đến với họ là điểm mấu chốt giúp họ mạnh hay yếu nhưng, với cánh tài xế, cái cuối cùng là họ cần là thu nhập bao nhiêu khi đầu quân cho Uber hay Grab. Chỉ cần một bản đăng ký thông tin không quá phức tạp, bạn đã là tài xế Uber. Thậm chí, trên website của Uber, bạn còn nhìn thấy: “Tự làm chủ công việc của mình, chọn thời gian bạn lái xe, địa điểm bạn sẽ đi và hành khách bạn sẽ đón” rồi thì “Làm việc tự do và linh hoạt, bất kỳ khi nào bạn thích. Vì vậy mà bạn luôn có mặt trong những thời khắc quan trong nhất với gia đình” hay “Chúng tôi không yêu cầu bạn ký hợp đồng hay nộp phí đăng ký, cũng như không áp đặt chỉ tiêu khi làm việc. Bạn hoàn toàn tự chủ với công việc của mình, làm việc khi nào bạn muốn” là những điều khoản khiến cánh tài xế chẳng việc gì phải lo nghĩ quá nhiều khi đăng ký vào hệ thống Uber.

Và rồi, cũng chính sự dễ dàng này khiến cánh taxi chẳng phải lo nghĩ gì nhiều khi chuyển dịch sang nơi cho họ ưu đãi cao hơn.

Từ hai câu chuyện kể trên có thể rút ra một mẫu số chung cho sự thành công bền vững hay thất bại nhanh chóng trong việc mở rộng hệ thống của Uber, Grab hay các hãng taxi, xe ôm công nghệ đó là làm sao cánh tài xế không lao vào vòng xoáy nhảy việc như một lẽ hiển nhiên như vậy.

Theo Phương Chi

Cùng chuyên mục
XEM