Vinasun cùng hàng loạt taxi truyền thống đồng loạt dán khẩu hiệu đối đầu Uber, Grab

09/10/2017 08:30 AM | Kinh doanh

Sự hiện diện của Uber, Grab đã gây không ít khó khăn cho các hãng taxi truyền thống. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Vinasun ghi nhận 100 tỷ đồng LNST, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Còn với Mai Linh, doanh nghiệp này lỗ gần 50 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và số lỗ lũy kế hiện lên tới gần 800 tỷ đồng.

Theo ghi nhận, từ sáng 8/10, hàng loạt xe taxi thuộc hãng Vinasun đã đồng loạt dán khẩu hiệu phản đối taxi công nghệ với nội dung: “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam"; "Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh".

Trả lời truyền thông, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM kiêm Phó TGĐ Vinasun đã xác nhận vụ việc trên và cho rằng nội dung của khẩu hiệu "không đến nỗi quá đáng". Cũng theo ông Hỷ thì tình trạng trên là do các tài xế taxi tự phát, không phải chỉ đạo của hãng và lãnh đạo đơn vị đang rà soát để có hướng xử lý.

 Vinasun cùng hàng loạt taxi truyền thống đồng loạt dán khẩu hiệu đối đầu Uber, Grab  - Ảnh 1.

 Vinasun cùng hàng loạt taxi truyền thống đồng loạt dán khẩu hiệu đối đầu Uber, Grab  - Ảnh 2.

Trước đó, tình trạng các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Mỹ Đình, Vạn Xuân, Sao Thủ Đô… dán khẩu hiệu phản đối taxi công nghệ đã diễn ra tại Hà Nội. Nội dung truyền tải của các hãng taxi này có thể kể tới như: “50.000 xe thí điểm theo QĐ 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỷ nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỷ. Vậy ngân sách thất thu ở đâu?”; “Đi taxi truyền thống là bảo vệ nguồn tài chính quốc gia”.

 Vinasun cùng hàng loạt taxi truyền thống đồng loạt dán khẩu hiệu đối đầu Uber, Grab  - Ảnh 3.

 Vinasun cùng hàng loạt taxi truyền thống đồng loạt dán khẩu hiệu đối đầu Uber, Grab  - Ảnh 4.

 Vinasun cùng hàng loạt taxi truyền thống đồng loạt dán khẩu hiệu đối đầu Uber, Grab  - Ảnh 5.

Vào đầu tuần trước, Hiệp hội taxi Hà Nội đã có kiến nghị báo cáo các sai phạm của chương trình thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ Giao thông - vận tải ban hành bằng quyết định 24/QĐ-BGTVT.

Theo đó, Hiệp hội taxi Hà Nội đã kiến nghị cho dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm trong tháng 9/2017, đồng thời tiến hành tổng kết đánh giá ngay các hệ lụy của kế hoạch thí điểm được cho là gây ra nhiều bất an cho xã hội khi số lượng xe Uber, Grab đang hoạt động hiện đã vượt 50.000 chiếc.

Ngoài ra, Hiệp hội này cũng cho rằng Uber, Grab đang gây thất thoát ngân sách quốc gia. Ước tính của Hiệp hội này cho biết mỗi năm Uber, Grab đã chuyển khoảng 3.600 tỷ đồng ra nước ngoài, bình quân mỗi ngày khoảng 10 tỷ đồng.

Trong một động thái tương tự, Hiệp hội taxi TP.HCM cách đây ít ngày cũng đưa ra kiến nghị dừng ngay thí điểm theo Quyết định 24 mà không cần chờ đến ngày 8/1/2018.

Lý do Hiệp hội taxi TP.HCM đưa ra cũng tương tự Hiệp hội taxi Hà Nội khi cho rằng từ khi có Quyết định 24 đến nay đã để lại nhiều hệ luỵ cho tình hình kinh tế xã hội của đất nước. Chẳng hạn: số lượng phương tiện bùng nổ rất nhiều lần so với quy hoạch, gây thất thoát thuế nhà nước, triệt tiêu doanh nghiệp cùng ngành.

Trong thông cáo phát đi sau đó, đại diện truyền thông của Grab bác bỏ thông tin nói trên và khẳng định: "Thông tin mỗi năm Grab chuyển 3.600 tỉ đồng ra nước ngoài là hoàn toàn sai lệch và thiếu căn cứ”.

Có thể nói, sự hiện diện của Uber, Grab đã gây không ít khó khăn cho các hãng taxi truyền thống. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Vinasun ghi nhận 100 tỷ đồng LNST, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Còn với Mai Linh, doanh nghiệp này lỗ gần 50 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và số lỗ lũy kế hiện lên tới gần 800 tỷ đồng.

Không những vậy, số lượng nhân sự Vinasun đã giảm gần 8.000 người so với đầu năm, còn với Mai Linh con số sụt giảm nhân sự cũng lên tới gần 6.000 người và một phần không nhỏ các lái xe này đã chuyển sang hoạt động tại các hãng taxi công nghệ như Uber, Grab.

Theo Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM