Đây là cách Apple nhẹ nhàng "lách" hàng tỷ USD tiền thuế mỗi năm
Ngay cả khi bị đặt vào tình thế nguy hiểm, Apple vẫn tự tin gửi đi thông điệp: "Châu Âu sẽ chỉ có thuế hoặc việc làm và Apple không thể đáp ứng cả hai".
Vào tuần trước, Ủy ban châu Âu đã buộc chính phủ Ireland phải thu hồi 14,5 tỷ USD tiền thuế mà Apple đã "lách luật" để không phải trả trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến 2015.
Tuy nhiên, khá bất ngờ là phía Ireland lại không muốn nhận, đồng thời Apple cũng cho rằng họ không cần phải trả số tiền này. Vậy điều gì đang xảy ra ở đây và Apple đã những làm gì để “lách” hàng tỷ USD tiền thuế mà không bị "sờ gáy" trong suốt thời gian qua?
Được biết, số tiền thuế 14,5 tỷ USD mà Apple đã "lách" lớn gấp đôi tổng giá trị thuế mà Ireland thu được vào năm 2015. Bên cạnh đó, 14,5 tỷ USD có thể giúp Ireland chi trả toàn bộ ngân sách y tế hàng năm, xây dựng được 100 nghìn ngôi nhà cho người nghèo, hay thậm chí có thể trả dứt điểm một phần tiền nợ công trong tổng số nợ lên đến 200 tỷ USD.
Hồi tháng trước, Apple đang nắm giữ tổng số tiền mặt lên đến 232 tỷ USD. Và 214 tỷ USD trong số đó là đến từ các quốc gia nằm ngoài Mỹ. Từ đó có thể thấy, mỗi tháng Apple sẽ bỏ túi khoảng 4,45 tỷ USD. Do đó, 14,5 tỷ USD chỉ vào khoảng 3 tháng lơi nhuận của Apple, một con số lẻ trong núi tiền của hãng này.
Theo Ủy ban châu Âu, Apple đã thành lập ra 2 công ty tại Ireland với tên gọi là Apple Sales International và Apple Operations Europe. Và cả hai đều không có bất cứ một nhân viên hay văn phòng nào nhưng lợi thuận thu về là khổng lồ.
Bên cạnh đó, trong suốt những năm qua, khi Apple bán sản phẩm tại một quốc gia nào đó thuộc châu Âu, hãng này luôn tìm đủ mọi cách để chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được về Ireland. Mục đích là không phải đóng thuế cho cả hai quốc gia kể trên nhờ vào kẽ hở trong luật cũ ban hành ở Ireland.
Ngoài ra, nếu áp dụng theo luật thế mới được ban hành tại Ireland vào năm 2015, Apple cũng chỉ phải trả 0,005% tiền thuế. Nói rõ hơn là cứ kiếm được 1 triệu USD, Apple chỉ phải đóng thuế vỏn vẹn có 50 USD.
Trang Bloomberg cho biết, sẽ không có gì đáng nói nếu như Apple đóng đúng mức thuế quy định là 12,5%. Tuy nhiên, trong một văn bản được ký kết giữa Apple và chính phủ Ireland vào năm 1991 có cho phép Apple được quyền "xử lý thuế có chọn lọc”.
Không chỉ có thế, một văn bản thỏa thuận khác thậm chí còn cho phép nhà Táo được quyền chuyển tiền tới một "trụ sở ảo" chỉ tồn tại trên giấy tờ mà không phải chịu bất kỳ sự quản lý nào từ Ireland.
Thực tế, Apple cũng phải đóng thuế theo các quy định của chính phủ Ireland cho các chi nhánh có mặt trên đất nước này. Thế nhưng, phần lớn lợi nhuận thì Apple lại chuyển tới "trụ sở ảo" đã được miễn thuế.
Do đó, Ủy ban châu Âu đã chỉ ra rằng, thực chất có một phần rất nhỏ lợi nhuận từ Apple Sales International bị đánh thuế tại Ireland, còn lại Apple đã lách luật và sẽ không bị đánh thuế ở bất cứ đâu.
Cụ thể, trong năm 2011, Apple Sales International đã thu về tới hơn 16 tỷ USD lợi nhuận. Nhưng thực chất là chỉ có chưa tới 50 triệu USD bị đánh thuế ở Ireland, còn lại đều được Apple chuyển về "trụ sở ảo".
Tất nhiên, ở đời không ai cho không ai cái gì, để nhận được sự ưu ái thế này của Ireland, Apple phải ký một cam kết tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho người dân nước này.
Trước đó, vào năm 1980, nền kinh tế Ireland rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng, kéo theo đó là tỷ lệ thất nghiệp rất cao, khiến không ít phải dân phải đi du cư tới các nước khác.
Nhằm giải quyết tình trạng nói trên, Ireland đã ban hành một chính sách thuế doanh nghiệp thấp nhất châu Âu là 12,5%. Chính sách này nhanh chóng thu hút rất nhiều công ty lớn kéo đến đầu tư và đặt trụ sở tại Ireland, bao gồm Apple, Facebook, Google, eBay, Twitter…
Riêng Apple đã tạo ra công ăn việc làm cho hơn 6.000 người tại nhà máy ở Cork, nhanh chóng chiếm được thiện cảm và trở thành một phần quan trọng với nền kinh tế Ireland. Đây cũng là lí do khởi nguồn cho rất nhiều những ưu ái mà nước này dành cho Apple.
Uỷ Ban châu Âu cho rằng những ưu ái này của Ireland đã giúp Apple có lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh khác. Do đó, dễ hiểu khi phán quyết buộc Ireland phải thu hồi 14,5 tỷ USD được ban ra.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng nếu Ireland thực hiện theo đúng yêu cầu từ phía Uỷ ban châu Âu thì có thể đất nước này sẽ tụt hậu như 10 năm trước.
Đây không phải là lần đầu tiên Uỷ ban châu Âu đưa ra các phán quyết bắt buộc các quốc gia thu hồi thuế đối với các công ty nước ngoài. Cụ thể, vào tháng 10 năm ngoái, Starbuck đã phải trả lại cho Hà Lan 32,7 triệu USD tiến thuế.
Bên cạnh đó, Facebook nhiều khả năng sẽ bị "sờ gáy" vào tháng tới. Được biết, Facebook đã đầu tư rất nhiều tại Ireland, bao gồm việc xây dựng trụ sở mới và trung tâm dữ liệu. Chính vì thế, Ủy ban châu Âu sẽ xem xét kỹ lưỡng các thỏa thuận thuế giữa Ireland và Facebook, tương tự như đã từng làm với Apple.