Đây là 3 nữ hoàng đứng đầu ngành, đại diện cho thế hệ nữ doanh nhân 5x, 6x, 7x tại Việt Nam

20/10/2016 07:44 AM | Kinh doanh

Vừa lãnh đạo doanh nghiệp, vừa gìn giữ tổ ấm gia đình, phụ nữ phải giỏi đến thế nào. Sau đây là chân dung một vài nữ tướng tài năng trong giới kinh doanh tại Việt Nam.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, CafeBiz đã thực hiện một series bài viết về câu chuyện & bài học về phụ nữ, những chia sẻ nghề nghiệp, kinh doanh, những câu chuyện cuộc đời & triết lý sống của các nữ doanh nhân. Mời độc giả đón đọc.

Xem bài trước:

Hành trình startup mở 3 công ty khi chưa đầy 30 tuổi của nữ hoàng khởi nghiệp Việt Nam Thủy Trương

Jack Ma: Đây là kỷ nguyên của phụ nữ, các anh đừng nói nhiều nữa!

Máu kinh doanh làm giàu của nữ giới Việt Nam đâu có thua nam giới


"Khi làm lãnh đạo, phụ nữ vẫn gánh thêm phần gia đình. Rất nhiều người so sánh chọn giữa sự nghiệp và gia đình, họ chọn gia đình. Nếu có điều kiện được gia đình hỗ trợ thì phụ nữ hết mình về công việc, nhưng có những người không được hỗ trợ nên họ phải có lựa chọn", đây là những lời tâm sự của CEO Vinamilk Mai Kiều Liên về việc phụ nữ lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo số liệu của Grant Thornton năm 2015, tỷ lệ nữ giới làm CEO là 9%, COO là 9%, giám đốc kinh doanh là 10%, thậm chí chỉ 4% với vị trí CIO. Thế mới thấy để vừa lãnh đạo doanh nghiệp, vừa gìn giữ tổ ấm gia đình, phụ nữ phải giỏi đến thế nào. Sau đây là chân dung một vài nữ tướng tài năng trong giới kinh doanh tại Việt Nam.

Mai Kiều Liên (63 tuổi): Nữ hoàng ngành sữa

Nhắc đến Vinamilk mà không biết đến bà Mai Kiều Liên là một thiếu sót lớn. Năm 2016, Vinamilk kỷ niệm 40 năm thành lập và đó cũng là quãng thời gian gắn bó của bà Liên tại công ty này. Kể từ khi Vinamilk cổ phần hóa năm 2003, bà Liên giữ vị trí chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc công ty. Năm 2015 bà rời ghế chủ tịch HĐQT, chỉ tham gia điều hành. Dự kiến năm 2017 bà Liên sẽ nghỉ hưu.

Với ước mơ làm ngành sư phạm hoặc bác sĩ nhưng năm 1970 bà Liên được nhà nước phân công đi Liên Xô học ngành công nghệ chế biến thịt và sữa. Con đường vào ngành sữa còn được bắt đầu tư ước mơ của cha bà, một bác sỹ với tâm huyết cải thiện "tầm vóc" người Việt. Ban đầu bà Liên là kỹ sư phụ trách khối sản xuất nhà máy sữa Trường Thọ, thuộc công ty Sữa- cà phê miền Nam (tiền thân của Vinamilk) từ năm 1976.

Dưới sự lãnh đạo của bà Liên, Vinamilk là một trong những doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thành công nhất trong lịch sử có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường, gần 7 tỷ USD, doanh thu năm 2015 đạt hơn 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận ròng trên 7.700 tỷ đồng.

Mặc dù được mệnh danh là "nữ tướng" trong ngành sữa cũng như tại Vinamilk nhưng bà Liên tự cho mình là người mềm yếu, tình cảm trong công việc. Bà Liên từng chia sẻ: "Tôi tình cảm nhiều hơn lý trí nhưng khi vì công ty thì lý trí phải thắng. Tình cảm mãi cũng không được."

Có một điều khá thú vị là Vinamilk rất ít khi đuổi việc nhân hay sa thải nhân viên. Bà Liên cho rằng: "Thứ nhất là thuyết phục. Thuyết phục không được lần một thì lần hai. Mình hiểu không phải lỗi của họ, lỗi hệ thống."

Dù ở công ty là người đứng đầu nhưng khi trở về nhà, bà lại là người phụ nữ của gia đình, Bà Liên từng hài hước cho biết "ở nhà tôi là ô sin". Trong gia đình bà không có người giúp việc. Bà Liên xem việc nội trợ như một sở thích giúp bà giữ cân bằng. Mỗi cuối tuần, bà đi chợ, chuẩn bị đồ ăn cho cả tuần vào thứ bảy, chủ nhật.

Cao Thị Ngọc Dung (59 tuổi): Nữ hoàng ngành trang sức

9 tháng đầu năm 2016, Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) công bố con số lãi kỷ lục: 440 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Theo báo cáo của một công ty chứng khoán, thị phần bán lẻ của PNJ đang liên tục tăng cao và vọt lên 25% trong năm 2015, bỏ xa 2 đối thủ Doji, SJC với con số dưới 10%.

Người làm nên một PNJ thành công như hôm nay chính là bà Cao Thị Ngọc Dung. Bà được xem là linh hồn của công ty nữ trang có quy mô sản xuất lớn nhất Việt Nam. Theo tạp chí Forbes, vị thế quy mô sản xuất của PNJ gấp 4 lần các đối thủ cạnh tranh kế tiếp, trên thị trường cứ bốn cửa hàng bán đồ trang sức thì có một cửa hàng có sản phẩm của PNJ.

Cũng như bà Liên, việc rẽ hướng sang kinh doanh vàng bạc hoàn toàn không nằm trong dự tính của bà Dung. Sau khi tốt nghiệp khoa kinh tế thương mại, đại học Kinh tế Tp.HCM, bà Dung làm việc cho Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Phú Nhuận. Rồi đang trên cương vị Trưởng Phòng Kế hoạch Công ty Nông sản thực phẩm Quận Phú Nhuận, bà Dung được cấp trên chỉ định yêu cầu thành lập và quản lý một cửa hàng kinh doanh vàng bạc.

Từ số vốn ban đầu 14 triệu đồng và gần 20 cộng sự, cùng với nỗ lực học hỏi thậm chí là làm quen với mấy ông tiệm vàng, học hết từ đánh xi đên xác định tuổi vàng, bà Dung dẫn dắt PNJ vượt qua thăng trầm làm nên thành công như hôm nay.

Ngoài xây dựng mô hình, chiến lược kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp là thứ được bà Dung coi trọng: "Tài sản lớn nhất của PNJ là gì? Không phải là tiền. Đó là văn hóa doanh nghiệp, là con người. Tiền có thể huy động nhanh từ các nhà đầu tư nhưng văn hóa doanh nghiệp phải xây dựng từ từ." Đây cũng là thứ để PNJ giữ người tài.

Theo nhận xét của ông Andy Ho, giám đốc điều hành VinaCapital, bà Dung là người tự tin và có đam mê. Bà có tầm nhìn biết tôn trọng và xử lý cân bằng các vấn đề bên trong cũng như bên ngoài PNJ.

Nguyễn Thị Phương Thảo (46 tuổi): Nữ hoàng ngành hàng không

Sinh trưởng trong một gia đình Hà Nội gốc, năm 17 tuổi, bà Thảo đi du học đại học ngành Kinh tế tài chính và sớm nổi tiếng trong cộng đồng với bảng thành tích học tập xuất sắc và tài kinh doanh thiên bẩm. Khi còn là sinh viên năm thứ 2, bà đã bước vào thương trường. Khi ấy thị trường Đông Âu thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm nên bà kinh doanh đủ thứ, từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, hàng nông sản từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, HongKong (Trung Quốc) sang Đông Âu. Đồng thời, bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như phân bón, sắt thép, thiết bị…

Nhắc đến bà Thảo người ta thường nghĩ tới hãng hàng không Vietjet Air. Tuy nhiên bà hiện còn tham gia vào lĩnh vực tài chính ngân hàng với vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Thường trực HDBank.

Kể từ khi "cất cánh" vào năm 2011, đến nay sau 5 năm, sự thay đổi lớn nhất mà bà Thảo tạo ra được trên thị trường là hiện thực hoá "giấc mơ" mọi người đều có thể tiếp cận với dịch vụ hàng không hiện đại. Theo thống kê chưa đầy đủ có tới 30% hành khách của Vietjet trong số 30 triệu hành khách đã chọn bay cùng hãng hàng không này 5 năm qua là hành khách lần đầu được đi máy bay.

Năm 2015, HDBank hoàn tất thương vụ mua lại công ty tài chính Việt Société Générale và chuyển công ty 100% vốn nước ngoài này thành công ty con. Tính đến thời điểm cuối năm 2015, tổng tài sản của ngân hàng này là 102.423 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 836 tỉ đồng. Theo chính chia sẻ của bà Thảo, dự án HDBank được bà chuẩn bị mất 8 năm, và tăng trưởng gấp 15 lần, doanh nghiệp tài chính tiêu dùng tăng 600% trong 3 năm.

Về mảng bất động sản, bà Thảo hiện sở hữu một số khách sạn, chuỗi nghỉ dưỡng 5 sao như khu nghỉ dưỡng Furama, Ana Mandara, An Lâm Ninh Vân Bay. Theo tính toán của Bloomberg, bà Thảo hiện có tài sản ròng vượt 1 tỷ USD và là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM