Dấu hỏi lớn với TPP, việc làm của người lao động Việt khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ

11/11/2016 08:53 AM | Xã hội

Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đã được công bố với phần thắng cử thuộc về ông Donald Trump. Điều này khiến các nhà kinh tế và cả những người Việt đang sinh sống và có ý định lập nghiệp ở Mỹ phải trăn trở.

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ là một sự kiện lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Với những quan điểm tranh cử làm tổng thống, động thái của Trump là hướng nội. Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định tới toàn nền kinh tế nói chung và với Đông Nam Á - Việt Nam nói riêng.

Trong đó, những vấn đề dưới đây sẽ đặc biệt là mối quan tâm của nhiều người:

Thứ nhất: Hiệp định TPP:

Ngay từ đầu, Donal Trump đã tỏ ra không mặn mà với các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP. Ông cho rằng, hiệp định này làm mất quyền lợi của người dân Mỹ. Trong khi đó, hội nhập đang là xu thế toàn cầu.

TPP mở ra cơ hội rất lớn cho các bên tham gia, với yêu cầu rất cao, tạo ra một thế hệ mới trong hiệp định thương mại tự do. Điều này buộc Việt Nam phải tiến hành đẩy mạnh cải cách thực chất mạnh mẽ, bớt lệ thuộc vào các nước xung quanh, cơ hội phát triển kinh tế độc lập.

"Tuy nhiên, với sự dẫn dắt của Trump, hy vọng về giá trị mang lại từ TPP nhiều khả năng không đạt được, việc cải cách kinh tế của VN sẽ chậm lại", chuyên gia Ngô Trí Long cho hay.

Thứ hai: Việc làm của người lao động

Châu Á là một bộ phận không thể tách rời thị trường toàn cầu. Trái ngược với quan điểm của bà Hilary sẽ xoay trục về Thái Bình Dương (trong đó có chú trọng Đông Nam Á) thì ông Trump có quan điểm ngược lại, chỉ làm những gì có lợi cho nước Mỹ.

Ông Trump từng nhắc tới Việt Nam là điểm chính khiến việc làm của Mỹ bị mất đi ra nước ngoài và tuyên bố sẽ lấy lại việc làm từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico,... về tay người dân Mỹ.

Trong một bài báo, Trump cũng được biết đến là chú trọng người da trắng hơn sẽ là nỗi lo đáng ngại với các lưu học sinh Việt sau khi tốt nghiệp ở Mỹ muốn tiềm việc làm. Với tính cách yêu-ghét rõ rệt của vị tân tổng thống Mỹ cũng không hề dễ dàng cho những ai đang muốn đầu tư, khởi nghiệp ở Mỹ.

Thứ ba: Nguồn vốn FDI

Xếp vị trí thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, nửa thập niên trở lại đây nguồn vốn FDI từ Mỹ thông qua các thương hiệu mới vẫn không ngừng chảy vào Việt Nam.

Thế nhưng, với quan điểm khi tranh cử tổng thống Mỹ, nguồn này sẽ khó có tín hiệu tích cực.

Thứ tư: Tỷ giá

Tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ trước sự ngỡ ngàng của cả thế giới đồng thời cũng gây một cú sốc cho nền kinh tế toàn cầu. Ngay sau khi có kết quả về vị tân tổng thống, các sàn chứng khoán biến động, vàng tăng sốc, USD đổ dốc… khiến cả thị trường tài chính chao đảo.

Khi đồng Đô la tụt dốc, các nhà đầu tư – kinh doanh tiền tệ sẽ tìm đồng tiền khác và sự lựa chọn của họ phần lớn là Yen (Nhật Bản). Thế nhưng, với những dự báo tăng mạnh của Yen sẽ tạo áp lực lớn cho DN, đặc biệt các DN đang đang có dư nợ bằng đồng tiền này.

Tuy Công ty Nhiệt điện Phả Lại, EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), ACV (Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam) liên tục báo lỗ thì một số DN khác cũng khó tránh khỏi nguy cơ này.

Giải pháp tháo khó cho các DN trên là không tưởng nhưng xét theo bình diện chung, DN xuất khẩu sang Nhật sẽ rất có lợi. Do đó, cần đẩy mạnh tăng cường xuất khẩu sang nước này để cân bằng thị trường trong nước.

Chưa nhìn thấy tín hiệu tích cực

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, với tư tưởng của Trump, tín hiệu tích cực của thị trường Việt Nam sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ gần như không nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, chúng ta cứ nên lạc quan và chờ đợi vào lịch sử trên từng đường đi nước bước của tân tổng thống Mỹ.

Bên cạnh đó, ngay khi trở thành tổng thống Mỹ, vị tỷ phú này cũng không thể tự ý quyết định mọi việc. Quốc hội, tòa án cùng các nhà hoạt động, ngành công nghiệp cũng như áp lực từ công chúng vẫn là những đầu mối quyết định ảnh hưởng tới các chính sách Mỹ nhằm định hướng thị trường.

Hồng Minh

Cùng chuyên mục
XEM