Đánh thuế 3.805 mặt hàng nhưng vẫn né "đặc sản" Trung Quốc: Mỹ sợ tự lấy roi vụt mình?
Trong danh sách trị giá 300 tỷ USD dự kiến sẽ bị áp mức thuế mới, Mỹ đã "bỏ sót" mặt hàng vô cùng quan trọng, trong khi TQ đang đứng thứ nhất thế giới về trữ lượng mặt hàng này.
"Đặc sản" của Trung Quốc không bị đánh thuế
Vào thứ Hai ngày 13/5 (theo giờ địa phương), Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã đưa công bố danh sách 3.805 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 300 tỷ USD dự kiến bị áp mức thuế 25%.
Trước đó, vào thứ Sáu tuần trước 10/5, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, danh sách được tuyên bố vào thứ Hai sẽ áp dụng cho tất cả các mặt hàng chưa từng bị tăng thuế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Guancha (Trung Quốc), "tất cả các mặt hàng" mà ông Lighthizer nói, không bao gồm các tài nguyên như đất hiếm và khoáng sản quan trọng, đồng thời không bao gồm dược phẩm và các sản phẩm y tế đặc biệt.
Hiện nay, Trung Quốc được biết đến là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới. Trước đây, ông Kim Xán Vinh - chuyên gia về vấn đề nước Mỹ, Giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, một trong ba con át chủ bài giúp Bắc Kinh chiến thắng Washington trong cuộc chiến thương mại chính là kiểm soát việc xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.
Một mỏ khai thác đất hiếm ở Bao Đầu, khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: VCG
Về vấn đề này, Reuters ngày 14/5 đã dẫn quan điểm của công ty tư vấn Adamas Intelligence cho biết: "Đất hiếm rất quan trọng đối với ngành công nghiệp và quốc phòng của Mỹ và không có nguồn cung thay thế trong thời gian ngắn. Nếu tăng thuế, Mỹ thậm chí phải chịu nhiều đau đớn hơn Trung Quốc".
Đất hiếm luôn là tâm điểm của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Xét về nguồn tài nguyên, trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc không chỉ chiếm 23% tổng trữ lượng của thế giới, mà còn có nhiều loại và tính năng.
Đáng chú ý hơn nữa, vào tháng 4/2018, công ty chứng khoán Zhongtai công bố báo cáo dự đoán "đặc sản" của Trung Quốc "thực sự chiếm ưu thế và là nguồn tài nguyên chiến lược mang ưu thế cạnh tranh tuyệt đối".
Xét về ứng dụng, công ty Trung Quốc nhấn mạnh: "Việc tiêu thụ đất hiếm ở hạ nguồn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực mới nổi mang tính chiến lược như năng lượng mới và vật liệu mới, trong khi nhu cầu tiềm năng của nó sẽ rất hứa hẹn trong thời gian dài, đặc biệt là tiềm năng tiêu thụ của nam châm đất hiếm trong lĩnh vực xe ô-tô năng lượng mới sẽ tăng trưởng mạnh".
Nhắc tới xe ô tô năng lượng mới, tài nguyên lithium luôn là một chủ đề không thể bỏ qua.
Trước đó, chính phủ Mỹ dự kiến sẽ gặp gỡ các nhà sản xuất ô tô và công ty khai thác lithium của Mỹ vào tháng 5, đồng thời lần đầu tiên đưa ra chiến lược chuỗi cung ứng xe điện toàn quốc.
Hiện nay, sản lượng ắc quy lithium do Trung Quốc sản xuất chiếm 2/3 sản lượng toàn thế giới, trong khi Mỹ chỉ chiếm 5%.
Mặt khác, lithium cũng được Bộ Nội vụ Hoa Kỳ liệt vào danh sách một trong 35 khoáng sản chính.
Vào ngày 16/2/2018, Bộ Nội vụ Mỹ đã công bố danh mục 35 khoáng sản chính, liên quan đến 35 loại kim loại phụ thuộc nhiều vào nước ngoài và rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ.
Mặc dù trong danh mục này, các nhà sản xuất và cung ứng tài nguyên lithium hàng đầu lần lượt là Australia và Chile nhưng các nhà sản xuất hàng đầu của 19 loại khoáng sản lại là Trung Quốc, chiếm hơn 50%; các nhà cung cấp hàng đầu 13 loại khoáng sản cũng là Trung Quốc, chiếm 37%.
Trong số đó, đất hiếm được coi là tài nguyên quan trọng nhấn và Trung Quốc đóng vai trò là nhà sản xuất và nhà cung cấp hàng đầu.
Reuters cho hay, hiện nay hầu hết 35 loại khoáng sản nói trên đều nằm trong danh sách hàng hóa Trung Quốc chịu mức thuế mới của Mỹ nhưng các mặt hàng như đất hiếm, antimon, than chì tự nhiên v.v... không bị ảnh hưởng mức thuế mới từ Mỹ.
Ngoài ra, caesium và rubidium được sử dụng cho nghiên cứu khoa học - không được khai thác ở Mỹ và fluorite được sử dụng để sản xuất xăng, thép và nhiên liệu uranium cũng không bị ảnh hưởng.
Vì Mỹ sợ tự lấy roi vụt mình?
Theo báo Trung Quốc, điều khiến Mỹ lo lắng hơn nữa chính là tích hợp các chuỗi cung ứng như tinh luyện và sản xuất đất hiếm, trong khi Trung Quốc cũng có thế mạnh vượt trội về phương diện này.
"Mỹ quá tập trung vào khai thác đất hiếm hơn là toàn bộ chuỗi cung ứng đất hiếm", James Kennedy, Giám đốc Công ty tư vấn ThREE cho biết vào tháng 3 năm nay rằng, hàng trăm dự án khai thác đất hiếm được tiến hành ở bên ngoài Trung Quốc, khiến mọi người lầm tưởng rằng sự phụ thuộc của phương Tây vào đất hiếm Trung Quốc đang giảm dần.
Người dân Trung Quốc chế biến đất hiếm. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, hầu hết các dự án trên đều thất bại.
Theo ông này, "trong hơn 400 công ty khởi nghiệp đất hiếm ra mắt năm 2012, chưa đến năm doanh nghiệp đi tới giai đoạn sản xuất và chỉ có hai trong số đó sản xuất được số sản lượng nhất định, trong đó, một doanh nghiệp sau khi phá sản đã hồi sinh sau khi được Trung Quốc hỗ trợ vốn, doanh nghiệp còn lại đã mất giấy phép kinh doanh trong thời gian ngắn. "
"Nếu nói với các nhà hoạch định chính sách Mỹ rằng Trung Quốc sẽ chọn cấm vận các tài nguyên này thì tất cả các dây chuyền sản xuất ô tô, máy tính, điện thoại thông minh và máy bay ở các quốc gia khác có thể sẽ phải đóng cửa. Họ nhất định sẽ rất choáng váng", ông Kennedy nói.
Thậm chí, ông này còn cảnh báo: "Mua bán vũ khí quân sự phương Tây cũng nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc".
Lý do là vì "tất cả các ứng dụng công nghệ và quốc phòng đều bắt đầu bằng kim loại đất hiếm thay vì quặng mới khai thác". Ngược lại, Trung Quốc đã nắm chắc con đường khai thác kim loại đất hiếm, hợp kim, nam châm v.v...
Ngoài ra, khảo sát của ThREE cho thấy kể từ năm 2011, số lượng bằng sáng chế liên quan đến đất hiếm hàng năm của Trung Quốc đã vượt quá tổng số phần còn lại của thế giới. Đến đầu năm 2021, Trung Quốc dự kiến sẽ tích lũy số lượnng bằng sáng chế đất hiếm nhiều hơn hẳn so với phần còn lại của thế giới.
Theo Guancha, với vai trò quan trọng như vậy của đất hiếm, Giáo sư Trung Quốc Kim Xán Vinh cho rằng: "Nếu cấm hoàn toàn xuất khẩu sang Mỹ, điều này sẽ buộc Mỹ phải khai thác đất hiếm của mình. Vì nhu cầu quá lớn, Washington phải mất nhiều năm để đáp ứng yêu cầu nên sẽ xuất hiện khoảng trống ở giữa giai đoạn".
Ông này thậm chí còn tin rằng: "Khi ngành công nghiệp đất hiếm ở Mỹ được khôi phục hoàn toàn, chip cao cấp của Trung Quốc có thể được xuất khẩu."
Trước đó, công ty tư vấn Adamas Intelligence cũng cho rằng, "Trong ngắn hạn, Mỹ sẽ không tìm được nguồn thay thế, vì thế, nếu đánh thuế mặt hàng đất hiếm, Mỹ sẽ chỉ đẩy mình vào tình trạng tệ hơn".