Đánh giá số lượng xương và chất lượng xương trong cấy ghép phục hình Implant

29/12/2022 10:00 AM | Sống

Trao đổi với Ths.Bs Nguyễn Quang Tiến - chủ tịch Hội đồng Quản trị tại Bệnh viện chuyên khoa Răng Hàm Mặt Sài Gòn - đối với những ca có mật độ xương cao (D1) hoặc những ca có mật độ xương loãng (D4) ảnh hưởng đến chất lượng cấy ghép Implant.

Theo bác sĩ Quang Tiến chia sẻ, để thực hiện Implant, các bác sĩ cần phải đánh giá hai tiêu chí: số lượng xương và chất lượng xương.

Để đánh giá số lượng xương, các bác sĩ thường thăm khám và đánh giá trên hình phim chụp CT 3 chiều xương hàm và phần mềm phân tích phim trực tiếp để đưa ra các nhận định về tiêu chí số lượng xương.

Đối với việc đánh giá về tiêu chí về chất lượng xương, các bác sĩ sẽ dựa vào chỉ số HU (Hounsfield) – là chỉ số được dùng để đánh giá độ cứng chắc của khối vật chất. Theo phân loại của Lekholm - Zarb, mật độ xương hàm được phân ra làm 4 loại từ mật độ xương cao ( D1) đến mật độ xương thấp ( D4). Mật độ xương sẽ ảnh hưởng đến  độ ổn định Implant và cũng ảnh hưởng đến sự tồn tại lâu dài của Implant.

Đối với việc đánh giá chất lượng xương trong Implant, bác sĩ Quang Tiến cho biết mật độ xương đặc (D2) và mật độ đặc vừa (D3) là phù hợp. Còn đối với mật độ xương rất cao (D1) và mật độ xương loãng (D4) đòi hỏi bác sĩ cần tay nghề chuyên môn cao.

Mật độ xương quá cao ở mức độ D1 thì khu vực điều trị sẽ có ít mạch máu nuôi dưỡng. Vì thế sự lành thương lâu và sẽ làm giảm khả năng tích hợp xương. Tuy nhiên, nếu mật độ xương quá thấp như D4 cũng làm giảm tỷ lệ thành công của cấy ghép Implant và cũng gây không ít khó khăn cho vấn đề phẫu thuật cấy Implant.

Đối với mật độ xương cao, theo bác sĩ Quang Tiến, hầu hết các bác sĩ nha khoa khi cấy Implant cho bệnh nhân có mật độ xương cao dạng D1 thường rất tự tin vào sự thành công của Implant vì thường độ ổn định ban đầu Primary Stability của Implant rất cao, cho đến khi Implant đó bị lung lay hay sút ra. Nhiều bác sĩ ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Do đó, bác sĩ tư vấn: "Sau này, tôi thường khuyên các bác sĩ trẻ khi cấy những cây Implant đầu tiên nên nhờ các bác sĩ trưởng phó Khoa Implant của Bệnh viện hỗ trợ, song hành để kịp thời xử lý những tình huống khó khăn hay xảy ra trong quá trình phẫu thuật để tránh những biến chứng đáng tiếc cho bệnh nhân".

Đánh giá số lượng xương và chất lượng xương trong cấy ghép phục hình Implant - Ảnh 1.

ThS.Bs Nguyễn Quang Tiến - Chủ tịch HĐQT Bệnh Viện Chuyên khoa Răng Hàm Mặt Sài Gòn - tư vấn các bác sĩ trẻ cần có đội ngũ giàu kinh nghiệm cùng thực hiện Implant để được tư vấn kịp thời xử lý các rủi ro

Đối với mật độ xương loãng (D4), bác sĩ Quang Tiến có chia sẻ về kinh nghiệm xử lý: "Cách đây vài năm, khi tôi hướng dẫn cho một bác sĩ trong hệ thống lần đầu cấy những cây Implant, gặp ngay một ca xương D4 nên khi bác sĩ này vặn Implant vào thì Implant không đạt được độ ổn định ban đầu và bị xoay tròn trong ổ xương. Một điều khó khăn nữa là Implant bị tụt vào ổ xương dưới lớp xương vỏ cứng chắc nên bác sĩ không có cách nào lấy cây Implant này ra được để thay cây Implant khác. Lúc đó, tôi đã xử lý bằng cách lấy Implant bị xoay ra qua việc tạo cửa sổ xương, thay bằng Implant khác đường kính lớn hơn để đạt được độ ổn định ban đầu và ghép xương GBR. Ca đủ xương đủ nướu đã trở thành một ca khó, cần ghép xương làm tăng thêm chi phí vật liệu, nhưng cũng may ca đó Implant tích hợp tốt với xương hàm nên giúp bệnh nhân phục hồi được chức năng ăn nhai".

Đánh giá số lượng xương và chất lượng xương trong cấy ghép phục hình Implant - Ảnh 2.

Ths.Bs Nguyễn Quang Tiến với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thực hiện các ca cấy ghép phục hình Implant

Do đó, đối với khách hàng, để hiểu rõ được tình trạng về số lượng xương cũng như chất lượng xương hàm đã đủ điều kiện thực hiện Implant một cách an toàn và hiệu quả hay chưa, cần tìm hiểu và lựa chọn các bệnh viện lớn, uy tín, có đủ trang thiết bị y tế cũng như đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao để thăm khám và phục hình răng.

Ánh Dương

Cùng chuyên mục
XEM