"Dẫn mối" các đại gia Mỹ rót tỷ đô vào Sài Gòn, Vua hàng hiệu Hạnh Nguyễn lại đang "sa lầy" ở Tràng Tiền Plaza?
Trước khi cùng 3 tập đoàn khác đầu tư vào TP HCM với dự án tỷ đô, ông chủ Tràng Tiền Plaza từng đi đầu trong kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam với kỳ vọng doanh thu tối thiểu 1 tỷ USD.
Bắt đầu sự nghiệp tại Việt Nam vào những năm 1990, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn phất lên nhờ kinh doanh đa ngành, trong đó nổi bật là các cửa hàng miễn thuế tại sân bay, cửa khẩu.
Tập đoàn Liên Thái Bình Dương do ông làm Chủ tịch cũng là đơn vị đầu tiên đưa những tên tuổi lớn của thế giới như Chanel, Louis Vuitton, Burberry, Salvatore Ferragamo, Cartier... tới các cửa hàng miễn thuế tại sân bay Tân Sơn Nhất, rồi vào đến trung tâm Sài Gòn.
Nhưng tên tuổi của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn chỉ được phủ sóng các kênh truyền thông khi IPP trở thành đơn vị đầu tư vào Tràng Tiền Plaza. Số tiền mà ông chủ IPP bỏ ra để làm mới vẻ ngoài của Tràng Tiền, cũng như sở hữu 20 gian hàng tại đây, ước tính vượt qua con số 2.000 tỷ đồng.
Vào thời điểm Tràng Tiền Plaza mở cửa, ai cũng cho rằng đây là món hời đối với ông vua hàng hiệu Việt Nam. Khi đó, ông Johnathan không chỉ là người nắm được mảnh đất vàng vô giá của Hà Nội, mà còn biến nó thành trung tâm hàng hiệu lớn nhất miền Bắc.
Giá trị khu đất của Tràng Tiền Plaza không được công bố. Nhưng chỉ cần nhìn sang số tiền 500 tỷ đồng mà Ocean Group bỏ ra để mua Kem Tràng Tiền, hay 1.000 tỷ đồng của bầu Thụy cho khu đất khách sạn Kim Liên, có thể thấy, mức giá của tòa nhà góc đường Tràng Tiền này sẽ phải tính tới con số vài chục triệu USD.
Đến nay, trong con mắt nhìn của công chúng cũng như giới kinh doanh, ông vua hàng hiệu dường như đang sa lầy ngay tại "thiên đường" Tràng Tiền Plaza. Tầng hầm chật chội, không có chỗ để xe ô tô dường như là cách đón tiếp không mấy hợp lý cho các khách hàng quốc tế và giới giàu có, đam mê hàng hiệu trong nước, như chiến lược thị trường của ông Johnathan.
Kể từ sau ngày mở cửa, Tràng Tiền Plaza luôn vắng khách mua, trừ đợt bán giảm giá cuối tháng 11/2015, trước khi đóng cửa tu sửa lần 2. Khách hàng đến Tràng Tiền Plaza khi đó chỉ để check in một địa điểm đẹp của Hà Nội, mua kem 3.000 đồng trên tầng 6, và ngắm những món đồ hàng hiệu không phải lúc nào cũng được nhìn tận mắt. Các cửa hàng treo biển giảm giá 10-40% vắng khách đến nỗi nhiều nơi chỉ như gian trưng bày, không có cả nhân viên trực.
Tuy vậy, chủ tịch IPP chưa một lần thừa nhận thất bại, với niềm tin định vị thị trường khác biệt và những điểm mạnh mà ông giữ riêng cho thương hiệu của mình. Với vị này, Tràng Tiền Plaza sẽ sống được, nhờ mối quan hệ của ông và sự nhạy cảm của vợ, bà Lê Hồng Thủy Tiên.
Vợ chồng ông Johnathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên.
Quan hệ của Johnathan Hạnh Nguyễn mang tới cho Tràng Tiền những món hàng độc, số lượng hạn chế từ các bạn hàng như Hermes, Louis Vuitton…, nhằm lôi kéo khách hàng quốc tế. Trong khi đó, sự nhạy cảm của Tổng giám đốc Thủy Tiên trong việc lựa kích cỡ, màu sắc của các món hàng được trưng bày ở Việt Nam sẽ "hút" khách hàng trong nước.
Hàng hiệu ở Tràng Tiền chỉ giữ giá trong 4 tháng đầu, với mục tiêu "trưng 10 bán 3 chiếc là đủ thành công cho một thương vụ nhập khẩu". Hết thời gian này, tất cả sẽ được bán giảm giá, nhằm thu hút khách hàng bình dân hơn, vừa để mau chóng thu hồi vốn, vừa giúp mở rộng nhóm khách hàng tiềm năng.
Ông chủ IPP tiết lộ về mức lãi kinh doanh hàng hiệu của mình chỉ là 3-5%, một con số được chính ông thừa nhận là "quá tốt, vì kinh doanh hàng hiệu ở Việt Nam không lỗ đã là may rồi". Chưa tính tới việc cạnh tranh giữa các nhà phân phối, hàng giả, hàng nhái, vấn đề khó nhất với các doanh nghiệp thuộc ngành chính là thuế hàng xa xỉ lên tới 30-40%.
Dù vậy, Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn nghĩ, con số 1 tỷ USD doanh thu sẽ không phải là xa vời, nhất là khi TPP thông qua, thuế về 0% và IPP có thể "đút túi" thêm 3-4 cửa hàng Outlet khác trong 5 năm tới...