Dàn KOL TikTok livestream bán hết 23 tấn vải thiều Bắc Giang, 10 phút bán sạch mỳ Chũ, thịt gác bếp: 4 tiếng chốt hơn 5.100 đơn hàng, thu về hơn 1 tỷ đồng

26/06/2023 14:10 PM | Kinh doanh

Bên cạnh vải thiều, các đặc sản khác của Bắc Giang như mỳ Chũ, thịt gác bếp đã hết hàng chỉ sau 10 phút livestream.

Dàn KOL TikTok livestream bán hết 23 tấn vải thiều Bắc Giang, 10 phút bán sạch mỳ Chũ, thịt gác bếp: 4 tiếng chốt hơn 5.100 đơn hàng, thu về hơn 1 tỷ đồng - Ảnh 1.

Phiên livestream bán đặc sản Bắc Giang trên TikTok diễn ra hôm 24/6. Ảnh: Facebook/Tỉnh Đoàn Bắc Giang.

Sáng 24/6 tại xã Hồng Giang thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, UBND của tỉnh này đã quy tụ được hơn 40 người có ảnh hưởng (KOL) trên nền tảng TikTok thực hiện livestream quảng bá, bán một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh như vải thiều, mỳ chũ, tương La, đông trùng hạ thảo…

Theo thống kê được đưa trên Báo Bắc Giang, trong vòng 4 tiếng các nhà sáng tạo nội dung đã thực hiện 26 phiên livestream, thu hút tổng cộng gần 1,7 triệu lượt xem. 5.182 đơn hàng đã được chốt với tổng doanh thu 1,2 tỷ đồng, trong đó bao gồm 23 tấn vải thiều. Ngoài ra, mỳ chũ và thịt gác bếp đã hết hàng chỉ sau 10 phút livestream.

Hoạt động livestream này nằm trong chương trình quảng bá du lịch và các đặc sản tại Bắc Giang, do TikTok phối hợp với Công ty cổ phần Sáng tạo nghệ thuật và sự kiện Sun Bright tổ chức.

Ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện TikTok Việt Nam cho biết bên cạnh việc Bắc Giang là vùng trọng điểm cây ăn quả ở miền Bắc, sở hữu nhiều sản vật độc đáo và tiềm năng phát triển du lịch, lãnh đạo của tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi số. Do đó, TikTok đã chọn Bắc Giang làm điểm khởi đầu cho chuỗi chương trình quảng bá du lịch cho các tỉnh, thành.

Theo ông Cảnh Chí Quân - Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành phương thức mua bán ngày càng phổ biến và quan trọng trong thời đại công nghệ 4.0. Việc chuyển đổi từ bán hàng truyền thống sang TMĐT đã mở ra cánh cửa mới cho người dân, đặc biệt là nông dân và nhà sản xuất nông sản.

Trong khuôn khổ chương trình của TikTok, đoàn viên và thanh niên tỉnh Bắc Giang được tập huấn kỹ năng bán các sản phẩm OCOP trên nền tảng thương mại điện tử xã hội. Đến nay, Bắc Giang đã có 205 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, 122 chủ thể tham gia chương trình có sản phẩm đạt chứng nhận.

Dàn KOL TikTok livestream bán hết 23 tấn vải thiều Bắc Giang, 10 phút bán sạch mỳ Chũ, thịt gác bếp: 4 tiếng chốt hơn 5.100 đơn hàng, thu về hơn 1 tỷ đồng - Ảnh 2.

Thanh niên tỉnh Bắc Giang được tập huấn bán hàng nông sản qua livestream. Ảnh: VGP.

Từ hồi tháng 2, TikTok và Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã ký Biên bản Hợp tác Chiến lược Nâng cao Năng lực Chuyển đổi số cho chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Trong khuôn khổ hợp tác, TikTok sẽ đồng tổ chức các lớp đào tạo cho các chủ thể OCOP về cách xây dựng nội dung video ngắn, bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo TikTok for Business, đồng thời thiết lập ngành hàng riêng cho sản phẩm OCOP trên tính năng TMĐT TikTok Shop và tái khởi động hashtag #DacsanVietNam.

Dù mới ra mắt cuối tháng 4/2022, TikTok Shop đã vượt qua Tiki để trở thành nền tảng TMĐT phổ biến thứ ba Việt Nam sau Shopee và Lazada, theo bảng xếp hạng năm 2022 do Reputa công bố.

Dữ liệu từ YouNet ECI còn cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay, lưu lượng truy cập vào trang quản lý gian hàng trên website của TikTok Shop tăng vọt 282%, đạt 4,2 triệu lượt truy cập/tháng. Như vậy, TikTok Shop hiện đã vượt Lazada để trở thành sàn TMĐT có số lượng nhà bán hàng hoạt động trong tháng cao thứ 2 thị trường, chỉ sau Shopee.

Dàn KOL TikTok livestream bán hết 23 tấn vải thiều Bắc Giang, 10 phút bán sạch mỳ Chũ, thịt gác bếp: 4 tiếng chốt hơn 5.100 đơn hàng, thu về hơn 1 tỷ đồng - Ảnh 3.

Đáng chú ý, một tính năng mới được “mở khóa” trên TikTok Shop là bán đồ tươi. Trước đây người bán chỉ có thể bán được đồ bảo quản trên 15 ngày. Bây giờ, TikTok có thể xử lý được cả những món cần giao trong vòng 3 ngày, hoặc thậm chí 24 giờ, mở ra cơ hội lớn giúp tiêu thụ các mặt hàng nông sản.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM