Đại sứ Lazada chia sẻ sự thật khó chấp nhận ở các sàn TMĐT khi đưa Thủ công mỹ nghệ Việt lên online

04/11/2022 19:33 PM | Kinh doanh

Để tồn tại trên nền tảng số, các làng nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN) Việt cần chấp nhận một sự thật: Chi phí bỏ ra để có được 1 khách hàng đầu tiên trên sàn TMĐT là đắt nhất trong các hình thức kinh doanh.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành, Đại sứ Cộng đồng Seller Lazada, đồng sáng lập dự án LazMaster, tại buổi tọa đàm “Nâng cao năng lực phát triển TMĐT cho doanh nghiệp TCMN trong nền kinh tế số” ngày 4/11.

Vị chuyên gia này khuyên các nhà sản xuất chỉ nên tham gia nền tảng số nếu đạt được mức lợi nhuận 5-10%, bởi: “Mặc dù rủi ro bán hàng trên sàn TMĐT là thấp nhất trong các hình thức kinh doanh, nhưng chi phí bỏ ra để có được một khách hàng đầu tiên thì lại là đắt nhất . Đây là điều ít sàn TMĐT nào dám thừa nhận.”

photo_2022-11-04_16-44-00.jpg

Tuy nhiên, đó chưa phải trở ngại duy nhất. Nếu thực sự muốn tham gia bán online, các làng nghề còn phải thay đổi lớn về mặt tư duy và chiến lược lựa chọn sản phẩm, đại sứ Lazada khẳng định.

Chọn sản phẩm thủ công nào?

Theo các nghiên cứu mới nhất, 80% số người Việt trong độ tuổi đi làm là người tiêu dùng số, có nghĩa là thị trường TMĐT VN có khoảng 60 triệu khách hàng. Một lượng lớn trong số đó nằm ở độ tuổi 18-35, là nhóm khách hàng được ông Thành khuyên các doanh nghiệp hướng tới với một số tiêu chí sản phẩm như sau:

Thứ nhất, các sản phẩm phải mang tính trẻ, hợp thời và có tính sử dụng cao. Các sản phẩm bình sành sứ có kích thước lớn và họa tiết cổ điển sẽ khó lọt vào mắt khách hàng trên sàn TMĐT. Việc thu nhỏ kích thước và điều chỉnh thiết kế là điều hoàn toàn trong khả năng của các nhà sản xuất với nền sản xuất có sẵn.

trau3.jpg

Tác phẩm khắc gỗ con trâu của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (Ảnh: Hanoimoi)

Thứ hai, các sản phẩm mang tính kết hợp cao hoặc độc đáo. Nhóm khách hàng rất ưa thích các sản phẩm có thể “mix and match” (phối - kết hợp), hoặc bổ sung thêm để trở thành các bộ sưu tập. Ngoài ra, các làng nghề có thể học tập các bộ cốc chén giới hạn thường gây sốt trong giới trẻ như một số thương hiệu cà phê nổi tiếng đã làm.

Thứ ba, nhỏ-nhẹ-dễ vận chuyển. Mặt hàng thủ công mỹ nghệ khá đa dạng và hình thức, chất liệu. Tuy nhiên xu hướng người tiêu dùng trẻ ưa chuộng những sản phẩm có tính cơ động cao. Điều này cũng giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển và hỏng hóc cho bên bán.

Thứ tư, mức giá đề xuất chỉ nên từ 200-500 ngàn đồng. Đây được cho là phân khúc giá dễ tiếp cận và sẽ nâng cao được số lượng bán hàng của nhà kinh doanh trên sàn TMĐT.

1000_f_324649960_qvnwmpncmp8gbwbnhtseph2blg7z8m8o(1).jpg

Nhiều người Việt cũng mong muốn mua được những sản phẩm TCMN chất lượng

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, các mặt hàng nông sản Việt đang từng bước được đưa lên các sàn TMĐT để tiếp cận với nhiều khách hàng trong nước hơn. Như năm 2021, vải thiều Bắc Giang đã lần đầu lên các sàn TMĐT, nhận được gần 1 triệu đơn đặt hàng và tiêu thụ khoảng trên 8.000 tấn vải tươi.

Nhắc đến mặt hàng thủ công mỹ nghệ, người ta thường chỉ nghĩ đến các thị trường xuất khẩu như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu. Thế nhưng, thị trường trong nước cực kì tiềm năng vẫn đang bị bỏ ngỏ bởi thiếu những cách tiếp cận người tiêu dùng một cách hiệu quả. Điều này đòi hỏi một nỗ lực đổi mới phương thức kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa từ các làng nghề truyền thống.

“Làng nghề nước ta đã có nền tảng vững chắc. Chính sách từ trên xuống cũng đang rất hỗ trợ. Đây chính là thời điểm nên tận dụng TMĐT để cộng hưởng nhằm nâng cao hoạt động kinh doanh của thủ công mỹ nghệ Việt trên nền tảng số”, đại diện của Lazada cho biết.

Nam Trần

Cùng chuyên mục
XEM