Dại dột lớn nhất của người cả nể là luôn đặt lợi ích của người lên trên lợi ích của mình: Chỉ khi dám lên tiếng cho bản thân và đặt ra giới hạn, bạn mới là chính mình
Ở tuổi đôi mươi, tôi dám nói chuyện chính trị trong hội trường hàng ngàn người nhưng không thể từ chối lời mời rượu của một người lạ ở quán bar. Tôi có thể trình diễn nhạc cụ dù khán phòng chỉ còn một khán giả chăm chú nhưng không thể nói với bạn mình rằng tôi cảm thấy tổn thương vì lời cô ấy nói. Tôi có thể đứng ra kinh doanh, công khai ủng hộ điều luật mới được Quốc hội thông qua, chia sẻ những bài thơ ướt át trên Facebook nhưng lại chẳng thể tự bảo vệ mình mỗi khi vướng vào xung đột với ai đó.
“Đặt ra giới hạn là cách tôi quan tâm đến chính mình. Tôi không trở thành kẻ độc ác, ích kỷ, vô tâm chỉ vì tôi không làm theo ý của bạn. Tôi cũng yêu bản thân mình.” – Christine Morgan
Lúc đó, tôi chưa biết rằng việc đặt ra những giới hạn và lên tiếng vì chính mình là thử thách không chỉ mình tôi gặp phải. Tôi cũng không hiểu rằng việc mình không thể đặt ra giới hạn bắt nguồn từ những ngày thơ ấu, là kết quả của việc những nhu cầu tình cảm không được đáp ứng.
Tôi chỉ nghĩ rằng mình chưa đủ cố gắng.
Tôi chất vấn bản thân không thương tiếc vì không thể đặt ra những danh giới. Tôi dành nhiều buổi sáng để viết nguệch ngoạc trong cuốn nhật ký của mình về những sự kiện đã xảy ra vào ngày hôm trước. Có những trích đoạn chưa qua chỉnh sửa như thế này:
"Cô ấy đề nghị thay đổi lịch họp, dù tôi đã hứa với chính mình sẽ không bao giờ lên bất cứ lịch hẹn nào vào sáng sớm nhưng một lần nữa tôi không làm được - cuộc họp diễn ra vào 7:00 sáng. Sao tôi không yêu cầu cô ấy đổi giờ khác nhỉ?"
"Tôi giận anh ta kinh khủng vì cái cách anh ta đã đối xử với tôi. Nhưng hôm qua khi gặp anh ta ở quán café, tôi tỏ ra như chưa có chuyện gì xảy ra. Cái quái gì thế? Tức chết đi được! Làm thế nào để lên tiếng bảo vệ mình bây giờ?"
Bao quanh những đánh giá về chính bản thân mình là một mớ cảm xúc hỗn loạn. Tôi là kiểu người trông chờ vào các liệu trình trị liệu tâm lý, các cuốn sách phát triển bản thân và dành hàng tối để tâm sự với cô bạn thân về những rắc rối trong lòng. Tôi rất thích việc thấu hiểu được chính mình. Nhưng bạn có thể tưởng tượng ra đấy, tôi đã hoàn toàn thất vọng vì không thể hiểu, đừng nói là khắc phục thói quen thích làm hài lòng người ngoài của mình.
Phần lớn thời gian thì ý nghĩ nói không với bạn bè, người thân, người yêu và đồng nghiệp không có chỗ trong đầu óc tôi. Bất kể tôi có cảm thấy khó chịu hay bất an đến đâu, tương lai duy nhất có thể làm tôi an lòng là viễn cảnh tôi làm hài lòng ai đó và rồi nhanh chóng đắm chìm trong tâm lý nạn nhân và sự oán giận.
Đôi lúc khi tôi đủ dũng cảm để tận hưởng khoái cảm của việc từ chối, tôi thấy như có hòn đá đè nặng trên ngực và cổ họng nghẹn lại. Phải khó khăn lắm tôi mới có thể cất lời.
Những người bạn không gặp khó khăn với việc đặt ra các giới hạn tỏ ra hoang mang trước tâm sự của tôi. Với họ, đặt ra giới hạn chỉ như đánh một con muỗi. Nhưng với tôi, nó không khác gì cuộc chiến với một con hổ hung tợn.
Tôi ước ngày xưa mình cũng biết điều tôi biết bây giờ: đặt ra những giới hạn không chỉ là đánh tích vào các ô trong to-do list chăm sóc bản thân. Nó đại diện cho một ma trận phức tạp các vấn đề liên quan đến nguồn gốc gia đình của một người, giao tiếp xã hội, giới hạn niềm tin và quan trọng nhất là mối quan hệ của người đó với chính bản thân họ. Đặt ra giới hạn là bước cuối cùng trong hành trình tự vấn bản thân và là kết quả của quá trình luyện tập miệt mài. Nếu tôi biết điều này nhiều năm về trước, tôi đã có thể trấn an chính mình:
"Mày không yếu đuối".
"Mày không ngu ngốc."
"Mày đang làm hết sức có thể."
Chúng ta đặt ra các giới hạn để bảo vệ chính mình. Để bảo vệ bản thân một cách hiệu quả, chúng ta cần biết mình đang bảo vệ điều gì. Thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng và tầm nhìn của bản thân sẽ giúp chúng ta trả lời cho câu hỏi đó và không còn dao động khi cần dũng cảm để nói lên sự thật.
Khi tôi không rõ mình là ai, mình muốn gì, tôi dễ dàng để người khác định nghĩa con người mình; đợi chờ người ta lên tiếng hộ; hờn giận những người không dự đoán được những nhu cầu của tôi; đặt nhu cầu của người khác lên trước của mình; tìm kiếm giá trị bản thân từ bên ngoài khi luôn muốn biết liệu người ta có thích tôi hay thấy tôi cuốn hút hay không. Những thói quen đó kết hợp lại với nhau và gây cho tôi nhiều thất vọng. Tôi thường cảm thấy không được sống thật với chính mình.
Tôi bắt đầu lờ mờ ý thức được mình là ai sau khi trải qua cuộc chia tay đau khổ với người từng nhiều năm gắn bó. Sự lệ thuộc tình cảm của tôi là một yếu tố khiến mối quan hệ đi vào ngõ cụt và không thể hoá giải. Cuối cùng thì tôi cũng nhận ra rằng tôi không thể trông đợi người khác - người yêu, cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp - trở thành mục đích sống của chính mình.
Tôi cũng không thể cho phép những thước đo thành công như thăng tiến trong sự nghiệp, giảm cân thành công, chiến thắng một cuộc thi trở thành động cơ cho những hành xử của mình.
Đây là cách giúp tôi nhận ra điều đó.
Bước 1: Đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của bản thân
Đầu tiên tôi không biết mình nên bắt đầu từ đâu. Ý tôi là làm thế nào để định vị bản thân trên thế giới này?
Trong giai đoạn chông chênh ấy, những câu hỏi như "Bạn thấy bản thân mình ở đâu sau 5 năm?" hay "Bạn muốn phát triển sự nghiệp của mình theo hướng nào?" cũng đủ làm tôi buồn phát khóc. Tôi không biết mình muốn sự nghiệp mình đi theo hướng nào. Tôi còn không biết làm thế nào để thời gian trôi nhanh cho hết kỳ nghỉ.
Điều tôi biết là tôi muốn uống trà Kava trước khi đi ngủ, tôi không thể ngủ ngon nếu không có tinh dầu oải hương trong máy xông và đi dạo quanh công viên với cô bạn thân là cách giúp tôi nhẹ lòng.
Những nhu cầu nhỏ nhoi này là lời thì thầm thiêng liêng từ sâu thẳm tâm hồn tôi. Đạt được những nguyện vọng ấy, tôi bắt đầu tin vào chính mình.
Tháp nhu cầu của Maslow trở thành công cụ chỉ đường hiệu quả khi tôi bắt đầu quan tâm đến việc chăm sóc bản thân.
Những người luôn cố làm hài lòng người khác như tôi hiếm khi đáp ứng được nhu cầu của chính mình mà thường ưu tiên nhu cầu của người khác. Đôi khi việc này còn đi xa đến mức chúng tôi còn bỏ qua những nhu cầu căn bản nhất ở đáy của tháp nhu cầu.
Ví dụ, ngày xưa tôi thường xuyên huỷ hẹn tới nha sĩ khám răng hay đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ mặc dù tôi nhiệt liệt động viên người khác chăm sóc sức khoẻ của chính họ. Tôi ngủ không đủ giấc và cũng lười đi chợ.
Chỉ khi đáp ứng được các nhu cầu cơ bản, những nguyện vọng phức tạp hơn mới có thể nảy sinh. Việc quan tâm tới các nhu cầu cơ bản trong đời sống thường nhật sẽ tạo nền tảng vững chắc để chúng ta định vị bản thân.
Bước 2: Khám phá bản sắc cốt lõi của bạn
Qua nhiều tháng, tôi từ từ leo lên những bậc cao hơn trong tháp nhu cầu Maslow, từ sự chăm sóc bản thân cơ bản, những nhu cầu sâu xa hơn bắt đầu xuất hiện. Tôi mong muốn giao tiếp xã hội nhiều hơn, gắn kết bền chặt hơn với người nhà, đi du lịch, nhảy nhót. Sự tò mò bẩm sinh tôi lãng quên suốt nhiều năm trời đột nhiên trỗi dậy.
Kết quả là tôi nhận ra bản thân đang tìm cách tận dụng tối đa cuộc đời của chính mình – làm sao để tôi có thể tự thực hiện được những nguyện vọng và làm tốt hết mức có thể. Tôi đặt những câu hỏi sau đây trong nhật ký buổi sáng của mình:
- Tầm nhìn: Tôi muốn tương lai của mình sẽ như thế nào?
- Bản ngã: Tôi là ai và tôi có vai trò gì?
- Giá trị: Những quy tắc hay giá trị đạo đức nào chi phối tôi nhiều nhất?
- Kỹ năng: Tôi có những khả năng gì?
- Nguyện vọng: Tôi khao khát điều gì?
Khám phá bản thân trên nhiều phương diện cho tôi thấy mình có thể thử sức với nhiều lĩnh vực như thế nào.
Tôi có nhiều kỹ năng mà trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Tôi dễ thông cảm, biết lắng nghe, biết tổ chức và thiết kế chương trình khá tốt.
Tôi nhận ra mình coi trọng sự tự do cá nhân, sự thể hiện mình, trách nhiệm về mặt tài chính và sự vui vẻ.
Từng đổ vỡ trong một mối quan hệ tình cảm mà mình là người phụ thuộc, tôi bất ngờ nhận ra mình cũng là một người chị gái, một cô con gái, một huấn luyện viên, một người lãnh đạo, một người bạn… Tôi có nhiều hơn con người mình vẫn tưởng nhiều tháng trước đó.
Tôi từng mất nhiều thời gian định nghĩa giá trị của mình qua cách nhìn của người ngoài nhiều đến mức sau này, một việc đơn giản như đặt bút lên giấy, viết những điều tôi tự khám phá ra về bản thân trong 30 phút trở thành một cột mốc lịch sử: không chỉ vì những điều tôi đã khám phá ra mà vì tôi đã dành thời gian để làm việc đó.
Hãy dành thời gian để khám phá vai trò, giá trị, quan niệm đạo đức, khả năng và nguyện vọng của bạn. Sẽ dễ tạo ra những giới hạn để bảo vệ những điều quan trọng với bạn hơn vì bạn biết chắc những điều đó là gì.
Bước 3: Đưa con người thật của bạn vào các mối quan hệ
Nghĩ lại thì giai đoạn bắt đầu khám phá bản thân chính là giai đoạn đem lại bước ngoặt lớn nhất cuộc đời tôi từ trước đến nay. Lần đầu tiên tôi không nhún nhường cam chịu để ưu tiên nhu cầu của chính mình. Quan trọng nhất là những tháng ngày đó đã tạo cho tôi động lực vững chắc để đưa con người thật của mình vào các mối quan hệ.
Đặt ra những giới hạn cũng giống như việc luyện cơ bắp: rất khó và mệt mỏi lúc đầu nhưng về sau diễn ra rất tự nhiên. Với nhận thức mới tôi bắt đầu đặt ra những giới hạn lành mạnh trong các mối quan hệ của mình.
Lúc đầu, việc từ chối các lời mời thực sự khó khăn. Nhưng tôi đã làm được.
Không lâu sau tôi đặt ra chế độ giờ làm việc không thương lượng và rút khỏi một số hoạt động ngoài giờ không còn phục vụ mục đích của mình nữa. Nó khá là khó nhưng hoàn toàn hợp lý.
Khi đã có trong tay những thành công nhỏ như vậy, việc đặt ra những giới hạn lớn hơn không còn bất khả thi. Cuối cùng tôi cũng có thể nói với bạn tôi khi hành động của người ấy làm tôi buồn, chấm dứt mối quan hệ tình cảm tôi cảm thấy ngột ngạt, chia sẻ với bố mẹ về những kỷ niệm thời thơ ấu từng làm tôi tổn thương. Sẽ là nói dối nếu nói tôi đã không nhảy cẫng lên vì vui sướng – không phải một mà là hai lần – vì việc đặt ra giới hạn ngày càng trở nên dễ dàng với tôi hơn.
Sau mỗi cuộc trò chuyện phải dồn rất nhiều dũng khí mới dám mở lời, ngực tôi lại bớt đi một hòn đá nặng đè nén. Không có nó, tôi tận hưởng cuộc sống một cách thoải mái hơn. Tôi nhận ra mình cởi mở với khách hàng hơn, vui vẻ với bạn bè và là chính mình hơn khi ở bên gia đình. Những mối quan hệ từng nặng nề bởi sự hờn giận giờ dễ chịu hơn vì tôi đã có thể sống thật với chính mình.
Đây là hành trình cả đời
Đưa con người thật của mình vào các tình huống thường ngày là hành trình cả đời vì con người thật của tôi luôn luôn thay đổi. Các mối quan hệ ngày một phát triển, nhu cầu của tôi thay đổi, bản ngã – câu trả lời tôi là ai, tôi đang bảo vệ điều gì – cũng biến hình theo năm tháng.
Nhiều năm sau này, có đôi lần tôi thấy bản thân rơi vào trạng thái khó xử trước những tình huống đối đầu. Những lúc như vậy, tôi lại nhớ về tháng ngày mình đã vất vả ra sao để phát hiện và trân trọng những giới hạn tôi đặt ra để bảo vệ con người thật của mình. Khi sống thật với chính mình, tôi chẳng sợ tổn thương vì tôi dám để tổn thương của mình cho cả thế giới cùng biết.