Đại diện Samsung: Nếu cứ rập khuôn 'nguyên xi' mô hình của nước khác về, người Việt chỉ có thất bại
"Sự khác biệt về văn hoá và cơ hội khiến Việt Nam dù nỗ lực cũng không thể có được một Samsung thứ hai"
Đây là khẳng định của ông Park Sung Joo, cố vấn sáng tạo của tập đoàn Samsung. Theo vị này, sự khác biệt về văn hoá giữa các quốc gia phương Đông và phương Tây là rất dễ nhận ra, nhưng với ngay cả các nước tại châu Á, điểm chung cũng không có nhiều.
“Người Nhật đề cao tính chính xác, sự tự do và kiên nhẫn. Trung Quốc có sự đa dạng và có bản năng mạnh mẽ trong các vấn đề liên quan đến M&A. Trong khi đó, người Hàn Quốc có tính sáng tạo, nhưng thiếu kiên nhẫn và ganh đua quá lớn. Người Việt Nam thì khác… vì vậy, không thể áp dụng rập khuôn công thức của Samsung hay một công ty lớn của Hàn Quốc để xây dựng một doanh nghiệp lớn mạnh tại Việt Nam. Các bạn nên là chính mình”, ông Park chia sẻ.
Trong quá trình nghiên cứu của mình, cố vấn sáng tạo của Samsung cũng từng gặp trường hợp các công ty nước này sử dụng máy móc quy trình sản xuất của một công ty nước khác, nhưng thất bại. Đó là bài học của Huyndai khi mang quy trình chính xác tới từng chi tiết, từng giây đồng hồ của Toyota về áp dụng, cuối cùng gánh lấy thất bại. Mọi chuyện chỉ chuyển mình khi Huyndai học tập từ quy trình của Toyota và đưa cách vận hành của riêng mình.
“Sao chép không phải là điều xấu, nhưng sao chép ra sao và sáng tạo thêm như thế nào, đó mới là chìa khoá thành công. Mỹ là một quốc gia sao chép rất nhiều thứ, nhất là sao chép từ Anh. Apple, Microsoft cũng là những công ty có sao chép sáng tạo. Thế nhưng họ lại có quyền kiện một đơn vị sao chép đi sau, đó là Samsung. Điểm cốt lõi là sao chép cái gì và ra sao”, ông Park nêu vấn đề.
Nhấn mạnh điều tương tự về việc nền văn hoá sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc sáng tạo và quản trị hiệu quả một doanh nghiệp, Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam – cố vấn sáng tạo của FPT – cũng cho rằng không thể áp dụng quy trình “7 giây” của Toyota vào Việt Nam.
“Khi lập nghiệp với FPT, chúng tôi phải tìm hiểu xem lịch sử phầm mềm của Việt Nam có gì để tiếp nói được hay không? Liệu một doanh nghiệp có thể bắt đầu từ chỗ không có gì mà lớn mạnh theo cách của riêng ta hay không? Điều đáng tiếc nhất là người Việt ngày càng thiếu tự tin, mà không có tự tin, chúng ta sẽ chẳng làm được điều gì”, ông Nam chia sẻ.