Đại biểu Quốc hội lý giải vì sao các dự án BOT vắng bóng nhà đầu tư nước ngoài
Trong phiên thảo luận tổ về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 chiều hôm nay, đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc nhắc khá nhiều đến đến chính sách thu hút nhà đầu tư BOT của dự án này.
Các dự án BOT vắng bóng nhà đầu tư nước ngoài
Hai vấn đề được Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM đặt ra là BOT hiện là trọng tâm được dư luận quan tâm. Theo đó phương thức đầu tư này hiện gặp phải sự phản ứng của người dân về các phương tiện giao thông. Điều này ảnh hưởng tới việc kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào BOT khiến họ quan ngại.
Điểm thứ 2 được Đại biểu này đặt ra là BOT chưa làm tốt được phê duyệt, kiểm tra, kiểm định tổng mức đầu tư. Các dự BOT được phép đi vay rất nhiều. Hiện BOT chịu tới 3 lãi suất: Lãi suất tiền gửi của người dân vào ngân hàng, Ngân hàng phải có lời khi cho vay, Chủ đầu tư BOT đi vay đầu tư cũng phải có lời.
"Như vậy đoạn đường BOT chịu tới 3 lần lợi nhuận ròng. Trong dự án trình ra cho phép nhà đầu tư được lợi nhuận 14%", ông Phú nhấn mạnh.
Một thực tế khác là hiện các dự án này gần như các dự án BOT vắng bóng FDI. "Nhà nước ngoài đặt vấn đề nếu họ tham gia thì phải đạt lợi nhuận 18% nhưng họ minh bạch trong tổng mức đầu tư. Trong các hạng mục đầu tư rất minh bạch rõ ràng. Ở đây chúng ta có một vấn đề là kiểm tra với một dự án chưa tốt, thẩm định chưa tốt", ông Quốc lý giải.
Theo ông dù các doanh nghiệp trong nước chấp nhận mức mức lợi nhuận thấp nhưng nếu làm chưa tốt nên có thể bị đội vốn trong tổng mức đầu tư BOT. Theo đó đây là vấn đề đang cần phải tính toán. Cần phải đầu tư cho việc thẩm định rõ vốn đầu tư thực tế là bao nhiêu. Đây là vấn đề rất quan trọng trong kêu gọi đầu tư BOT.
Với lãi suất như vậy cao hơn lãi suất huy động từ trái phiếu chính phủ, lãi suất vay từ ngân hàng thương mại. Nên tính toán nếu cho phép kêu gọi BOT với lãi suất như vậy thì nên tính toán phương án huy động vốn như thế nào để cho lãi suất thấp hơn mức mà các nhà đầu tư BOT đặt ra.
Nếu tính toán không kỹ tính khả thi có thể dẫn tới thua lỗ
Một điểm khác đại biểu này khá lo lắng ví dụ quốc lộ 5 song hành cùng cao tốc Hà Nội- Hải Phòng có thể chọn bên nào hợp tiền hơn để đi. Ở đây cao tốc Bắc Nam song hành với Quốc lộ 1 và đường mòn Hồ Chí Minh, trong trường hợp BOT dựng quá nhiều trạm thu phí trên cao tốc này thì có thể các phương tiện sẽ đi theo con đường khác. Và điều đó có nghĩa là tính khả thi của dự án nếu không tính toán đủ các số liệu thì có thể dẫn tới lỗ.
"Nếu dẫn lỗ thì tất cả những việc đầu tư này để lại cho Nhà nước lúc đó sẽ phát sinh ra các vấn đề về nợ xấu và các vấn đề phát sinh", ông Quốc thận trọng.
Một điểm nữa trong tờ trình của Chính phủ là đấu thầu rộng rãi. Theo ông Quốc, đấu thầu rộng rãi là tốt nhưng cần có các chính sách để loại bỏ những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, không có năng lực tài chính. Điều này sẽ tránh hiện tượng những nhà thầu nhỏ nhưng bằng nhiều phương thức có thể lọt vào đấu thầu. Dự án cao tốc này đi qua rất nhiều vùng kinh tế, khu kinh tế như vậy sẽ có những kết nối nên cần tính toán chất lượng về mặt trọng tải, kết nối từ các khu công nghiệp với nhau. Vì vậy cần các tiêu chí chọn được nhà thầu áp dụng công nghệ rất quan trọng và để đảm bảo được chất lượng kết nối giao thương, kinh tế và giao thông.
Ngoài ra về quy hoạch, ông Quốc cho rằng nên đặt đường cao tốc này trong tổng thể quy hoạch giao thông vận tải đường bộ, có sự kết nối. Kể cả trong tổng thể quy hoạch đường sắt.