DAHAN PHƯƠNG OANH: 13,912 km Việt Nam – thành phố New York và một câu chuyện biến thế giới thành sàn runway của mình
Người mẫu Việt duy nhất chinh phục thành công 4 tuần lễ thời trang danh giá nhất thế giới
Người mẫu Dahan Phương Oanh
Dahan Phương Oanh chắc chắn không phải là một cái tên kiểu celeb – chỉ cần ló mặt ra đường, nhất cử nhất động đều được dân tình, truyền thông săn đón. Oanh là một người mẫu; sắc vóc lại phù hợp với thời trang cao cấp & haute couture kén chọn khách hàng. Các cô người mẫu thuộc phân khúc này thường có vóc dáng lênh khênh, gầy gò để mặc vừa những bộ đồ sample size bé xíu.
Chiều cao 1m78, gương mặt góc cạnh bất cần, Oanh nằm ngoài mọi định nghĩa chuẩn đẹp phổ thông của người Việt hẵng còn mê đắm các kiểu mặt hoa hậu, hot girls…Vào năm 2017, khi tham gia chương trình thực tế Vietnam's Next Top Models mùa All Stars, Oanh đã bị loại đầu tiên. Lúc đó Oanh 18 tuổi. Trước lúc ra về, Oanh nói với ban giám khảo mùa đó: "Em sẽ cho ban giám khảo thấy rằng ban giám khảo đã phạm sai lầm rất lớn khi loại em khỏi cuộc thi. Em cảm ơn". Tôi nghĩ câu nói đó rất dễ bị nhầm tưởng là sự ngạo mạn không biết trên dưới trước sau của một tân binh chân ướt chân ráo vào nghề mẫu. Nhưng hoá ra đó lại là tiền đề cho cả một cuộc hành trình trưởng thành của một chiến thần đích thực mà thời trang Việt Nam may mắn được chứng kiến.
Ở thời điểm hiện tại, Oanh của tuổi 23 có thể được coi là một người mẫu Việt Nam hoạt động chăm chỉ bậc nhất tại thị trường quốc tế. Điểm mặt sơ sơ những sàn diễn thời trang cao cấp mà Oanh từng sải chân cũng toàn tên tuổi lớn mà giới mộ điệu phổ thông khó lòng không biết: Elie Saab; Dolce & Gabbana; Helmut Lang; Marc Jacobs; Giorgio Armani; Peter Do; Stella McCartney… Mùa fashion week RTW Thu Đông 2023, Oanh lọt top các người mẫu diễn nhiều show nhất trong tuần lễ thời trang New York. Không chỉ có vậy, việc xuất hiện trong chiến dịch toàn cầu của Gucci cho dòng túi xách Diana năm 2021 cũng góp phần khiến Oanh trở thành một cái tên nổi bật của làng mẫu. Vậy là, mất 6 năm để cô gái gen Z này từ thí sinh bị loại trong một chương trình truyền hình thực tế tại Việt Nam trở thành một người mẫu quen mặt tại phòng casting của các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới.
Không lâu trước đây, tôi đã phỏng vấn Oanh. Trong khoảng thời gian chưa tới 1 năm, con người ta có thể thay đổi nhiều hoặc cũng có thể… chẳng thay đổi gì cả. Trong trí nhớ của tôi, Dahan Phương Oanh của thời điểm trước luôn tỏa ra một nguồn năng lượng tràn đầy sự tích cực nhưng cũng rất khó để thực sự kết thân. Bạn hình dung ra không? Một kiểu tính cách luôn hướng tới những điều vui vẻ, tươi sáng mà ai cũng có thể nói chuyện được. Nhưng khi muốn tìm hiểu sâu hơn, chạm tới sự riêng tư cá nhân hơn; những người như vậy lại từ chối chia sẻ, từ chối để người khác bước vào thế giới nội tâm của mình.
Tôi có thói quen hỏi về cả mặt tích cực và mặt tiêu cực của nhân vật. Nhưng khi đề cập tới những câu hỏi về sự tiêu cực, Oanh nói gọn lỏn mình chỉ buồn lúc đấy và rồi quên luôn. Điều này làm tôi nhớ tới câu nói "Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được thì phải chịu được những cảm giác không ai chịu được". Vậy để đạt đến ngưỡng đỉnh cao như ngày hôm nay trong sự nghiệp người mẫu, Dahan Phương Oanh đã phải liều lĩnh hay lì lợm thế nào, đã trải qua những cung bậc cảm xúc hỉ - nộ - ái - ố của người bình thường ra sao mà cứ thế tiến về phía trước. Tôi mang theo băn khoăn đó vào cuộc phỏng vấn lần 2.
Một ấn tượng rõ ràng nhất mà Dahan Phương Oanh để lại trong lòng mọi người đấy là … sự chiến. Từ ngoại hình cao lênh khênh, khuôn mặt góc cạnh cho tới cách nói chuyện hào sảng không dè dặt trước bất cứ ai. Mỗi lần chúng tôi muốn nhờ Oanh quay lại các hoạt động khi tham dự Fashion Week đều rất khó khăn. Chẳng phải vì cô khó tính, khó chiều gì cho cam mà là vì Oanh không hề có trợ lý. Từ lúc tham dự casting cho tới khi thực diễn giữa các show của một mùa fashion week tại các thành phố lớn, Oanh đều chỉ có một mình. Thậm chí khi được hỏi sao không có trợ lý đi cùng, cô còn trả lời rằng có trợ lý chỉ vướng víu thêm vì cô đi rất nhanh, đi phăm phăm - một nét tính cách cứ lao mình về phía trước mà Oanh nói được thừa hưởng từ mẹ. Ngay từ trong thói quen sống và làm việc hàng ngày, Oanh đã có sự độc hành cứng cỏi nhất định. Người khác có thể phải cân lên đặt xuống, vẽ ra kế hoạch chiến lược cho sự nghiệp của mình (nhất là khi được đặt trong bối cảnh phải lựa chọn tiến ra thị trường lớn hơn mà không có bất cứ sự chống lưng về các mối quan hệ hay tiềm lực tài chính), nhưng Oanh có thể quyết rất nhanh chóng.
Từ việc quyết định hoạt động tại thị trường quốc tế chỉ qua một chiếc inbox facebook với agency hiện tại, cho tới quyết định dứt áo ra đi với agency chủ quản ở Paris năm vừa qua, Oanh thích là nhích, liều ăn nhiều. Chắc hẳn với đại đa số, nếu được sống cuộc đời của Dahan Phương Oanh bây giờ sẽ tự hỏi: đang yên đang lành có agency ổn định, tại sao phải dứt áo ra đi ngay trước thềm mùa fashion week? Câu trả lời hợp lý nhất có lẽ nằm ở sự thiện chiến và cách sống rất bản năng của cô.
"Khi đi làm, Oanh luôn biết rõ bên trong mình muốn gì, mình có đang gắn kết với mọi người ở chỗ làm không. Quyết định rời đi vì vậy chỉ đơn giản là mình không thấy sự phù hợp giữa hai bên nữa. Oanh cũng nghĩ là: với những gì mình thực sự thích, thực sự có tình cảm thì mình không phải bận tâm quá nhiều. Còn nếu phải đặt câu hỏi nên đi hay nên ở thì tức là lúc đó mình nên đi rồi.
Trước khi kết thúc hợp đồng với công ty cũ, Oanh vẫn có khả năng tham gia vào mùa fashion week vừa rồi tại Paris nhưng cuối cùng lại từ chối. Với Oanh, đó là điều cần phải làm để cho người ta biết rằng mình muốn chấm dứt hợp đồng. Oanh đã nghĩ về quyết định này nhiều, có những đêm còn mất ngủ. Dù năm nay mình tự thấy mình bớt liều hơn những năm trước rồi nhưng vẫn có sự mạo hiểm trong các quyết định của bản thân".
Tôi vẫn hay nghĩ về ước mơ như một thứ đơn vị đo lường kì lạ cho chất lượng cuộc sống, tính cách và hoài bão của một con người. Có những người không có ước mơ hoặc chỉ dám vẻn vẹn mơ tới vài điều nhỏ nhặt; có người lại mơ tới những điều không tưởng, nghe qua còn thấy hoang đường. Tôi thường muốn có cơ hội trò chuyện với những người ở vế sau bởi nếu họ dám mơ thì đa phần họ cũng là người dám dấn thân, liều lĩnh. Dahan Phương Oanh (may thay) chính là một trong số những người như vậy.
"Mình thực sự nghĩ mình là một người có thể truyền được cảm hứng cho người khác, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở đây (thị trường quốc tế). Đây là điều luôn xuất hiện trong đầu Oanh: Mình sẽ trở thành một người có tầm ảnh hưởng không chỉ đối với Việt Nam mà còn là toàn thế giới".
Oanh hiểu bản thân và tin tưởng vào bản thân đủ nhiều để biết rằng mình xứng đáng có những cơ hội lớn hơn thay vì cứ ở mãi thị trường trong nước chật hẹp. Lựa chọn đối mặt với chính bản thân mình để đưa ra những quyết định quan trọng trong đời là một lựa chọn (tôi cho là) dũng cảm. Đó là những lựa chọn khiến chúng ta phải tự chịu trách nhiệm cho bất cứ kết quả (hay hệ quả) nào có thể xảy ra; khiến chúng ta phải chấp nhận mọi cung bậc cảm xúc của mình bất kể đó là tích cực hay tiêu cực. Nếu chỉ mơ thôi là đủ thì tôi nghĩ 100 triệu dân Việt Nam hay 8 tỷ người trên quả đất này ai cũng mơ được. Nhưng từ giấc mơ cho đến sự thật là một khoảng cách xa vời – một phép cộng dồn của nhiều yếu tố: thời gian - khoảng cách địa lý - những lần bị từ chối - những lần thất bại - những nỗ lực để tiếp tục với giấc mơ của mình…
Đó cũng là lúc đòi hỏi ở mỗi người sự dũng cảm gan lì để có thể biến giấc mơ thành sự thật. Quay trở lại với Oanh, tôi nghĩ: giấc mơ của Oanh buộc Oanh phải đối mặt với nhiều điều không hề nằm trong vùng an toàn của cô. Một người tràn đầy sự tích cực và niềm vui nhưng bị đặt vào tình thế phải đối mặt với những tiêu cực, stress, thì hoá ra, Oanh cũng cần thời gian mới có thể chấp nhận được:
"Trước đây, mình phủ nhận chuyện mình bị stress. Kể cả tóc rụng, da khô… mình không ý thức điều mình đang gặp phải là stress. Cho đến một thời điểm bản thân không thở được vì mũi lúc nào cũng rỉ máu thì mình mới thừa nhận mình đang stress. Mình có đi gặp bác sĩ chỉ để hỏi xem tại sao tóc em rụng nhiều quá, mũi hay bị chảy máu cam… Bác sĩ hỏi em có bị stress không thì mình chối ngay. Sau đó, bác sĩ đưa ra các dấu hiệu của stress, những kiểu tồn tại của stress rồi hỏi mình trong thời gian qua đã cảm thấy thế nào. Mình chỉ uống một nửa số thuốc bác sĩ kê cho. Khi ấy tóc cũng bớt rụng rồi, mình lại nghĩ chắc do chế độ dinh dưỡng nên tóc mới rụng chứ không phải do stress đâu. Phải đến khi ngừng thuốc lâu, tóc lại rụng tiếp, mình mới thừa nhận mình đang có vấn đề. Đấy là lần đầu tiên Oanh thừa nhận mình bị stress.
Bây giờ thì tóc mình vẫn rụng thôi nhưng mình kệ. Mình sẽ nghĩ sang một hướng khác để kéo bản thân ra khỏi vũng lầy đó, bắt đầu viết và sắp xếp cảm xúc một cách ngăn nắp hơn, để hiểu bản thân hơn và biết mình nên làm gì tiếp theo".
13,912km là khoảng cách Việt Nam - New York khi bạn tra google (thực ra tôi định tra khoảng cách Điện Biên - New York nhưng google không ra kết quả). Tôi nghĩ đây là một khoảng cách vật lý đủ lớn để trả lời cho câu hỏi: Bạn vì giấc mơ của mình mà có thể đi được bao xa. Thế giới này có cách vận hành riêng. Khi bạn đủ sự dũng cảm và liều lĩnh để đuổi theo giấc mơ, giấc mơ sẽ dẫn lối bạn tới những nơi rực rỡ mà bạn chẳng ngờ tới. Vì giấc mơ của mình, Oanh đã vượt 13,912km để đến sống, làm việc, hít thở bầu không khí New York. Giấc mơ cũng vì thế đưa Oanh đến khắp mọi nơi trên thế giới; đặt Oanh vào những thời khắc mang tính biểu tượng quan trọng của ngành công nghiệp thời trang.
Năm 2023, trong show diễn mở màn cho triều đại sáng tạo của mình tại Helmut Lang, NTK gốc Việt Peter Do đã lựa chọn Dahan Phương Oanh là người diện thiết kế "highlight" trong BST của mình. Đó là một thiết kế có dòng chữ của tác giả gốc Việt Ocean Vương: "Con nhớ mẹ nhiều lắm. Con xin lỗi con làm mẹ buồn". Peter Do đã thiết kế set đồ này chỉ dành riêng cho Dahan mà không cần phải casting tuyển chọn gì cả. Vào giây phút Dahan Phương Oanh bước xuống sàn diễn, tôi tin rằng một khoảnh khắc iconic mang tính biểu tượng của thời trang thế giới vừa diễn ra. Đó không chỉ là khoảnh khắc thời trang đón nhận sự hồi sinh của một thương hiệu huyền thoại (Helmut Lang), đó còn là lúc niềm tự hào của người Việt trên thị trường thời trang quốc tế được tỏa sáng rực rỡ bởi bộ ba tài năng Peter Do - Ocean Vuong - Dahan Phương Oanh.
"Ngày trước Oanh rất hay có suy nghĩ: Sao mình không sang đây sớm hơn, sao mình không biết đường để bắt đầu mọi thứ sớm hơn… Biết đâu nếu dấn thân sớm hơn mình sẽ được gặp gỡ và làm việc với những nhà thiết kế huyền thoại. Xong rồi đến một lúc nào đấy, Oanh lại suy nghĩ là: Ừ thì bây giờ mình sẽ tạo ra một lịch sử khác cho những người trẻ tới sau, cho thế hệ sau. Thế hệ trước đã qua rồi thì thôi, việc của mình là tập trung vào những điều đang tới. Cũng phải đến năm nay Oanh mới có thể nghĩ được ra như vậy, còn trước kia mình cứ chạy theo những cái đã có mà không nghĩ được rằng chính mình cũng có thể tạo ra một điều gì đó, một di sản gì đó cho những người đến sau".
Oanh không kịp ở lại tới phút cuối cùng để chia vui với Peter Do. Cô phải chạy ngay sang show tiếp theo để diễn cho kịp giờ. Trong lời kể của Oanh, đó là một ngày New York mưa tầm tã, giao thông kẹt cứng. Nhưng bản thân Oanh của ngày hôm đó, khoảnh khắc đó tràn ngập niềm hạnh phúc và tự hào: Đó có thể là niềm hạnh phúc vì một show diễn thành công; đó cũng có thể là niềm tự hào thân thương khi mặc một thiết kế có ngôn ngữ tiếng Việt trên đó; đó cũng có thể là những phút mủi lòng nhớ về mẹ ở Điện Biên hoặc đó cũng có thể là một ngày rất trọn vẹn sau nhiều năm cắm cúi tiến về phía trước, Oanh nhìn lại và thấy bản thân đã làm được nhiều điều kì diệu trong cuộc đời.
"Hôm đó mình thực sự thả lỏng, đắm chìm trong âm nhạc chứ không còn người một nơi hồn một nẻo như các show diễn khác nữa".