‘Đặc sản sứa nilon’ Hạ Long trên Trip Advisor và chuyện Quảng Ninh vay vốn ODA 125 triệu USD chỉ để xử lý nước thải
"Mẹ ơi, nhìn con sứa khổng lồ kìa!" "Không phải đâu con, đó chỉ là túi nilon thôi". Đây là tiêu đề đánh giá Vịnh Hạ Long của khách du lịch nickname Fezaroo trên Trip Advisor. Hiện tượng ô nhiễm và quá tải là mối quan ngại của nhiều du khách.
Fezaroo đã du lịch khắp 26 thành phố, ghi lại 37 đánh giá, 2/3 trong số đó đánh giá điểm đến là Good (Tốt) và Excellent (Xuất sắc) trên Trip Advisor. Vịnh Hạ Long không nằm trong số này.
"Mẹ ơi, nhìn con sứa khổng lồ kìa!" "Không phải đâu con, đó chỉ là túi nilon thôi" – Đây là mở đầu bài đánh giá của vị khách này khi viết về Hạ Long.
Fezaroo chỉ vote Vịnh Hạ Long 3/5 sao. Dù đánh giá việc thăm làng chài và hang động khá thú vị, du khách này phàn nàn về hiện tượng quá tải và xả rác bừa bãi khiến biển như "một bát súp đậu lõng bõng rác".
Hoạt động trên Vịnh Hạ Long từ năm 1987 khi còn là một sỹ quan hải quân, ông Nguyễn Duy Phú – nay là Chủ tịch HĐQT CTCP du thuyền Pelican bày tỏ băn khoăn về tình trạng hiện nay, khi ngày ngày du khách vẫn phàn nàn chuyện Vịnh Hạ Long nhiều rác.
Rác của nông dân ven bờ. Rác của ngư dân dưới vịnh. Rác thải sau mưa bão từ trên đồi trôi xuống. Rác từ vùng lân cận trôi về. Rác của khách du lịch ý thức chưa đủ… Tất cả khiến Vịnh Hạ Long dù có dọn sạch rác, thì ít tháng sau rác lại ùa về.
Trong năm 2017, công tác thực hiện thu gom rác thải tại các điểm tham quan và rác thải trôi nổi trên và ven bờ Vịnh đã gom được 2.102 tấn rác.
10 triệu khách, 18.000 tỷ đồng doanh thu du lịch và khoản vay ODA 125 triệu USD để xử lý nước thải
"Môi trường nước Vịnh Hạ Long đang chịu nhiều sức ép bởi nhiều tác nhân do tự nhiên cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội của con người", ông Phạm Đình Huỳnh - Phó trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thừa nhận.
Cùng với tăng trưởng du lịch của cả nước, ngành du lịch Quảng Ninh 2017 cũng có mức tăng trưởng ấn tượng 2 con số. Năm 2017, Quảng Ninh đón gần 10 triệu lượt khách du lịch, tăng 18% so với cùng kỳ, trong đó có 4,28 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 23%.
Tổng doanh thu từ du lịch của tỉnh ước đạt gần 18.000 tỷ đồng, tăng 30% so với năm ngoái.
"Một khách du lịch thải ra 200 lít nước/ngày", PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch chia sẻ.
"Du lịch sức tải có hạn của môi trường, không cẩn thận sẽ vượt giới hạn cho phép. Cần tính toán định lượng là nước thải của số khách du lịch bao nhiêu người/ngày, so với lượng người sống trên Hòn Gai, Bãi Cháy là bao nhiêu, lượng thải ra bao nhiêu để xử lý".
"Nhìn chung về môi trường, Vịnh Hạ Long ở ngưỡng mấp mé phú dưỡng", ông Lương cho biết.
Quảng Ninh đặt mục tiêu sẽ đón 23 triệu du khách, doanh thu du lịch đạt tới 130.000 tỷ đồng trong 2030
Phú dưỡng là một phản ứng của hệ sinh thái khi quá nhiều chất dinh dưỡng như nitrat và phốt phát từ các loại phân bón hoặc nước cống rãnh bị thải vào môi trường nước. Hiện tượng này làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường như thiếu dưỡng khí, làm cạn kiệt ôxy hòa tan trong nước, làm giảm số lượng các thể cá và các quần thể động vật khác.
Đại diện Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, tỉnh này đặt mục tiêu sẽ đón 10,5 triệu du khách trong 2020 và 23 triệu du khách trong 2030, doanh thu du lịch đặt mục tiêu đạt tới 130.000 tỷ đồng.
"Đối với một khu vực di sản, đó là điều kiện để phát triển kinh tế xã hội, nhưng cũng tạo ra sức ép như sức ép về môi trường, sức ép về phát triển kinh tế xã hội, hay sức ép phát triển du lịch" – Phó Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long bày tỏ. Theo tiết lộ của ông Huỳnh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt dự án xử lý nước thải Vịnh Hạ Long với tổng mức đầu tư 154 triệu USD, trong đó vốn đối ứng của tỉnh là 29,4 triệu USD, còn lại gần 125 triệu USD là vay vốn ODA.
"Các bạn đừng lập khu vực "Không thuốc lá" để thu hút mọi người đến, nhưng sau đó lại tổ chức mọi người đến đây hút thuốc"
Mới đây, Vịnh Hạ Long cùng với Cát Bà đã đệ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới lần 3. Năm 1991, Vịnh Hạ Long đã đệ trình lần 1 với giá trị thẩm mỹ. Lần đệ trình 2 vào năm 1988 với giá trị địa chất địa mạo. Lần đệ trình thứ 3 này là cùng với quần đảo Cát Bà, đệ trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị khảo cổ học và đa dạng sinh học.
Bình luận tại cuộc họp cấp lãnh đạo Liên minh Vịnh Hạ Long – Cát Bà, đại diện UNESCO đề nghị Việt Nam nên xác định đâu là mục tiêu cốt lõi của việc đề cử hay công nhận di sản thiên nhiên thế giới.
Chúng ta đề cử nhằm bảo vệ di sản ấy cho thế hệ tiếp theo, để 50 năm hay 100 năm nữa, di sản ấy vẫn còn? Hay chúng ta đơn thuần chỉ đặt mục tiêu được công nhận như một biện pháp hay công cụ để thúc đẩy phát triển kinh tế?
Vị đại diện này cũng lấy ví dụ về khu di sản Tràng An, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2015 thì mới đây, vùng lõi của di sản đã bị xâm phạm với công trình xây dựng cầu lên đỉnh Huyền Vũ gồm 2.000 bậc thang.
"Việc này giống như chúng ta thiết lập một khu vực "Không thuốc lá" trong môi trường đầy rẫy khói thuốc để thu hút mọi người đến, nhưng mọi người đến rồi chúng ta lại tổ chức mọi người hút thuốc", đại diện UNESCO so sánh.
Quay trở lại câu chuyện du khách chê Vịnh Hạ Long bẩn, Phó Trưởng ban Quản lý Vịnh than thở: "Đấy là câu chuyện chúng tôi vẫn phải tiếp tục. Chúng ta cũng phải xác định đây không chỉ là vấn đề đối với chúng ta mà ngay cả với các nước phát triển, vấn đề môi trường vẫn là vấn đề toàn cầu".
Vịnh Hạ Long có diện tích 1.553km2, nhưng riêng vùng lõi đã là 434 km2 với 775 hòn đảo. Khu vực quá rộng, nhiều đảo đá đan xen, lại thêm dòng chảy khiến ban quản lý rất khó khăn trong việc xử lý rác thải, ông Huỳnh bộc bạch.