Đi tìm lời giải cho bài toán du lịch văn hóa, lịch sử tại Hội An

18/03/2018 15:27 PM | Kinh doanh

Trong một bài viết mang tựa đề “Top 10 things to do in Hội An, Việt Nam” (10 điều nên làm tại Hội An, Việt Nam) trên trang The Guardian vào năm 2017, những trải nghiệm được liệt kê gồm: lớp học nấu ăn, tour đạp xe đạp, tắm biển, làm rau ở làng rau Trà Quế, ăn cao lầu… Trong đó, không có hoạt động nào mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa.

Theo bảng xếp hạng trên TripAdvisor - một website về du lịch nổi tiếng khác là, những trải nghiệm văn hóa nổi bật tại Hội An cũng chỉ dừng lại ở việc tham quan phố cổ và các di tích.

Hội An và bài toán du lịch văn hóa

Hội An được xem là một "bảo tàng sống" về kiến trúc và lối sống đô thị. Vào thế kỷ 16 - 17, thành phố là thương cảng mậu dịch quốc tế ở Đàng Trong và cả khu vực, rất sầm uất và phồn thịnh. Đây là nơi lưu tới của nhiều thương nhân quốc tế, nơi giao thoa văn hóa, điểm nối Việt Nam với con đường tơ lụa trên biển. Chính vì thế, Hội An mang những giá trị lịch sử, văn hóa rất quý giá.

Tuy nhiên, có một thực tế là khi nhắc đến Hội An, du khách từ quốc tế đến nội địa đều chỉ nghĩ về một phố cổ trầm mặc với những ngôi nhà cổ, món cao lầu và những chiếc đèn lồng. Họ thích và yêu Hội An bởi vẻ đẹp cổ kính, bình yên, nhẹ nhàng, và phần đông chưa cảm nhận được những nét đặc sắc quá khứ của thành phố.

Trong khi đó, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam vào năm 3/2017, du lịch Hội An đang có dấu hiệu chững lại, một phần là do sản phẩm du lịch Hội An đã quá quen thuộc. Dù lượng khách vẫn tăng nhưng thời gian trải nghiệm và chi tiêu của du khách vẫn chưa được như mong đợi.

Thiếu các sản phẩm du lịch về trải nghiệm văn hóa là bài toán của du lịch Hội An, và có lẽ cũng là của du lịch cả nước.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, người từng có thời gian khảo sát về du lịch tại Hội An cho biết: "Có một đòi hỏi bức thiết trong đời sống văn hóa du lịch của Việt Nam, là chúng ta thiếu rất nhiều những sản phẩm du lịch. Chúng ta có thiên nhiên phong phú, chúng ta có khát vọng rất lớn nhưng những sản phẩm du lịch hiện nay vẫn rất nghèo nàn so với cái tiềm năng ấy."

Đi tìm lời giải

Trong thời gian qua, Hội An đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, như Ngày văn hóa các dân tốc thiểu số, múa rối nước, các lễ hội… nhưng vẫn chưa thật sự gây điểm nhấn, chưa đủ để các giá trị văn hóa của thành phố này trở thành một ấn tượng trong lòng du khách.

Đi tìm lời giải cho bài toán du lịch văn hóa, lịch sử tại Hội An - Ảnh 1.

Đêm diễn bài chòi cổ, một sản phẩm du lịch văn hóa tại Hội An

Câu hỏi là, có phải đã đến lúc cần các sản phẩm du lịch văn hóa cần đột phá hơn, vượt ra ngoài các hình thức du lịch văn hóa quen thuộc như du lịch di sản, du lịch lễ hội, văn hóa ẩm thực, bảo tàng?

Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu: "Từ những vật dụng nhỏ cho đến những cái lớn như ý tưởng sáng tạo, rõ ràng chúng ta cần phải thay đổi, hội nhập với thế giới, cũng có nghĩa là chúng ta phải tìm ra những công cụ, phương tiện để đưa, quảng bá hình ảnh Việt Nam, tiềm năng văn hóa của Việt Nam, sắc thái Việt Nam cho bạn bè quốc tế." Như vậy, tính sáng tạo, chiến lược là yếu tố quan trọng trong phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, nhằm thực sự tăng sức cạnh tranh cho du lịch.

Nhìn ra thế giới, du lịch các nước khác đã có những sự sáng tạo, đặc biệt là mô hình chương trình biểu diễn, kết hợp giữa yếu tố giải trí và văn hóa, lịch sử. Thái Lan có show diễn hàng đêm Siam Niramit tại nhà hát Ratchada (Bangkok) với sức chứa 2000 người, chương trình "Ấn tượng chị Ba Lưu" của Trung Quốc đã diễn ra liên tục trong suốt 14 năm, còn Hàn Quốc thì nổi tiếng với việc hội tụ tất cả những tinh túy trong văn hóa xứ Hàn vào một vở nhạc kịch tên là Miso show.

Công viên văn hóa và chương trình nghệ thuật biểu diễn thực cảnh, lực đẩy mới cho du lịch văn hóa Hội An?

Một tín hiệu vui của du lịch Hội An trong năm 2018 này là sự xuất hiện của một không gian văn hóa: Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An, với hạt nhân là chương trình biểu diễn thực cảnh Ký ức Hội An được tổ chức hàng đêm với nỗ lực kỳ công, dài hơi của chủ đầu tư.

Đi tìm lời giải cho bài toán du lịch văn hóa, lịch sử tại Hội An - Ảnh 2.

Thương cảng Hội An được tái hiện trong chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh

Cụ thể, không gian công viên văn hóa (dự kiến ra mắt vào tháng 4) sẽ là nơi tái tạo lại hình ảnh văn hóa, kiến trúc, con người Hội An qua các thời kỳ lịch sử. Hạt nhân của Công viên văn hóa – Chương trình biểu diễn thực cảnh ngoài trời "Ký ức Hội An" – sẽ được tổ chức mỗi đêm. Hình ảnh thương cảng Hội An của 400 năm trước sẽ được tái hiện lại, với sự kết hợp của chất liệu nghệ thuật Việt Nam (âm nhạc, câu chuyện lịch sử, múa, tạo hình…) với công nghệ tân tiến quốc tế nhằm tăng hiệu ứng thẩm mỹ, cảm xúc cho người xem. Đây là chương trình biểu diễn hoành tráng chưa từng thấy ở Việt Nam với hơn 500 diễn viên, sân khấu ngoài trời có diện tích lên tới 25.000 mét vuông, với sự tham gia của các cố vấn kỳ cực về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.

Theo đại diện từ phía chủ đầu tư, đây sẽ là "không gian cho du khách tương tác với văn hóa truyền thống địa phương," một "đặc sản du lịch" chắc chắn không du khách muốn bỏ qua khi tới Hội An. Đây được xem là một bước đột phá trong quá trình phát triển của du lịch Hội An.

Năm 2017 Hội An đón lượng khách du lịch vượt ngưỡng: 3,22 triệu lượt khách, tăng 21,66% so với cùng kỳ năm 2016. Dù chỉ hiếm 0,3% lãnh thổ, hằng năm Hội An đón 25% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo tờ Huffington Post, Hội An nằm trong danh sách top 50 thành phố du khách nên đến thử một lần trong đời.

Thảo Thảo

Cùng chuyên mục
XEM