Đã đến lúc "bắt chước" Xiaomi nếu muốn thành công?

26/04/2016 08:16 AM | Công nghệ

Xiaomi luôn bị xem là kẻ sao chép Apple, tuy nhiên với những bước đi thần tốc trong vài năm qua, đã đến lúc chúng ta nhìn lại và "bắt chước" hãng công nghệ Trung Quốc.

Xiaomi và triết lý “tre già măng mọc”

Lei Jun muốn phá bỏ định kiến rằng các hãng Trung Quốc chỉ biết sao chép nước ngoài; “Có nhiều sáng tạo của Trung Quốc mà tôi nghĩ ngay cả phương Tây cũng không bắt kịp được. Hãy nhìn vào WeChat: mọi người nghĩ đó là một ứng dụng nhắn tin song nó đã phát triển thành nền tảng tích hợp cả game, thanh toán, Internet. Xiaomi là công ty điện thoại nhưng cũng là công ty TMĐT - Mi.com là sàn TMĐT lớn thứ 3 Trung Quốc – và một công ty dịch vụ Internet, còn phát hành cả game. Chúng tôi cũng đầu tư vào các startup và giúp họ sản xuất sản phẩm rồi bán trên Mi.com”.

“Phương châm của chúng tôi là: ít hơn thì nhiều hơn. Thông qua tập trung vào sản xuất một số lượng sản phẩm nhỏ, chúng tôi có thể làm tốt nhất có thể. Nhưng khi theo phương châm này, bạn cần tới công ty khác để làm được nhiều hơn. Do đó, chúng tôi đầu tư vào các công ty khác và hình thành hệ sinh thái để phát triển nhiều sản phẩm hơn”.

“10 năm trước, tôi từng kết luận mobile Internet là tương lai. Tôi điên cuồng vì smartphone. Khi mẫu iPhone và Android đầu tiên được tung ra, tôi quyết định phải làm một smartphone Android”. Hệ điều hành của ông, MIUI, đi theo hướng khác biệt: người dùng gợi ý các nâng cấp để được tích hợp trong các bản cập nhật hàng tuần. Như ông đã nói trong sinh nhật 5 tuổi của Xiaomi, “chúng tôi đối xử với khách hàng như những người bạn và cân nhắc tất cả phản hồi của họ… Chúng tôi tin tưởng người dùng, chúng tôi lắng nghe và làm bạn với họ”.

Lei, 46 tuổi, sinh tại Xiantao, Hubei (Trung Quốc) và học khoa học máy tính tại Đại học Vũ Hán. Khi là sinh viên, ông đọc Fire in the Valley, cuốn sách về sự khai sinh của ngành công nghiệp máy tính và bị Steve Jobs tạo cảm hứng đến nỗi quyết định thành lập một công ty. Năm 1992, một năm sau khi tốt nghiệp, ông gia nhập hãng phần mềm Kingsoft rồi từng bước thăng tiến lên Chủ tịch, CEO.

Ông ở lại cho đến khi công ty lên sàn chứng khoán Hong Kong năm 2007; đồng thời giới thiệu cửa hàng sách trực tuyến joyo.com và được Amazon mua lại năm 2004 với giá 75 triệu USD. Rời Kingsoft, Lei trở thành nhà đầu tư thiên thần của Trung Quốc. Tháng 4/2010, ông sáng lập Xiaomi trước khi tuyển thêm 7 đồng sáng lập nữa.

Liu De, Giám đốc hệ sinh thái sản phẩm, hồi tưởng: “Trước khi gặp Lei Jun, tôi chưa từng nghe về ông ấy. Những đồng sáng lập đều là người lạ, đến từ nhiều nơi như Google, Motorola, Kingsoft. Khi Lei Jun lần đầu gặp tôi, ông ấy nói về tiềm năng của smartphone và hỏi tôi có muốn gia nhập không. Tôi từ chối. Sau đó, tôi dành 1 tháng để nghĩ về cơ hội lớn”.

Ông Liu, 42 tuổi, trong trang phục đen, ngồi trong văn phòng lắp máy lọc không khí Mi, màn hình Mi TV 60 inch, đèn thông minh Yeelight. Bộ phận 70 người của ông chịu trách nhiệm cho các phụ kiện bán trên Mi.com và các trung tâm Mi Home: camera Yi, vòng thông minh Mi Band, Mi Power Bank, TV 60 inch, Mi Bunny.

Xiaomi chỉ sản xuất smartphone, tablet, tivi, set-top box, router; những thứ khác do các hãng mà Xiaomi đầu tư chế tạo, từ máy đo nhịp tim cho đến máy lọc nước. “Chúng tôi bán khoảng 600 món hàng. Nếu chỉ tự làm, chúng tôi cần tới 20.000 người trong công ty nhưng chỉ có 8.000. Chúng tôi đánh giá 600 startup trong 2 năm qua và đầu tư vào 54. Chúng tôi giúp họ xác lập sản phẩm và sử dụng kênh bán hàng, cung ứng, thương hiệu, tài chính. Họ là quân đội đặc biệt, còn chúng tôi là chỉ huy”.

Chỉ có 20 kỹ sư chứ không phải người làm trong lĩnh vực tài chính đưa ra quyết định đầu tư. Thông thường, chỉ cần một buổi họp để có kết luận cuối cùng. Xiaomi phản hồi nhanh hơn nhiều so với các nhà đầu tư truyền thống. Trả lời cho câu hỏi vì sao không thâu tóm nhân tài để tự phát triển sản phẩm, ông Liu giải thích các công ty nhỏ có tốc độ nhanh hơn, khác hoàn toàn với các công ty có nhiều phòng ban khác nhau. “Chẳng hạn, AT&T dẫn đầu 70 năm nhưng rồi bị IBM soán ngôi; 20 năm sau, IBM lại bị Microsoft thế chỗ. 10 năm sau, Google qua mặt Microsoft; và trong 4 năm, Facebook đã vươn lên”.

Các công ty truyền thống như một cái cây, cần thời gian để lớn lên, nhưng một khi bị chết, chúng sẽ chết nhanh chóng. Cách tiếp cận của Xiaomi giống như một rừng tre: bạn có bao giờ thấy tre chết đi? Không, tre già măng mọc. Bằng cách đầu tư vào những công ty nhỏ, Xiaomi tạo ra “rừng măng” riêng. Họ tạo một hệ sinh thái như một rừng tre.

Xiaomi không quan tâm đến giá trị của một công ty mà chỉ chú ý đến sản phẩm và con người. Họ cũng tôn trọng các nhà sáng lập và giấc mơ của họ. Theo ông Liu, Internet of Things sẽ còn quan trọng hơn cả smartphone và mobile Internet. “Thiết bị đeo, đồng hồ, đồ gia dụng đều được kết nối Internet, còn smartphone trở thành cầu nối. Chúng tôi phải nắm bắt cơ hội này. Hệ sinh thái là ván bài cho tương lai của chúng tôi. Trong 10 năm tới, mọi người sẽ thấy rằng Xiaomi đã thay đổi thị trường Trung Quốc”.

Người dùng trung thành chính là sức mạnh


Người hâm mộ Xiaomi tham gia một bữa tiệc công ty tổ chức tại Trung Quốc

Người hâm mộ Xiaomi tham gia một bữa tiệc công ty tổ chức tại Trung Quốc

Theo ông Hugo Barra, giá trị thực sự của kinh doanh Internet tại Trung Quốc nằm ở “một tấn người dùng”, kể cả khi họ không mang lại doanh thu đáng kể ban đầu. Đây là cách tiếp cận một số công ty phương Tây có thể áp dụng: trong khi eBay thu phí người bán, Alibaba lại giúp giao dịch diễn ra miễn phí nhằm tạo doanh số khổng lồ rồi sau đó dùng chính quy mô để phát triển các sản phẩm lợi nhuận cao như Alipay.

“Điều chúng tôi quan tâm duy nhất trên mọi sản phẩm bán ra hôm nay là nền tảng mobile Internet. Điện thoại là chiếc xe phân phối nền tảng, chúng tôi không quan tâm đến bán điện thoại mà là thu về nhiều người dùng nhất có thể. Sau đó, chúng tôi kinh doanh game, kinh doanh nội dung phim, ảnh, tin tức, nhà mạng ảo. Chúng tôi có thể phát triển dịch vụ tài chính – Mi Finance – cho phép bạn vay và đầu tư. Người dùng chính là những người đã mua sản phẩm của chúng tôi. Mọi người nghĩ chúng tôi là công ty smartphone trong khi thực tế là một công ty Internet”.

Đó là lý do vì sao hệ sinh thái của Liu De lại quan trọng như vậy. “Từ góc nhìn Internet, chỉ có smartphone tốt hơn smartphone khác là không đủ. Chúng tôi cần bán các sản phẩm thú vị hơn và luôn có nhiều sản phẩm mới mọi lúc, vì vậy mọi người liên tục quay lại website, cửa hàng. Hệ sinh thái thiết bị thông minh này là yếu tố quan trọng trong chiến lược thu hút người dùng. Nó là một vòng xoay ảo: một khi bạn mua thiết bị thông minh, bạn sẽ muốn cái kế tiếp”.

“Và nếu bạn là một doanh nhân trong một công ty đối tác, và cuộc đời bạn phụ thuộc vào sản phẩm đang phát triển, bạn sẽ làm việc say mê hơn nhiều. Nếu là đối tác của công ty lớn, sản phẩm có tốt hay không cũng không thành vấn đề, bạn vẫn có cổ phần trong đó. Nếu là doanh nhân và sản phẩm thất bại, bạn đã xong đời. Vì vậy, bạn phải tạo ra sản phẩm thực sự đáng kinh ngạc.

Lấy ví dụ ZMI: họ sản xuất và bán 2 triệu pin dự phòng mỗi tháng. Pin dự phòng phổ biến thứ hai là nhái Xiaomi. Mọi người bắt đầu bắt chước thiết kế của chúng tôi. Công ty thiết bị đeo Huami cũng bán được 1,5 triệu vòng mỗi tháng. Tất cả đều đúng với cách suy nghĩ về Internet của chúng tôi: thu hút người dùng bằng sản phẩm tuyệt vời, giữ lòng trung thành, tăng sự gắn kết và kiếm tiền từ họ”.

Một số các công ty nước ngoài cũng có quan điểm này (Uber, Android) nhưng có thứ vô cùng độc đáo tại Trung Quốc. “Những người như Jack Ma, Pony Ma, Lei Jun có suy nghĩ vô biên, không thể tin nổi cách họ nắm bắt một ý tưởng, phân tích nó rồi biến nó trở thành vĩ đại trong vài tuần. Với năng lực sản xuất sẵn có, Trung Quốc sẽ trở thành người dẫn đầu trên thị trường thiết bị điện tử, không chỉ về gia công mà còn về sáng tạo. Chỉ cần cho hệ sinh thái ấy vài năm”.

Theo ông Barra, có hai thứ cơ bản nếu muốn áp dụng lối suy nghĩ Internet vào sản phẩm tiêu dùng: đó là sự tập trung và quy mô. Tại Xiaomi, công ty chỉ sản xuất một model trên bất kỳ sản phẩm nào nên dù chi phí R&D có cao thế nào, chi phí đơn vị vẫn nhỏ hơn các công ty khác.

Và vì quy mô lớn, chi phí trên mỗi đơn vị sản xuất cũng giảm theo thời gian. Ngoài ra, họ còn hiểu rõ người dùng. Cộng đồng Mi đặc biệt quan trọng và không thể tách rời. Họ đầu tư phần lớn thời gian một cách tự nguyên và tạo ra các nội dung tốt. Bạn không thể thay thế cộng đồng bằng bất kỳ chiến dịch tiếp thị nào khác.

Hiện tại, diễn đàn của Xiaomi đã có tới 58 triệu thành viên và khoảng 1 triệu người hoạt động mỗi ngày. Li Ming, nhân viên số 9 của Xiaomi, đứng đầu nhóm 20 người làm quản trị diễn đàn, tổ chức buổi gặp mặt người hâm mộ và thu thập phản hồi. Xiaomi mời fan tới các buổi tiệc để hàng trăm người được cùng nhau nhảy múa trên sân khấu với Hugo Barra hay dùng trước sản phẩm. “Họ không phải người dùng, không phải khách hàng mà là bạn, từ đáy lòng chúng tôi”.

Khi Xiaomi tổ chức sinh nhật lần thứ 5 bằng lễ hội Mi Fan tháng 4/2015, nó đã trở thành kỷ lục thế giới khi bán được 2.112.010 điện thoại trực tuyến trong 24 giờ. Xiaomi khiến họ có cảm giác như đó là nơi họ thuộc về, kết quả là sự kết dính. “Các công ty truyền thống muốn bán sản phẩm; chúng tôi muốn tương tác và thu hoạch phản hồi. Khi bạn có một cộng đồng, bạn dễ dàng truyền miệng cho nhau”. Các phản hồi cũng nói lên nhu cầu của thị trường: “Chúng tôi phát hành Mi 4i tại Ấn Độ nhưng sau khi nhiều người dùng Trung Quốc nói họ muốn có nó, chúng tôi đã ra mắt Mi 4c cho Trung Quốc. Chúng tôi xem xét phản hồi thận trọng”.

Huawei có thể đã thách thức vị trí số 1 của Xiaomi tại Trung Quốc năm ngoái, nhưng Xiaomi không đứng yên. Từ khi gia nhập thị trường Ấn Độ tháng 7/2014, hãng đã tiến vào Singapore, Phillipiné, Malaysia… Tại Trung Đông và Bắc Phi, các nhà phân phối cũng giới thiệu điện thoại Xiaomi. Tham vọng mở rộng tại phương tây có thể bị kìm hãm vì vấn đề bản quyền nhưng theo ông Lei, Xiaomi đã nộp đơn xin cấp phép hơn 6.000 bằng sáng chế riêng từ năm 2014.

6 tháng trước, ông Lei thực hiện bài nói chuyện với tiêu đề “Tương lai của Xiaomi là gì”. Ông cho biết, một ngày nào đó, Xiaomi sẽ giống như Sony những năm 1970, dẫn đầu ngành sản xuất Nhật Bản; như Samsung những năm 1980 và 1990, thống trị Hàn Quốc. Trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ dẫn đầu nhiều lĩnh vực trên thế giới.

Trong khi đó, ông quyết tâm viết lại câu chuyện Xiaomi đang núp bóng Apple. “Steve Jobs là người đáng kính trọng, nhưng Xiaomi là công ty khác với Apple. Chúng tôi rất cởi mở và tập trung vào liên kết người dùng, người hâm mộ của chúng tôi, đưa phản hồi của họ vào sản phẩm và thậm chí còn mở tiệc cùng họ. Chúng tôi tin vào việc mang sự sáng tạo đến mọi người, đó là lý do chúng tôi luôn chú trọng đưa sản phẩm về gần mức chi phí sản xuất”. Còn theo ông Barra, “thế giới có thể học 1 hay 2 bài học từ lối suy nghĩ của Trung Quốc”.

Cùng chuyên mục
XEM