Đã đặt cọc nhà hàng tiệc cưới nhưng phải dừng tổ chức vì Covid-19 thì có lấy lại tiền được không?

08/05/2021 10:36 AM | Kinh doanh

Ngày 7/5, UBND TP.HCM đã ban hành Văn bản số 1431/UBND-VX về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố; trong đó, đáng chú ý là yêu cầu tạm dừng hoạt động nhà hàng tiệc cưới trên địa bàn thành phố bắt đầu từ 18 giờ ngày 7/5/2021.

Thực tế, nhiều người đặt cọc 30%, thậm chí có trường hợp đã thanh toán trên 70% giá trị của hợp đồng tiệc cưới với nhà hàng để tổ chức tiệc cưới vào cuối tuần này (thứ 7 ngày 8/5 và chủ nhật ngày 9/5). Tuy nhiên, với Văn bản số 1431/UBND-VX thì buộc việc tổ chức tiệc cưới tại các nhà hàng phải dừng lại cho đến khi có thông báo mới. Do đó, nhiều khách hàng đã đặt cọc, thanh toán một khoản tiền lớn cho nhà hàng tiệc cưới lo lắng và thắc mắc rằng nhà hàng tiệc cưới có trả lại khoản tiền mà họ đã tạm thanh toán hay không.

Về vấn đề này, trao đối với chúng tôi, Luật sư Phạm Thanh Hữu, Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Việc các nhà hàng tiệc cưới phải tạm dừng tổ chức tiệc cưới do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp được xem là sự kiện bất khả kháng theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 (sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép). Như vậy, việc không thể tổ chức tiệc cưới như nội dung trong hợp đồng mà hai bên đã ký kết trước đó hoàn toàn không có lỗi của nhà hàng tiệc cưới, khách hàng. Do đó, khách hàng không thể mất số tiền đã đặt cọc hay tạm thanh toán cho nhà hàng".

Đã đặt cọc nhà hàng tiệc cưới nhưng phải dừng tổ chức vì Covid-19 thì có lấy lại tiền được không? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Luật sư Hữu cũng lưu ý thêm, vì sự kiện bất khả kháng xảy ra nên hai bên không thể thực hiện hợp đồng như những gì đã cam kết trước đó; tuy nhiên, vấn đề ở đây là chúng ta phải tìm ra cách giải quyết phù hợp trong trường hợp này để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các bên. Để có cách giải quyết phù hợp thì các bên buộc phải ngồi lại để thỏa thuận phương án hợp lý.

Đơn cử, khách hàng và nhà hàng có thể thỏa thuận dời thời điểm tổ chức tiệc cưới (ví dụ: trong khoảng thời gian 1 tháng kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động tiệc cưới trở lại) nhưng không tăng giá dịch vụ. Cũng có thể, hai bên thống nhất hủy hợp đồng đã ký kết, nhà hàng tiệc cưới hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận của khách hàng và cam kết sẽ giao kết hợp đồng mới khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động tiệc cưới trở lại.

Trong trường hợp, các bên không thỏa thuận được phương án hợp lý, hài hòa lợi ích của nhau; như là nhà hàng không chịu dời thời điểm tổ chức tiệc cưới đến một khoảng thời gian hợp lý (nhà hàng tiệc cưới đưa ra yêu cầu khi nào Nhà nước cho tổ chức hoạt động tiệc cưới trở lại thì ngày hôm sau nhà hàng sẽ tổ chức tiệc cưới), hoặc không chịu trả lại tiền cho khách hàng… thì khi đó khách hàng có thể khởi kiện nhà hàng tiệc cưới rà Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để yêu cầu Toàn án bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Như Thiên

Cùng chuyên mục
XEM