Đá bay thất bại, ghi bàn thành công nếu bản thân sở hữu 7 điều này
7 thói quen sau đây sẽ gợi mở cho các bạn một cuộc sống rực rỡ mà ở đó, muốn thất bại cũng khó vô cùng.
Ai cũng mong muốn mình trở thành những cá nhân kiệt xuất, những con người xuất chúng, nổi bật trong mắt người khác.
Ai cũng muốn mình biết thật nhiều, tự tin đứng và nói chuyện trước đám đông.
Tất cả những mong muốn đó, chỉ nhằm một mục đích sau cùng: Giúp họ trở thành người thành công.
Và 7 thói quen sau đây sẽ gợi mở cho các bạn một cuộc sống rực rỡ mà ở đó, muốn thất bại cũng khó vô cùng.
1. Tìm ra và công nhận ưu điểm của người khác
Ai cũng có những điểm mạnh điểm yếu của riêng mình.
Vì vậy, đừng nhìn một người với ánh mắt hằn học, coi thường chỉ qua những khuyết điểm của họ.
Bạn không nhất thiết phải đồng tình với quan điểm và cách giải quyết vấn đề của một người, nhưng đừng vì thế mà từ chối giao lưu cùng họ, cũng đừng vì thế mà cho họ những ánh mắt dè bỉu, không tôn trọng.
Thay vào đó, hãy tìm và công nhận những ưu điểm của họ, phát hiện xem có ưu điểm nào trong số đó có thể giúp ích được cho mình hay không.
Nếu bạn rèn được cho mình thói quen này, bạn sẽ tránh được những mâu thuẫn không đáng có, tiết kiệm được thời gian mà vẫn nâng cao hiệu suất công việc, có thêm được những mối quan hệ chất lượng.
2. Chăm chỉ vận động
Sức khoẻ là tài sản quý giá nhất của một người.
Nếu hoàn cảnh cho phép, hàng ngày hãy cho mình một buổi tập thể dục tại công viên, những địa điểm công cộng ở gần nhà.
Nếu hoàn cảnh không cho phép, hãy cho mình một khoảng thời gian ngắn mỗi ngày ở nhà, tập theo những động tác thể dục ở những video được phát hành miễn phí trên mạng, hoặc nếu có điều kiện hơn, là những gói tập có lộ trình được rao bán trên những trang mạng xã hội như Tập Tại Nhà.
Thời gian làm việc, thay vì ngồi lì một chỗ trước laptop hay máy tính để bàn, thi thoảng hãy cho mắt mình được nghỉ ngơi, đứng lên và di chuyển một vòng.
Nếu không chịu khó vận động, sớm hay muộn, bạn cũng phải dành thời gian để nằm hối tiếc trên giường bệnh.
3. Đọc sách
Phải, các bạn đã nghe quá nhàm tai về hiệu quả của việc đọc sách rồi.
Vì vậy, tôi sẽ nhắc lại thêm lần nữa cho các bạn nghe nhé.
Hãy chăm chỉ đọc sách, vì đọc sách là con đường ngắn nhất để nâng cấp bản thân.
Mỗi ngày, chỉ cần dành khoảng 1 đến 2 tiếng để đọc sách, sau này sẽ thấy những lời lẽ mình nói ra chắc chắn, có cơ sở, khiến người khác phải tâm phục khẩu phục từng lời.
4. Làm mọi việc sớm 10 phút
Khi mọi việc được đẩy lên sớm 10 phút, bạn sẽ có đủ thời gian cần thiết để tiên liệu trước những khả năng có thể xảy ra, từ đó chuẩn bị được những cách ứng biến phù hợp.
Hiểu một cách đơn giản, 10 phút là cái giá bạn phải trả để bản thân có sự chủ động.
Đây không phải những điều sáo rỗng, tôi xin đảm bảo với các bạn điều đó.
Nếu không tin, đầu tiên hãy thử đặt chuông báo thức của bạn sớm 10 phút. Bạn xem, bạn đã có thể thư thái ăn sáng, ung dung ra khỏi nhà, thay vì hấp tấp vội vã như trước đây. Một việc làm nhỏ nhưng hiệu quả thu về rất lớn.
Đừng chỉ nghĩ, hãy làm trước đã, chỉ khi đó bạn mới thấy thói quen nghe có vẻ vô bổ này mang lại lợi ích lớn thế nào.
5. Bớt phàn nàn
Phàn nàn là một trong những thói quen tồi tệ nhất của một người.
Phàn nàn ngoài việc giúp cho chúng ta "sướng cái mồm", thì tất cả những gì chúng để lại cho chúng ta là "hại cái thân".
Phàn nàn chỉ cho bạn một cái cớ để tựa vào, chứ không giúp bạn giải quyết vấn đề bạn đang gặp phải.
Một việc bình thường, tưởng như không có gì đáng để bàn có thể trở thành một việc nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh bản thân cũng như công ty bạn làm chỉ qua một vài câu than vãn được nói ra.
Vì vậy, cần rèn cho mình những suy nghĩ tích cực, bớt phàn nàn lại một chút. Khi gặp phải những tình huống làm mình thấy bực bội, không như ý muốn, hãy hít thở một hơi thật dài và tìm phương án phù hợp để giải quyết.
6. Đầu tư cho bản thân
Đầu tư ở đây, không phải ý bảo các bạn đóng gói bản thân trong những món đồ hàng hiệu đắt tiền, cũng không bảo các bạn phải cố ăn diện để chứng tỏ với người khác.
Đầu tư ở đây, là bước ra khỏi vùng an toàn của bạn.
Bước ra khỏi đó, và đi những bước đi thật cẩn thận ra thế giới ngoài kia. Tiếp xúc những luồng tư tưởng mới, những kiến thức, cách suy nghĩ mới, làm quen với những con người mới, rèn luyện cho bản thân những thói quen, sở thích mới, chẳng hạn như học vẽ, học đầu tư chứng khoán,…
Đầu tư bản thân theo cách đó là điều tốt nhất cho bản thân bạn, giúp bạn không bao giờ trở nên lạc hậu và luôn theo kịp với dòng xoay chuyển đang ngày một gấp gáp của thế giới.
7. Sắp xếp và đánh giá hiệu quả công việc
Trước khi bắt đầu làm việc, hãy liệt kê tất cả những công việc cần làm, sau đó sắp xếp chúng theo mức độ quan trọng và cấp thiết. Hãy ưu tiên dành thời gian làm những việc đứng đầu mục quan trọng và cấp thiết, để những việc chưa quan trọng và kém cấp thiết lại thực hiện sau.
Sau khi kết thúc công việc, xem xét lại hiệu quả công việc của mình, liệu mình có thể làm gì để công việc của mình đạt năng suất cao hơn không.