Cựu Giám đốc Grab Việt Nam kể chuyện AI ‘cướp’ việc làm của con người: ‘Trước 1 clip cần 4 người hỗ trợ làm trong 1 tháng, giờ tôi làm một mình chỉ trong 3 ngày’

23/07/2023 09:27 AM | Kinh doanh

“Nếu biết dùng AI, bạn có thể nói với nhà tuyển dụng, tôi có thể tạo được 100 hình ảnh trong vòng 1 tiếng, viết luận 10.000 chữ trong vòng 5ph, tạo 10 slides trong 30 giây, làm hiệu quả hơn gấp 20 lần 1 người bình thường. Công ty nào cũng sẽ săn đón bạn”, ông Nguyễn Tuấn Anh – CEO Alpha Asimov – chia sẻ.

Cựu Giám đốc Grab Việt Nam kể chuyện AI ‘cướp’ việc làm của con người: ‘Trước 1 clip cần 4 người hỗ trợ làm trong 1 tháng, giờ tôi làm một mình chỉ trong 3 ngày’ - Ảnh 1.

Từ chuyện “Flex” quá khứ trường chuyên, được Yahoo! Đông Nam Á chiêu mộ khi chưa tốt nghiệp đến quyết tâm “thêm tài bớt tật”

Chia sẻ với các sinh viên tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK), Đại học Đà Nẵng mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh – cựu Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, CEO robot giao hàng tự hành Alpha Asimov – mang tới hai câu chuyện. Một câu chuyện mà ông tự nhận không khác gì trend “Flex” với quá khứ đoạt giải quốc gia, nhận học bổng du học ĐH Quốc Gia Singapore (NUS) và được Yahoo! Đông Nam Á chiêu mộ khi chưa tốt nghiệp.

Một câu chuyện khác là chuyện ông chưa từng kể trong quá khứ, từ việc cúp học chơi game, từng thất bại liên tục trong thời gian đầu khởi nghiệp ở Việt Nam, và cả các tật xấu như “không lắng nghe phản hồi, nghĩ mình thông minh nên lúc nào cũng đúng”.

Cựu Giám đốc Grab Việt Nam kể chuyện AI ‘cướp’ việc làm của con người: ‘Trước 1 clip cần 4 người hỗ trợ làm trong 1 tháng, giờ tôi làm một mình chỉ trong 3 ngày’ - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tuấn Anh (trái).

Hồi cấp 1, sau khi không thể đi tiếp vòng 2 để được đi thi quốc gia môn Toán, tôi bắt đầu nản. Khi vào cấp 2, tôi liên tục cúp học đội tuyển để có thể đi chơi ở máy tính, và rốt cuộc tôi bị loại khỏi đội tuyển... Khi học ở NUS, tôi vẫn cúp học, khi kiểm tra thì đợi “nước đến chân mới nhảy”, điểm của tôi rất tệ, bị mất học bổng năm cuối, và chỉ vừa đủ điểm tốt nghiệp. Ngày tốt nghiệp, tôi mừng rớt nước mắt, không hẳn vì tự hào mà chủ yếu mừng vì không phải học bài làm bài nữa”.

“Khi đi làm, nhiều lúc tôi mê chơi game, thức khuya, sáng dậy đi làm muộn, xao nhãng việc được giao. Có những khi tôi buồn chuyện tình cảm, không muốn vào công ty, không muốn làm gì. Khi về Việt Nam khởi nghiệp thất bại liên tục, có những lúc tôi bế tắc, xài hết tiền, thậm chí còn nợ thẻ tín dụng rất nhiều. Có những lúc tôi lang thang thấy mình cô đơn, không định hướng, không biết cuộc sống đi đâu về đâu”, ông Tuấn Anh tâm sự.

Ông cho biết khi nghe câu “lắm tài nhiều tật”, ông nghĩ câu này áp dụng cho bản thân mình.

Câu “lắm tài nhiều tật” làm cho nhiều người nghĩ là “vì có những tật xấu đó nên mới có tài năng và thành công”. Tôi đã từng tin như thế!
Nguyễn Tuấn Anh - CEO Alpha Asimov

Câu “lắm tài nhiều tật” làm cho nhiều người nghĩ là “vì có những tật xấu đó nên mới có tài năng và thành công”. Tôi đã từng tin như thế. Tôi nghĩ mọi người xung quanh phải chấp nhận vài tính xấu này của tôi vì nó song hành với những tài năng và tính tốt khác”.

“Sau này tôi dần dần quan sát và nhận ra rằng, những người như thế thành công “mặc dù vẫn còn những tật xấu đó”, chứ không phải “thành công vì nhờ có những tật xấu đó”. Nghĩa là nếu bớt đi những tật xấu đó, có khi họ còn thành công hơn nữa”, CEO Alpha Asimov chia sẻ.

Từ việc dùng câu “lắm tài nhiều tật” làm bia đỡ đạn cho những khiếm khuyết của mình, ông ngờ ngợ nhỡ mình “thêm tài bớt tật” được thì sao? Và ông đã thử. Nhờ việc cố gắng phát triển bản thân, ông đọc thêm về tâm lý học, về trí thông minh cảm xúc, về chữa lành... - những thứ ông cho rằng cũng giúp nhiều cho việc kinh doanh.

Ông cũng chia sẻ với các bạn trẻ 4 bước “Thêm tài bớt tật”:

1- Chấp nhận mình có thể sai. Đây là cái khó nhất, vì cái tôi của mình quá lớn.

2- Chủ động đi tìm cái sai, thông qua phản hồi của người khác. Đừng tìm bạn bè đồng nghiệp chỉ đồng ý với mình.

3- Luyện kỹ năng lắng nghe, nghiên cứu, lý luận, phản biện, học hỏi để đi tìm cái đúng hơn

4- Lặp lại bước 1

AI và thử thách

Nhắc đến Trí tuệ Nhân tạo (AI), ông Tuấn Anh cho biết nếu như trước đây, để làm một video marketing, ông mất rất nhiều thời gian và tiền bạc, còn giờ ông dùng AI để soạn kịch bản, lồng tiếng, phụ đề, tạo hình.

Từ 1 clip bình thường phải mất 1 tháng để làm, tôi chỉ mất 3 ngày. Trước đây cần phải 3 - 4 người cùng tham gia phụ, giờ chỉ cần một mình tôi làm. Kể cả chiến lược kinh doanh tôi cũng nhờ AI cùng bàn bạc, và AI giúp làm ra các báo cáo, slide thuyết trình, và buổi phát biểu hôm nay cũng có sự trợ giúp của AI”.

“AI có lấy đi việc làm của con người không? Câu trả lời là có”, ông Tuấn Anh khẳng định.

Nhận định con đường sắp tới sẽ có rất nhiều thử thách, tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho rằng việc không có được việc làm hay có việc làm tốt mà nhiều người mơ ước, hoàn toàn nằm trong tay các bạn trẻ.

Sự khác biệt duy nhất là bạn có biết sử dụng AI hay không. Nếu biết dùng AI, bạn có thể nói với nhà tuyển dụng, tôi có thể tạo được 100 hình ảnh trong vòng 1 tiếng, viết luận 10.000 chữ trong vòng 5ph, tạo 10 slides trong 30 giây, làm hiệu quả hơn gấp 20 lần 1 người bình thường. Công ty nào cũng sẽ săn đón bạn”.

“Công ty nào không ứng dụng AI sẽ sớm bị bỏ lại phía sau, đơn giản là vì đối thủ của họ sẽ làm tốt hơn vì có dùng AI. Hãy đi tìm ngay những công cụ AI có thể giúp cho công việc/ngành học của bạn, học cách sử dụng nó hiệu quả. Hãy chấp nhận sự thay đổi lớn này, nhà tuyển dụng và thị trường sẽ không còn hoạt động theo cách cũ lâu nữa đâu. Chuyến tàu này sắp rời đi, và ai chưa lên kịp sẽ thật sự bị bỏ lại phía sau”, cựu Giám đốc Grab Việt Nam nhấn mạnh.

Theo Bình An

Cùng chuyên mục
XEM