Cựu CEO trẻ nhất ngành Ngân hàng Việt Nam: Nhiều bạn trẻ chọn việc vì 'phù hợp' hay 'lương cao', mà bỏ qua tiêu chí làm nên 80% sự thành đạt trong tương lai

06/05/2017 16:31 PM | Nghề nghiệp

Cứ nghĩ rằng chọn việc 'phù hợp' hay 'lương cao' là đủ. Điều này liệu có còn đúng ?

“Em muốn chọn công việc phù hợp với bản thân”, hay thực tế hơn thì là “em muốn chọn công việc lương cao” – Có lẽ đó là những câu trả lời mà các nhà tuyển dụng được nghe thường xuyên nhất trong các buổi phỏng vấn, đặc biệt khi câu hỏi được đặt ra là “Tại sao em chọn công việc này ?”.

Một công việc hợp với mình, hay một công việc có lương cao – đó đều là những mong muốn chính đáng mà bất cứ ai đi tìm việc đều có quyền đặt ra. Thế nhưng, liệu rằng với một sinh viên mới ra trường, những tiêu chí đó liệu có đủ để giúp đưa ra quyết định lựa chọn một công việc ?

‘Không đủ, hoặc thậm chí còn khiến các bạn trẻ vuột mất cơ hội thăng tiến’

Đây chính là câu trả lời cho câu hỏi trên được rút ra từ những kinh nghiệm mà anh Phạm Duy Hiếu – Cựu CEO ABBank, Giám đốc Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Vietnam Startup Foundation – đã chia sẻ trong một buổi tọa đàm về khởi nghiệp đã diễn ra gần đây.

Trước hết, Phạm Duy Hiếu là một cái tên từng gây xôn xao dư luận nhiều lần vì những sự “trẻ nhất”, sự “đi đầu”. Hồi năm 2012, Hiếu được bổ nhiệm vị trí CEO ABBank, trở thành vị Tổng Giám đốc Ngân hàng trẻ nhất ở Việt Nam tính đến thời điểm này, khi đó anh 34 tuổi.

Năm 2015, sau khi từ nhiệm, giữa làn sóng khởi nghiệp quốc gia đang lên cao, anh đã tham gia vào hội đồng quản lý Quỹ Khởi Nghiệp Doanh Nghiệp Khoa Học Công Nghệ Việt Nam - Startup Vietnam Foundation (SVF). SVF được thành lập vào 2014, là quỹ phi lợi nhuận hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, sau hoạt động thúc đẩy bởi đề án Vietnam Silicon Valley (VSV) của Bộ Khoa học Công nghệ. VSV hiện nay đã trở thành đề án cấp quốc gia.

Hồi tưởng thời điểm là một sinh viên mới ra trường, anh Hiếu đã chia sẻ các nguyên tắc của mình khi đi tìm việc

Điều đầu tiên theo anh nhấn mạnh thì chắc chắn ‘lương cao’, hay ‘hợp với mình’ không phải là tiêu chí tốt: “Không hiểu do may mắn hay sao mà tớ có một cách lựa chọn công việc rất kỳ lạ. Các bạn sinh viên thời kỳ đó thường chọn ở đâu lương cao sẽ làm, ở đâu công việc phù hợp sẽ làm. Tớ không làm thế”.

Theo anh Phạm Duy Hiếu thì sẽ có 3 tiêu chí mà các bạn sinh viên nên nhớ khi mới đi kiếm việc làm: công việc cho mối quan hệ, công việc cho cơ hội học hỏi và công việc cho một mức lương vừa đủ sống.

“Còn tớ chọn công việc theo 3 tiêu chí:

- Tiêu chí đầu tiên là tớ chỉ chọn làm những công việc giúp mình mở rộng được mối quan hệ, không làm những công việc nào mà mình phải ở trong phòng, đóng kín cửa ngồi nghiên cứu báo cáo.

- Ưu tiên số 2 là tớ chỉ chọn những công việc mà tớ có cơ hội học hỏi và phát triển. Công việc không học hỏi được gì thì tớ không làm.

- Và tiêu chí thứ ba là công việc cung cấp một mức lương nào đó, chỉ cần đủ sống là được, không cần phải quá cao. Theo cách này, đã rất nhiều lần tớ chọn những công việc lương thấp trong những khi mình cũng được offer những công việc mức lương cao hơn”.

Trong 3 tiêu chí này, tiêu chí mở rộng mối quan hệ và cơ hội học hỏi được vị cựu CEO trẻ nhất ngành Ngân hàng coi trọng ở hàng bậc nhất.

Anh lập luận ở trong trường Đại Học, chúng ta phải trả chi phí cho việc học, còn khi đi làm nghĩa là vừa đi học, vừa được nhận lương, chẳng khác nào được nhận gấp đôi. Vì vậy, với các bạn trẻ đang mới đi tìm việc làm, hãy đừng ngại ngần mà chọn một công việc dù lương không cao nhưng lại tặng cho bạn cả biển tri thức.

Quan trọng nhất là phải chọn những công việc giúp bạn mở rộng được mối quan hệ, bởi lẽ theo vị Cựu CEO ABBank thì điều này sẽ đóng góp đến 80% sự thành công của bạn trong tương lai.

Với kinh nghiệm kinh qua nhiều vị trí quản lý, Giám đốc của nhiều công ty, anh Phạm Duy Hiếu tiết lộ bí quyết gây dựng các mối quan hệ của mình:

“Tớ có thói quen lưu quyển sổ namecard theo năm. Năm đầu, quyển số namecard của tớ toàn là nhân viên bán hàng, nhân viên giao dịch, nhân viên kế toán. Sau một vài năm thì thấy lác đác có Phó phòng, Trưởng phòng. Còn đến bây giờ, quyển sổ namecard toàn là Tổng giám đốc, Chủ tịch nhiều doanh nghiệp lớn”.

“Tớ thường nói với nhân viên của tớ là tớ không sợ thất nghiệp hay không có việc làm. Điều đó là bởi với những mối quan hệ trên, tớ dành được niềm tin từ họ, từ đó tớ có thể trở thành nhân viên của họ, có thể kinh doanh cùng với họ”.

“Về cách giữ tương tác, trong quyển số namecard, tớ lập ra một shortlist có khoảng chừng 20 người mà tớ tương tác rất thường xuyên, hết một năm lại review một lần. Đây là thứ tài sản vô giá của tớ ”.

Cần nhớ rằng, theo khoa học thì bạn sẽ là trung bình cộng của 5 người bạn tương tác thường xuyên nhất: Bạn ở cạnh những người ra quyết định giỏi thì cũng sẽ ra quyết định giỏi, ở cạnh những người nghĩ lớn thì sẽ biết nghĩ lớn, ở cạnh những triệu phú thì sẽ có thể sớm trở thành triệu phú.

“Vì thế, nếu các bạn chú tâm vào xây dựng mối quan hệ ngay từ đầu thì sau này các bạn sẽ phát hiện ra rằng mình đã có một thứ tài sản lớn hơn rất nhiều so với tiền lương”

Để minh chứng ví dụ cụ thể ngoài đời sống, anh Phạm Duy Hiếu đã lấy ngay trường hợp của mình. Sau thời điểm rời ABBank, anh đã phải tự tay gây dựng nên Quỹ SVF.

Điều đáng nói, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp lúc đó tại Việt Nam chưa xuất hiện, vẫn còn là mô hình rất mới nên sự khó khăn trong thủ tục còn rất nhiều. Tuy nhiên, với chìa khóa của sự nghiệp đã gây dựng cả chục năm trước, anh Hiếu đã giúp SVF đã ‘lớn nhanh như thồi’

“Mất 3 năm để xin thủ tục thành lập, nhưng SVF chỉ mất 1 năm để xây dựng thương hiệu, bởi vì bọn tớ có đủ 3 yếu tố quan hệ, giữ chữ tín và rất biết cách học hỏi các đối tác” – anh Hiếu kết luận.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM