Điều gì tạo nên hiện tượng Đồng Tháp, một tỉnh nghèo lại hay gặp hạn hán, nhưng "máu" khởi nghiệp thì chẳng thua Hà Nội, Tp.HCM ?
'Trong cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp 2016 tổ chức tại TPHCM, có tới 50% các nhóm vào đến vòng chung kết là của tỉnh Đồng Tháp. Tôi đã phải giật mình', ông Phạm Duy Hiếu giám đốc Quỹ Vietnam Startup Foundation chia sẻ.
Từ lời kể của cựu CEO ABBank - Giám đốc Quỹ khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam
Theo lời kể của ông Phạm Duy Hiếu, giám đốc Quỹ Vietnam Startup Foundation – một trong số những quỹ hỗ trợ khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, hình ảnh một địa phương còn nghèo nhưng 'máu' khởi nghiệp thì chẳng thua gì Hà Nội, Sài Gòn dần dần hiện lên.
Trong phút chốc, người nghe choáng ngợp bởi những gì họ đang nghe về một cái tên vừa lạ vừa quen, vốn chỉ được ghi nhớ trong tiềm thức một cách lời mờ bởi sông nước và đói nghèo: Đồng Tháp. Đứng trên sân khấu, ông Hiếu chia sẻ những ấn tượng mạnh mẽ vẫn còn vẹn nguyên trong mình:
“Tôi từng chứng kiến cuộc thi khởi nghiệp mà cả Bí thư và Chủ tịch tỉnh đi cổ vũ những doanh nghiệp khởi nghiệp ở tỉnh đó đi thi đấu. Trong cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp 2016 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, không giới hạn lĩnh vực, không giới hạn thành thị hay nông thôn thì có tới 50% các nhóm vào đến vòng chung kết là thuộc về tỉnh Đồng Tháp. Tôi đã phải giật mình”.
Tiếp lời về chuyến khám phá về tận Đồng Tháp để xem những nhóm khởi nghiệp của một tỉnh xếp hạng 58/63 bảng xếp hạng giàu nghèo các tỉnh thành trong nước này đã làm thế nào để đạt được những kết quả đầy khích lệ như trên, ông Hiếu tiết lộ:
“Cho đến khi tôi về Đồng Tháp để làm việc và có buổi nói chuyện về vấn đề khởi nghiệp thì thật bất ngờ, cả Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Phó Bí thư tỉnh đều có mặt hết. Lúc đó, anh Bí thư tỉnh Lê Minh Hoan đi điểm danh xem anh nào vắng, đảm bảo phải đủ 300 lãnh đạo tại các quận huyện đều có mặt. Các huyện ở xa thì anh cho kết nối cầu truyền hình…”
Truyền hình Đồng Tháp ưu ái dành riêng cho phong trào khởi nghiệp một talkshow
Những điều chưa từng được kể này, có lẽ nếu không ai nói ra thì người ta khó mà biết được ở Đồng Tháp, chính quyền và những người doanh nhân trẻ đang đam mê khởi nghiệp đến thế. Họ nắm tay cùng nhau để mang sự đổi mới về tỉnh nghèo ở vùng Cửu Long sông nước này, với một phương châm bất di bất dịch: "Chúng tôi tự cứu mình trước khi trời cứu. Bạn nào khởi nghiệp, chúng tôi đều rộng cửa!”.
Tới một phong trào khởi nghiệp đang lên như diều gặp gió tại Đồng Tháp
Nhìn lại những số liệu thống kê trong nhiều năm qua, có thể thấy các lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã thể hiện sự quan tâm rất nhiều đến phong trào khởi nghiệp và những đổi mới sáng tạo ở tỉnh mình.
Cụ thể, ở chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI), Đồng Tháp đã thường xuyên nằm trong tốp đầu cả nước suốt gần chục năm trở lại đây. Đặc biệt, năm 2012, Đồng Tháp đứng nhất toàn quốc. Đáng chú ý, trong thành phần của chỉ số PCI, có những yếu tố được đo lường để làm nổi bật lên tính đổi mới sáng tạo cũng như sự hỗ trợ hết mình của chính quyền cho những đổi mới sáng tạo đó ở một tỉnh.
Ở chỉ số thành phần là “sự hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh”, Đồng Tháp đã nâng mức điểm của mình từ 2,95 năm 2012 lên tới 5,49 năm 2016. Như vậy, sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp của chính quyền Đồng Tháp đã được đánh giá tăng gấp đôi sau 5 năm.
Còn ở chỉ số “sự năng động của chính quyền tỉnh”, Đồng Tháp cũng bỏ xa những tỉnh ‘hàng xóm’ như Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, Kiên Giang (những tỉnh có chỉ số PCI cao nhất trong vùng đồng bằng sông Cửu Long) trong suốt các năm từ 2012 – 2016. Vì thế, là không sai khi nói Đồng Tháp có bộ máy chính quyền năng động nhất trong cả khu vực.
Ở Đồng Tháp, phải nói rằng giờ đây dường như cụm từ ‘khởi nghiệp’ đã trở thành quen thuộc. Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã được lan tỏa không chỉ từ tỉnh mà còn đến cả cấp huyện.
Có thể ví dụ, cùng với Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu, Hội Nữ doanh nghiệp tỉnh, thành phố Cao Lãnh đã thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp để tổ chức hoạt động “Hội quán khởi nghiệp 152”. Đồng thời, tỉnh đoàn Đồng Tháp cũng đã kết hợp với Trung ương Đoàn để hỗ trợ vốn xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên.
Thậm chí, đài truyền hình tỉnh Đồng Tháp còn ưu ái thực hiện riêng một chương trình talkshow mang tên Khởi nghiệp, mời những doanh nhân – những người con của Đồng Tháp – đã đạt được thành tựu đến để chia sẻ, tạo cảm hứng cho giới trẻ Đồng Tháp khởi nghiệp.
Vượt ra ngoài quy mô tỉnh, phong trào khởi nghiệp Đồng Tháp còn tạo tiếng vang ở khắp những nơi khác. Còn nhớ, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Tháp đã từng chọn và sàng lọc các dự án khởi nghiệp của tỉnh để giới thiệu cho Chương trình Shark Tank - chương trình Đồng hành cùng khát vọng khởi nghiệp do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ phối hợp VTV tổ chức.
Kết quả, Đồng Tháp đã có 2 dự án được chọn. Ngoài ra, cũng có một ví dụ đầy khích lệ đã được nhắc đến ở trên là ở vòng chung kết một cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016, không hẹn mà gặp, không có sự sắp đặt nào, phân nửa số đội thi là của tỉnh Đồng Tháp.
Và một ông Bí thư lục tuần tuổi đam mê khởi nghiệp
Đứng sau mỗi tuyệt tác luôn đều cần có sự hiện diện của một kiến trúc sư trưởng. Và trường hợp của phong trào khởi nghiệp đang diễn ra sôi nổi tại Đồng Tháp cũng không phải là ngoại lệ.
Ở Đồng Tháp, người ta thường xuyên coi ông Bí thư Lê Minh Hoan như một người hiếm có đã gần lục tuần nhưng lại có đam mê lớn lao với phong trào khởi nghiệp của giới trẻ.
Có thể không hiểu rõ những kiến thức chuyên sâu như ‘hệ sinh thái khởi nghiệp’ là gì, hay một doanh nghiệp vận hành như thế nào, tuy nhiên điều quan trọng là vị Bí thư này hiểu rằng những đổi mới sáng tạo đó sẽ chính là sự sống còn, là động lực phát triển trong thời gian những hậu quả nặng nề từ biến đổi khí hậu có thể ập đến với Đồng Tháp sắp tới.
Ông Bí thư tỉnh ủy đam mê khởi nghiệp Lê Minh Hoan
Còn nhớ, ông Hoan từng nói trong một buổi tọa đàm về khởi nghiệp rằng về phương châm “Tự cứu mình trước khi trời cứu” của tỉnh này rằng bạn trẻ nào khởi nghiệp muốn đến gặp lãnh đạo đều mở rộng cửa.
"Khi nghe các bạn trẻ, các em sinh viên tỉnh Đồng Tháp hăng say nói về khởi nghiệp, dù tôi chẳng biết gì về khởi nghiệp, chẳng hiểu hệ sinh thái khởi nghiệp là gì nhưng tôi đều vỗ tay, sau đó sẽ hỏi kỹ, rồi cùng các ban ngành của tỉnh tìm ra hướng đi để giúp các em khởi nghiệp theo những dự án mà các em tâm huyết, có khả năng triển khai mang lại hiệu quả” - vị Bí thư chia sẻ.
Đồng thời, chính ông Hoan cũng là người đã yêu cầu các cửa hàng, các kênh phân phối, các doanh nghiệp tại Đồng Tháp phải luôn luôn dành một vị trí bán hàng cho những sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chính những điều này đã giúp các nhà khởi nghiệp trẻ Đồng Tháp có một sân chơi, một thị trường ban đầu để tìm kiếm đầu ra cho mình.
Tích cực tương tác với cộng đồng khởi nghiệp trẻ, hiểu, đồng cảm và hỗ trợ phong trào khởi nghiệp tại Đồng Tháp trên cương vị một Bí thư Tỉnh ủy nên không sai khi nói ông Lê Minh Hoan chính là nguồn cảm hứng cho giới trẻ địa phương này.
"Tôi phát hiện ra rằng cứ những người lãnh đạo ở tỉnh nào mà có quan tâm tới phong trào khởi nghiệp và làm với cái tâm của mình thì khởi nghiệp, phong trào của tuổi trẻ ở đó sẽ rất khác biệt", ông Phạm Duy Hiếu nhấn mạnh về tầm quan trọng của người lãnh đạo địa phương.