Cựu CEO của hãng hàng không Japan Airlines: 'Tôi sống tới 88 tuổi, tổng kết mọi điều chỉ trong 1 chữ: TÂM'
Inamorri Kazuo dùng kinh nghiệm cả đời để nói với chúng ta rằng, bất kể có ở trong hoàn cảnh khó khăn tới đâu, cũng đừng thỏa hiệp, một lòng một dạ, cố gắng hết sức để trau dồi "trái tim lương thiện" của mình nhiều nhất có thể. Chỉ cần bạn làm điều này, số phận của bạn chắc chắn sẽ được cải thiện và một cuộc sống hạnh phúc chắc chắn sẽ đến.
Chúng ta rốt cuộc nên sống như nào?
Mỗi người đều có những kiến giải của riêng mình. Có người muốn "thả trôi theo dòng nước", có người muốn vượt qua khó khăn, có người khao khát một cuộc sống giản đơn, có người lại muốn sống thật rực rỡ, nhưng suy cho cùng, thì tất cả thứ mà chúng ta muốn chỉ là hai chữ "hạnh phúc".
Vậy làm sao mới có được hạnh phúc?
Ngoài việc tự mình mò mẫm tìm kiếm, chúng ta cũng có thể thử đứng trên vai người khổng lồ, tham khảo kinh nghiệm của những người đã tới được bến bờ hạnh phúc. Dù không thể copy cuộc đời họ, nhưng chúng ta có thể tìm ra được hướng đi thông qua những kinh nghiệm và cảm ngộ của họ, rồi từ đó tìm ra phương pháp hoàn thiện bản thân phù hợp nhất.
Inamori Kazuo, cựu CEO của hãng hàng không Japan Airlines, đồng thời được xưng là thánh kinh doanh của Nhật Bản chính là người khổng lồ mà bạn có thể đứng lên trên vai.
Inamori Kazuo sinh ra trong một gia đình bình thường ở đảo Kagoshima, Nhật Bản.
Năm 1959, ở tuổi 27, ông thành lập công ty Kyocera (chủ yếu sản xuất các sản phẩm kỹ thuật, thiết bị in và thiết bị ngành ảnh). Mười năm sau, Kyocera lọt top 500 công ty hàng đầu thế giới. Năm 1989, ở tuổi 52, ông thành lập công ty thứ hai chuyên cung cấp dịch vụ điện thoại di động KDDI qua thương hiệu "au by KDDI". Năm 2007, công ty này lọt vào top 500 công ty lớn nhất thế giới.
Inamori Kazuo là người duy nhất trên thế giới là chủ sở hữu của hai trong số 500 công ty hàng đầu thế giới cho đến nay.
Huyền thoại hơn nữa là vào năm 2010, khi ở tuổi 78, ông đã chấp nhận lời mời của chính phủ Nhật Bản về điều hành hãng hàng không Japan Airlines (JAL) đang trong bờ vực phá sản và cần phải tái thiết. Chỉ mất một năm để thay đổi hoàn toàn thế cục, JAL từ tình thế lỗ đã có thể lật ngược thế cờ, kiếm ra lợi nhuận đáng kể, đồng thời tạo ra lợi nhuận cao nhất cho JAL trong lịch sử 60 năm của các hãng hàng không trên thế giới.
Điều gì đã khiến ông đạt được thành công ngoạn mục như vậy?
Ông Inamori Kazuo, cựu CEO của hãng hàng không Japan Airlines, đồng thời được xưng là thánh kinh doanh của Nhật Bản
Tất cả đều tới từ triết học quan của ông.
Đối với Inamori Kazuo, mọi sự xảy ra trong cuộc sống, tất cả đều tới từ suy nghĩ nội tâm của chúng ta, hay nói ngắn gọn là tới từ chữ "tâm". Bất kể là muốn làm gì, bất luận có phải đối mặt với vận mệnh ra sao, chỉ cần chúng ta còn sống, mục tiêu luôn nên là bồi dưỡng cho mình một "trái tim lương thiện" biết nghĩ và nỗ lực vì người khác.
Trong chính tác phẩm mang tên "Tâm" của mình, ông có viết rằng: "tướng do "tâm" sinh, cảnh tùy "tâm" chuyển", ý muốn nói mọi sự vật sự việc trong cuộc sống đều được định hình bởi cái "tâm" của mỗi người, suy nghĩ nội tâm có thể ảnh hưởng và thay đổi hoàn cảnh xung quanh chúng ta.
Trong suốt cuộc đời của Inamori Kazuo, bạn sẽ phát hiện ra rằng ông chính là hình mẫu điển hình của một người bình thường thông qua thay đổi "tâm" để bước tới con đường trở thành một vị thánh trong mắt mọi người và có được một cuộc sống thành công viên mãn.
Khi ông luôn ôm trong mình trái tim tư lợi, chỉ chăm chăm vào được mất, cuộc đời ông ngập tràn khó khăn;
Khi vô tình bị môi trường bên ngoài thúc ép, không thể không thay đổi cái "tâm" suốt ngày chỉ nghĩ tới lợi ích, cuộc sống của ông xuất hiện một vệt sáng;
Khi nhận ra được điều đó, ông đã chủ động kiểm soát nội tâm của chính mình, cố gắng suy nghĩ và hành động theo hướng vị tha, hướng có lợi cho cả người khác, cuộc sống bước vào một chu kỳ tích cực;
Khi suy nghĩ sâu sắc hơn, đồng thời xây dựng được một hệ thống triết học quan của riêng mình dựa trên chữ "tâm", ông đã trở thành người lãnh đạo của nhiều tổ chức và giúp vô số người có được cuộc sống hạnh phúc.
Phần lớn mọi người đều có một trái tim lương thiện, nhưng phải làm thế nào để áp dụng nó vào cuộc sống và sự nghiệp? Chúng ta có thể làm gì để kiên trì và biến nó trở thành quy tắc chung của cuộc sống? Chúng ta có thể lấy cảm hứng từ cuộc sống của Inamori Kazuo.
Ông có một cuốn sách với tựa Việt là "Cách sông", trong đó bàn nhiều về cái "tâm"
01
Bất kể là tốt hay xấu, cũng đều luôn hãy biết cảm kích
"Bất luận là việc gì, cũng hãy luôn biết cảm kích". Khi vận may của bạn tới tấp tìm đến, khi bạn thuận buồm xuôi gió, bạn cảm ơn ông trời, đó là điều hiển nhiên; nhưng khi bạn gặp khó khăn, phiền phức, bạn cũng phải cảm kích.
Khi mới thành lập, Kyocera chỉ là một nhà máy vô cùng nhỏ. Đối với họ mà nói, khi đó, nhận đơn đặt hàng từ Tập đoàn nổi tiếng Panasonic là một cơ hội vô cùng quý giá.
Là bên A, Tập đoàn Panasonic có các yêu cầu nghiêm ngặt về phân phối sản phẩm và chất lượng, đồng thời, họ cũng cần được giảm giá mỗi năm. Các nhà máy khác khi hợp tác với Panasonic đều cảm thấy phẫn nộ và phàn nàn rằng Panasonic bắt nạt các nhà cung cấp.
Nhưng ông Inamori lại cho rằng chính những điều kiện khắc nghiệt này đã rèn luyện cho Kyocera và ông luôn nói với mình rằng không được quên lòng biết ơn đối với ông Matsushita.
Dù đơn hàng có khó tính tới đâu, miễn là nó có lợi cho Tập đoàn Panasonic, Kyocera đều chấp nhận. Để đáp ứng những điều kiện khắt khe này và tạo ra được lợi nhuận, họ đã bỏ ra rất nhiều chất xám và làm việc vô cùng chăm chỉ.
Không lâu sau đó, Kyocera đã bước được chân vào thị trường Mỹ và nhận được đơn đặt hàng từ công ty bán dẫn đang rất nổi tại Mỹ vào thời điểm đó. Thời điểm đó, các sản phẩm của Kyocera không chỉ vượt xa chất lượng của các đối tác địa phương mà còn có mức giá thấp hơn rất nhiều.
Chính vì không ngừng phát triển dưới áp lực của các yêu cầu khắt khe mà Kyocera đã tạo ra được các sản phẩm ưu việt vượt qua cả tiêu chuẩn ngành, đồng thời đảm bảo được mức lợi nhuận tốt. Vào thời điểm đó, hầu hết các công ty từng phàn nàn và phẫn nộ rằng mình bị bắt nạt, kết cục đều đã biến mất.
Đối mặt với những hoàn cảnh và tình huống khó khăn trong cuộc sống, chúng ta phải biết ơn nhiều hơn, bởi vì môi trường và hoàn cảnh khắc nghiệt đó có thể giúp hiện thực tham vọng của mình, làm dịu tâm hồn và cho phép cuộc sống của chúng ta chuyển sang một cấp độ mới, phải luôn nhớ rằng "tâm phải luôn biết cảm kích thì những khó khăn mới có thể trở thành tài phú."
"Tâm phải luôn biết cảm kích thì những khó khăn mới có thể trở thành tài phú."
02
Làm những gì bạn có thể cho những người xung quanh
Có một luật nhân quả trên thế giới rằng: "Ôm một trái tim vị tha và làm những việc có lợi cho người khác, số phận tự nhiên sẽ trở nên tốt đẹp hơn". Nếu động lực làm việc của bạn là thiện chí, mọi thứ sẽ tự nhiên sẽ chuyển biến theo hướng tốt, nếu động lực của bạn là sự tư lợi, ích kỷ hoặc xấu xa, thì dù bạn có cố gắng thế nào, mọi thứ cũng sẽ không diễn ra suôn sẻ.
Khi thành lập công ty Kyocera, ông Inamori thừa nhận rằng mục đích của ông là đưa công nghệ của mình ra thế giới. Để đạt được mục tiêu này, trong những ngày đầu khởi nghiệp, toàn bộ công ty đã phải làm việc cả ngày lẫn đêm.
Cứ như vậy, tới năm thứ 3, công ty đã xảy ra một chuyện lớn.
Hơn một chục nhân viên chủ chốt đột nhiên gửi "thư yêu cầu" tập thể, nói rằng nếu họ không được đáp ứng các yêu cầu về cải thiện lương và đãi ngộ, họ sẽ cùng nghỉ việc.
Sau ba ngày ba đêm nói chuyện với ông Inamori, cơn giận của họ đã được dịu xuống, nhưng cũng chính vấn đề này đã khiến ông phải nghĩ lại xem mục tiêu xây dựng công ty của mình là gì.
Cuối cùng, sau khi suy nghĩ thấu đáo, ông đã đi đến kết luận rằng sự tồn tại của công ty không phải là để thực hiện tham vọng cá nhân của mình ông, mà là để đảm bảo cuộc sống của nhân viên và mang lại cho họ một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc. Đây là nhiệm vụ của công ty, và đây là ý nghĩa của quản lý kinh doanh.
Do đó, trong hoạt động tiếp theo, ông đã xác định lại sứ mệnh của công ty: theo đuổi hạnh phúc vật chất và tinh thần của tất cả nhân viên.
Sau khi thay đổi triết lý kinh doanh từ "lợi ích cá nhân" sang "lợi người", Kyocera đã tỏa ra sức sống đáng kinh ngạc, bởi vì được công nhận và quan tâm, tất cả nhân viên đều làm việc chăm chỉ hơn để đóng góp cho doanh nghiệp.
Bất kể quy mô của vấn đề có lớn hay nhỏ, chỉ cần bạn hành động vì lợi ích của người khác, ngay cả khi trong quá trình có xảy ra khó khăn, thì cuối cùng bạn cũng sẽ nhận lại được kết quả tốt. Và theo thời gian, may mắn sẽ ngày càng tới tấp hơn.
03
"Bí quyết" thành công là không bao giờ từ bỏ
Chỉ cần bạn có một khát khao mãnh liệt, và kiên trì nó, không bao giờ từ bỏ, thì ngay cả những điều được coi là không thể tại thời điểm đó, cuối cùng rồi cũng sẽ trở thành hiện thực.
Sau khi Kyocera tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ, để tiếp tục đạt được sự phát triển bền vững, ông Inamori quyết định phát triển công nghệ mới mang tên Crescent vert.
Do sự cạn kiệt của ngọc lục bảo thô, trong khi các sản phẩm trên thị trường có chất lượng kém nhưng giá thành lại cao, họ đã nhắm tới việc sản xuất ngọc lục bảo kết tinh nhân tạo.
Sau khi bắt tay vào làm, họ mới phát hiện ra đây là một công việc vô cùng khó khăn.
Mặc dù nghiên cứu và phát triển hàng ngày, các tinh thể đá quý đã không đạt được tiến triển nhỏ nhất và hầu hết chỉ có thể tạo thành các tinh thể siêu mịn có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi.
Mặc dù vậy, họ vẫn không từ bỏ, "thử lại, dù chỉ là một bước tiến nhỏ", sau khi đầu tư một lượng lớn chi phí kinh tế và con người, họ vẫn chỉ tạo ra được những kết tinh nhỏ như hạt gạo.
Mặc dù tiến độ vô cùng chậm chạp, thậm chí gần như không trông thấy hi vọng, nhưng ông Inamori luôn khuyến khích nhân viên: "Mặc dù hiện tại chỉ có thể tạo ra các tinh thể nhỏ, nhưng nếu cuối cùng chúng ta thành công, chúng ta có thể đạt được những thành tựu chưa từng có trên thế giới. Khả năng của con người là vô hạn, chúng ta hãy nhìn vào khả năng của mình và tiếp tục đón nhận thách thức! "
Từ một viên đá thô kết tinh thành công thành một viên ngọc lục bảo đạt đến cấp độ đá quý, tất cả quá trình mất 7 năm.
Mục tiêu có càng khó khăn càng có thể phát huy tối đa nhiệt huyết và khả năng của những người tham gia, đồng thời biến "không thể" thành "có thể" - đây là sức mạnh của "khát vọng".
Nói giông nói dài, suy cho cùng, tất cả mọi thành công đều quy về một chữ "tâm", đây là điều mà ông Inamori dùng cả đời mình để tổng kết lại.
"Tâm" mà Inamori Kazuo đề cập tới ở đây là cái "tâm" trong cầu tiến, khiêm tốn, lợi người hay sự kiên trì, lạc quan, nhưng hơn hết đó là một cái tâm lương thiện.
Inamorri Kazuo dùng kinh nghiệm cả đời để nói với chúng ta rằng, bất kể có ở trong hoàn cảnh khó khăn tới đâu, cũng đừng thỏa hiệp, một lòng một dạ, cố gắng hết sức để trau dồi "trái tim lương thiện" của mình nhiều nhất có thể. Chỉ cần bạn làm điều này, số phận của bạn chắc chắn sẽ được cải thiện và một cuộc sống hạnh phúc chắc chắn sẽ đến.
Muốn có được một cuộc đời thành công, hãy bắt đầu từ việc đọc chính cái "tâm" của mình.