Cuối năm mở sổ ghi nợ, đắng: Nếu có người hỏi vay tiền, đừng cho vay, hãy CHO LUÔN họ!

21/01/2022 17:09 PM | Sống

"Tiền một khi đã ra khỏi túi mình thì sẽ không còn là của mình nữa" – bạn sẽ thực sự thấm thía câu nói nay khi cho người khác vay tiền. Dù có thân quen đến mấy đi nữa, hễ đã cho vay tiền thì cứ xác định là mất luôn!

Câu chuyện có thật về cậu bạn tôi là bài học cảnh tỉnh không bao giờ thừa dành cho những người cả nể, ngại từ chối khi bị vay mượn tiền bạc.

_ _ _ 

Tôi và Kỉ Lam là bạn thân, cũng là đối tác làm ăn. Đã 15 năm nay, mỗi dịp cuối năm, chúng tôi đều ngồi uống trà với nhau như một nghi thức để tổng kết năm cũ với những công vụ, thành quả và cả thất bại. Cái Tết này, như thường lệ, chúng tôi cũng nói về rất nhiều buồn vui, nhưng Kỉ Lam hơi kì lạ. Anh cho tôi xem một quyển sổ ghi chép mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Trong đó, Kỉ Lam ghi chép tên của khá nhiều người, trong đó có một số là bạn chung mà chúng tôi cùng quen biết; bên cạnh mỗi cái tên là một con số kèm theo ngày tháng.

Khi tôi còn chưa hết tò mò, ngạc nhiên, thì Kỉ Lam cười, giải thích: Đây là cuốn sổ ghi lại những nỗi buồn và mất mát của anh – sổ ghi nợ. Tất cả những người có tên trong sổ này là người mà Kỉ Lam đã từng cho vay, và đến nay chưa trả. Người ít thì vài triệu, người nhiều thì vài chục triệu tới cả trăm triệu. Với người làm ăn lớn như Kỉ Lam, số tiền ấy chả đáng là bao, nhưng nếu cộng tất cả những con số lại thì kết quả rất "khổng lồ". Ước tính, với tổng số tiền ấy, tôi và Kỉ Lam có thể làm được rất nhiều việc để nâng cấp hoạt động của nhà máy mà chúng tôi đang đồng sở hữu.

Cuối năm mở sổ ghi nợ, đắng: Nếu có người hỏi vay tiền, đừng cho vay, hãy CHO LUÔN họ! - Ảnh 1.

Tôi hỏi Kỉ Lam tại sao anh lại cho nhiều người vay như vậy? Vay mà không trả có khác nào bị lừa tiền đâu? Kỉ Lam chỉ cười buồn, nói rằng những người này đều từng là bạn anh, có người còn là họ hàng thân thiết. Khi hỏi vay tiền của anh, chắc chắn họ cũng rất khó khăn: có người thì vay để chi trả viện phí cho cha mẹ; có người vay để đóng tiền học cho con... toàn những lý do chính đáng và không dễ gì có thể từ chối. Kỉ Lam nói rằng nếu không cho người ta vay tiền, anh sẽ gặp rất nhiều chuyện phức tạp: họ hàng ở quê sẽ truyền tai nhau rằng anh là kẻ vô ơn bạc nghĩa, giàu có thì khinh khi người nghèo; hay anh là một kẻ "không có trái tim". Nhưng phần lớn mọi người, khi vượt qua được khó khăn nhất thời lúc đó, đều quên mất nghĩa vụ phải trả nợ.

Đa số mọi người đều cho rằng khoản tiền đó chẳng đáng là bao so với tài sản của Kỉ Lam, nhưng là một người "kề vai sát cánh" với anh trong chuyện làm ăn từ thuở hàn vi, tôi biết rằng tất cả cơ ngơi, sự nghiệp hiện nay của Kỉ Lam đều có được nhờ vào bản tính tiết kiệm, biết cân đối chi tiêu của anh. Dù là ông chủ lớn, nhưng Kỉ Lam vô cùng giản dị, không mặc đồ hiệu, xe hơi cũng là loại xe phổ biến. Thật sự bất công khi biết rằng anh đã phải dành một khoản tiền không nhỏ cho vay để rồi… mất trắng. Trong khi đó, những người vay mượn tiền của anh lại sống rất thoải mái, thường xuyên khoe cảnh mặc đồ hiệu, đi xe sang lên mạng xã hội.

Với bản tính kín đáo và lịch thiệp, Kỉ Lam chưa bao giờ đòi nợ ai một cách gắt gao. Dù mọi người, khi đến vay nợ, đều tỏ ra rất "sòng phẳng", có vay có trả, bằng cách hẹn ngày, có người còn mang theo cả giấy đảm bảo đã kí tên… nhưng phần lớn đều quá hạn mà không hề ý kiến gì. Kỉ Lam nhắc nợ rất khéo léo, thường chỉ là những câu thăm hỏi để mọi người tự nhớ ra khoản nợ, nhưng rất ít người "tự giác". Có người trả lời qua loa cho xong câu chuyện, có người thì thẳng thừng chặn điện thoại… để không phải trả nợ. Bởi vậy mà danh sách trong cuốn sổ của Kỉ Lam vẫn rất dài.

Cuối năm mở sổ ghi nợ, đắng: Nếu có người hỏi vay tiền, đừng cho vay, hãy CHO LUÔN họ! - Ảnh 2.

Là một người làm ăn, tất nhiên Kỉ Lam luôn biết rằng một khi đã ra khỏi túi thì không còn là tiền của mình nữa. Và một khi đã cho vay, thì luôn xác định là "một đi không trở lại". Những người vay tiền mà không trả hoặc không trả đúng hạn cũng đừng mong sẽ vay được thêm lần thứ hai. Tuy nhiên, người buồn nhất lại chính là người cho vay tiền: vừa mất tiền, vừa mất luôn cả họ hàng hay bạn bè thân thiết.

Sau ngày hôm nay, Kỉ Lam nói với tôi rằng, anh sẽ không tiếp tục cho vay nữa. Nếu có ai hỏi vay tiền, anh sẽ thẳng thừng từ chối. Ngược lại, anh sẽ cho luôn họ số tiền mà họ cần, còn nếu như nó quá lớn, anh sẽ cho họ một phần, nếu thiếu, họ có thể tìm vay người khác. Theo Kỉ Lam, đó là một phương án tiêu cực nhưng "an toàn" cho cảm xúc và các mối quan hệ của anh. Nhiều người không hiểu sẽ vội vàng tự ái, cảm thấy tổn thương… nhưng tôi thì rất rõ, Kỉ Lam làm vậy vì không muốn tiếp tục phải cho thêm tên ai vào "danh sách đen" của mình.

Hoa Chanh

Cùng chuyên mục
XEM