"Cuộc chiến vương quyền" đang hủy hoại môi trường Iceland như thế nào?
Du lịch là một ngành nghề hái ra tiền trên thế giới với những ví dụ điển hình như Thái Lan hay Dubai. Tuy nhiên, một trong những khu du lịch nổi tiếng thế giới hiện nay lại đang đau đầu vì có quá nhiều du khách.
Mới đây, chính phủ Iceland đang xem xét nâng thuế ngành du lịch do lượng lớn du khách đổ về đây làm quá tải hệ thống dịch vụ và cơ sở hạ tầng cũng như gây ô nhiễm môi trường. Động thái này có thể khiến các tour du lịch vào xứ sở thần tiên này tăng cao thêm nữa.
“Ngành du lịch và Iceland cần phải cẩn thận để không trở thành nạn nhân của chính thành công của mình”, Bộ trưởng du lịch Iceland, bà Thordis Kolbrun Reykfjord Gylfadottir nói.
Đồng nội tệ rẻ cùng với sự nổi tiếng của serie phim “Cuộc chiến vương quyền” (Game of Thrones) đã thúc đẩy làn sóng du khách đến Iceland. Lượng du khách đổ về đây đã tăng từ 490.000 người năm 2010 lên 2,3 triệu du khách từ đầu năm đến nay. Con số này là vô cùng lớn nếu so sánh với tổng dân số 340.000 người tại Iceland.
Lượng du khách đổ về Iceland đã tăng 36,8% vào tháng 6/2016 so với cùng kỳ năm trước
Hiện ngành du lịch đang đem lại 45% lượng ngoại hối, tương đương 560 tỷ Kronur (5,1 tỷ USD) từ đầu năm đến nay và trở thành nguồn thu ngoại tệ chính của Iceland. Dẫu vậy, Bộ trưởng Gylfadottir lo ngại rằng việc có quá nhiều du khách sẽ làm xói mòn chất lượng dịch vụ cũng như ô nhiễm môi trường nơi đây.
“Một số khu vực danh lam thắng cảnh không chịu nổi được lượng du khách 1 triệu người mỗi năm. Nếu chúng ta tiếp tục như vậy, Iceland sẽ mất dần sức thu hút đối với khách du lịch bởi môi trường là thứ đặc biệt tạo nên hình ảnh cho đất nước và thu hút du khách”, bà Gylfadottir cho biết.
Hiện chính phủ Iceland đang cân nhắc 1 số biện pháp như buộc các công ty tổ chức tour hoặc những hãng cung cấp xe du lịch phải đóng thêm lệ phí. Một lựa chọn nữa là nâng lệ phí du lịch của các khách sạn.
Số liệu chính thức cho thấy thuế và lệ phí khách sạn đã đem về cho Iceland 400 triệu Kronur trong năm 2016 và có thể đem về tới 1,2 tỷ Kronur trong năm nay.
Trước đó, chính phủ Iceland đã không thể thông qua quy định bắt tất cả các du khách trong và ngoài nước đóng khoản phí 14 USD khi đến thăm các cơ sở danh lam thắng cảnh.
Sự phục hồi khó khăn
Nền kinh tế Iceland đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008 với 4,2% trong quý I/2016. Trong khi đó, du khách đã chi tiêu tới 26 tỷ Kronur (212 triệu USD) tính đến tháng 6/2016 khi tới Iceland. Con số này là 2,4 tỷ USD vào năm 2015, tương đương 21% GDP và tăng 33,5% so với năm 2014.
Lượng chi tiêu của du khách tại Iceland cao gấp đôi số tiền người Iceland tiêu tại nước ngoài (triệu Kronur)
Trong năm 2016, ngành du lịch đã tuyển dụng 24.600 người tại quốc gia này, tăng mạnh so với mức 3.900 người của năm 2015 và chiếm 13,7% tổng lao động toàn quốc. Ngành du lịch cũng đã thúc đẩy sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng, qua đó tác động tích cực đến những ngành khác cũng như thị trường tiêu dùng.
Năm 2016, nền kinh tế Iceland tăng trưởng 7,2% trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3%, thấp hơn rất nhiều so với mức 9% thời kỳ hậu khủng hoảng.
Theo nhiều chuyên gia, do không nằm trong khối đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) nên Iceland có nhiều lợi thế để hạ giá đồng nội tệ hơn Hy Lạp và Ireland. Đây là một trong những lý do khiến du khách đến Hy Lạp và Ireland đông nhưng nền kinh tế vẫn không được hưởng lợi nhiều.
Iceland là một nền kinh tế mở với sự chuyển đổi chính sách nhanh chóng giúp tăng trưởng phục hồi. Mặc dù đồng Kronur giảm giá nhưng đây vẫn là 1 trong 5 đồng tiền có thành tích tốt nhất từ đầu năm đến nay so với nhiều đồng tiền khác.
Do không can thiệp nhiều vào thị trường vốn nên nhiều nhà đầu tư đang đổ vào Iceland trước làn sóng du lịch. Tuy nhiên, việc có quá nhiều dòng vốn chảy vào Iceland đang khiến đồng Kronur mạnh lên và điều này sẽ làm xói mòn sức hút của thị trường Iceland. Từ đầu năm đến nay, đồng Kronur đã tăng giá 19% so với đồng Euro và 15% so với đồng USD.
Đồng Kronur bắt đầu tăng giá so với Euro và USD sau thời kỳ giá rẻ.
Bên cạnh đó, chất lượng du lịch đi xuống đang khiến chính phủ Iceland phải đau đầu. Rất nhiều khu danh lam thắng cảnh của Iceland hiện giờ chỉ để chụp ảnh bởi du khách không còn có được những trải nghiệm như trước đây. Nhiều khu vực thiên nhiên hay thảm thực vật của Iceland đã bị du khách làm hỏng, qua đó gây xói mòn mỹ quan.
Ngoài ra, việc thiếu cơ sở hạ tầng khiến tình trạng ô nhiễm môi trường, vứt rác bừa bãi cũng khiến hình ảnh quốc gia này trở nên tiêu cực trong mắt du khách. Việc có quá đông du khách đến Iceland cũng gây mất trật tự xã hội với các vụ tai nạn giao thông, say xỉn, gây ồn ào và ảnh hưởng cuộc sống người bản địa.
Đặc biệt, sự tăng trưởng nóng của ngành du lịch đang khiến một số ngành truyền thống của Iceland chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Vào thập niên 1970, Iceland đã cố gắng bảo vệ quyền lợi của ngư dân quốc gia mình với những người đồng nghiệp đến từ Anh. Giờ đây, chính phủ nước này lại phải đứng ra một lần nữa để bảo vệ ngành đánh bắt cá trước làn sóng du lịch ồ ạt.
Lượng lớn du khách đổ về Iceland đã đem lại lợi nhuận vô cùng lớn cho quốc gia này nhưng chúng cũng khiến lượng lớn ngư dân nơi đây băn khoăn có nên theo nghề đánh cá nữa không. Iceland vốn là nước xuất khẩu cá hàng đầu Châu Âu nhưng họ lại đánh bắt theo mùa vụ và chính điều này khiến một lượng lớn lao động nhàn rỗi trong những thời gian khác của năm.
Ngành du lịch đã vượt ngành đánh bắt cá để trở thành nguồn thu ngoại tệ chính của Iceland (kim ngạch xuất khẩu tỷ Kronur)
Hiện ngư dân tại Iceland chiếm tới 5% tổng lao động toàn quốc nhưng giờ đây ngành này đã không còn là nguồn thu ngoại tệ chính của đất nước.