Cuộc chiến việc làm giữa thế hệ già và trẻ ở Hàn Quốc

26/06/2017 08:22 AM | Kinh tế vĩ mô

Mới đây, tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,6% do Hàn Quốc công bố đã nhận được nhiều lời khen ngợi của giới truyền thông, nhưng đằng sau con số này là cả một thử thách lớn lao cho chính quyền Seoul.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Tổng thống mới đắc cử Moon Jae-in đã tập trung nhấn mạnh vào công ăn việc làm cũng như mức tiền lương của người dân trong chiến dịch tranh cử của mình. Theo Tổng thống Moon, sự bất bình đẳng trong thu nhập là trở ngại cho việc xây dựng một nền kinh tế dân chủ.

Hiện nay, khoảng 1/3 số lao động Hàn Quốc làm những công việc tạm thời hoặc bán thời gian, có mức lương thấp cũng như ít quyền lợi bảo hiểm xã hội.


Người có việc làm bán thời gian ngày càng có thu nhập kém hơn lao động ổn định tại Hàn Quốc (triệu Won)

Người có việc làm bán thời gian ngày càng có thu nhập kém hơn lao động ổn định tại Hàn Quốc (triệu Won)

Báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã nhấn mạnh việc Hàn Quốc cần giải quyết sự bất bình đẳng trong thu nhập của người dân bằng cách gia tăng số việc làm toàn thời gian trên thị trường lao động.

Giới trẻ Hàn hiện nay là những nạn nhân chịu tác động mạnh nhất trên thị trường lao động khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước này đạt mức cao kỷ lục trong năm 2016 trước khi giảm xuống mức 9,6% vào tháng 5/2017.

Mặc dù vậy, gần 50% số thanh thiếu niên được tuyển dụng tại Hàn làm những công việc bán thời gian hoặc tạm thời. Tồi tệ hơn, sinh viên mới tốt nghiệp tại Hàn có nguy cơ thất nghiệp thuộc hàng cao nhất trong số thanh thiếu niên hiện nay.


Rủi ro thất nghiệp khá cao của nhóm sinh viên mới tốt nghiệp tại Hàn Quốc

Rủi ro thất nghiệp khá cao của nhóm sinh viên mới tốt nghiệp tại Hàn Quốc

Hầu hết giới trẻ ngoài 20 tuổi tại Hàn Quốc hiện nay đang phải từ bỏ các mối quan hệ yêu đương, kết hôn hay sinh con để tập trung cho sự nghiệp ngày một khó khăn. Chính điều này đã khiến suy nghĩ cũng như quan điểm của 2 thế hệ già-trẻ tại Hàn Quốc ngày một chia rẽ, gây ra nhiều mâu thuẫn trong xã hội.

Bên cạnh đó, thế hệ lớn tuổi tại Hàn cũng có khó khăn riêng của họ khi họ đối mặt với nguy cơ nghỉ hưu sớm vào tầm ngoài 50 tuổi để nhường chỗ cho những người trẻ hơn. Dẫu vậy, nhiều lao động lớn tuổi không có tiền tiết kiệm và họ chấp nhận làm những công việc ở vị trí thấp hơn, đãi ngộ ít hơn để duy trì thu nhập.

Số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy tầng lớp lao động ngoài 66 tuổi tại Hàn Quốc là những nhân viên nghèo nhất trong số 30 thành viên của tổ chức này.


Tỷ lệ người già lao động bán thời gian của Hàn Quốc cao nhất trong OECD

Tỷ lệ người già lao động bán thời gian của Hàn Quốc cao nhất trong OECD

Hơn nữa, việc các lao động nghỉ hưu Hàn chấp nhận làm các công việc ở vị trí thấp hơn khiến nhiều lao động trẻ bị mất cơ hội và gây nên những xung đột thầm lặng trong xã hội.

Trước tình hình này, Tổng thống Moon đã cam kết sẽ tạo ra 810.000 việc làm mới trong nền kinh tế công. Chính quyền Seoul cũng đã chi 9,9 tỷ USD ngân sách nhằm hỗ trợ tạo thêm 110.000 việc làm cho thị trường.

Dường như nhà lãnh đạo mới của Hàn Quốc đang rất quyết tâm trong việc giải quyết vấn đề việc làm khi lắp ngay 2 màn hình lớn hiển thị thông số của thị trường lao động trong văn phòng mình ngay những ngày đầu nhiệm kỳ.

BT

Cùng chuyên mục
XEM