Cũng nhảy vào tài chính tiêu dùng, MB liệu có kiếm được “gà đẻ trứng vàng” hay lại phải canh cánh với nỗi lo nợ xấu?

07/07/2017 19:31 PM | Kinh doanh

Theo nhận định của các chuyên gia, nợ xấu của công ty tài chính có thể ở hai con số nếu như hoạt động quản lý rủi ro không tốt.

Dù mới phát triển nhưng tài chính tiêu dùng đang ngày càng khẳng định nó thực sự là mảnh đất màu mỡ, là “gà đẻ trứng vàng” cho những ai đang sở hữu một công ty tài chính.

Những ngân hàng đang và sắp cho ra đời công ty tài chính ắt hẳn phải thèm khát khi nhìn sang cặp đôi VPBank - Fe Credit. Chỉ tính riêng quý 1 năm nay, VPBank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.924 tỷ đồng – dẫn đầu hệ thống, trong đó ngân hàng mẹ VPBank chỉ đóng góp 814 tỷ đồng, phần còn lại chủ yếu thuộc về Fe Credit với hơn 1.000 tỷ. Trước đó trong năm 2016, VPBank hợp nhất lãi hơn 4.900 tỷ thì hơn một nửa số này cũng nhờ vào FE.

Miếng ngon không dễ xơi

Nhìn VPBank “ngồi mát ăn bát vàng”, các ngân hàng có công ty tài chính khác ắt hẳn cũng đang hình dung về một tương lai tươi sáng. Và MB cũng không là ngoại lệ. Cuối tháng 12 năm ngoái, ngân hàng này đã ra mắt công ty tài chính MB (MCredit) với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Cũng như các đàn anh đàn chị đi trước, MCredit tập trung phát triển hai mảng hoạt động chính là cho vay tiền mặt và cho vay trả góp hướng tới phân khúc khách hàng có thu nhập khiêm tốn với thủ tục xét duyệt hồ sơ đơn giản, nhanh chóng.

Theo Thượng tướng Lê Hữu Đức, chủ tịch HĐQT MB, mục tiêu chiến lược của MB trong giai đoạn 2016 -2020 là hướng tới trở thành một tập đoàn tài chính đa năng, uy tín hàng đầu tại Việt Nam, trong đó ngân hàng mẹ là trung tâm, các công ty thành viên là vệ tinh. Với tiềm năng rất lớn của thị trường tài chính tiêu dùng cung tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 20 – 30%, theo ông Đức, việc thành lập Mcredit giúp MB hiện thực hóa mục tiêu chiến lược này.

Sau khi ra mắt MCredit, MB đã liên kết với Shinsei của Nhật bằng việc bán 49% vốn, dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2017. Theo vị lãnh đạo phụ trách MCredit, mục tiêu ngay năm 2017 công ty sẽ nâng vốn lên 800 tỷ đồng và năm 2021 sẽ có số lượng khách hàng tính bằng đơn vị triệu người.

Tất nhiên, đó là dự đoán và là mục tiêu đưa ra. Nhưng mọi sự cũng chẳng hề đơn giản như kỳ vọng.

Theo báo cáo mới đây của công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), thị trường tài chính tiêu dùng đúng là hấp dẫn với NIM trung bình 20% (gấp khoảng 7 lần so với ngành ngân hàng), mức tăng trưởng bình quân 30% nhưng lại hạn chế đáng kể về quản lý và thi hành, cần tới 3 năm để kiểm chứng. “Thị trường cần tới chu kỳ tín dụng 3 năm để chứng minh được khả năng quản lý rủi ro” – các chuyên gia nhận xét.

Hơn nữa, thị phần đang nằm gần như trọn trong tay của những người đi trước. Báo cáo của VCSC cho thấy chỉ riêng 4 công ty lớn nhất đã nắm giữ hơn 85% thị phần trong đó Fe Credit đang dẫn đầu với 1,4 tỷ đồng tín dụng và thị phần 48,4%, các đối thủ khác là Home Credit nắm 15,7%; HD Saison nắm 12,2% và Prudential năm 8%. Phần còn lại được chia cho khoảng hơn hai mươi công ty, trong đó có những đối thủ dù nhỏ nhưng cũng đáng gườm như Mirae Asset Finance, Jaccs và Toyota Finance…

Là kẻ đến sau, rõ ràng Mcredit của MB dù có “đũa thần” cũng khó mà kiếm được thị phần từ các đối thủ khác. Đó là chưa kể những “kẻ chiến thắng” cũng chẳng dại gì mà ngủ quên, họ thậm chí còn có tham vọng lớn hơn nữa. Kịch bản tươi sáng nhất mà VCSC đưa ra cho Mcredit là nắm 10% thị phần vào năm 2019, bên cạnh các kịch bản khác với thị phần từ 2,5% đến 7,5%.

Lo gánh nặng nợ xấu

Cho vay tiêu dùng với bản chất là cho vay dưới chuẩn và không được các ngân hàng chấp thuận, nhưng phân khúc khách hàng này lại rất lớn nên các công ty tài chính nhảy vào đã góp phần khỏa lấp những nhu cầu cấp thiết về vốn. Các nhu cầu vay tài chính tiêu dùng chủ yếu phục vụ tiêu dùng cá nhân và sinh hoạt (chiếm hơn 42%); hàng hóa gia dụng (khoảng 28%) và phương tiện giao thông (19,6%)…Năm 2016, tăng trưởng về cho vay phương tiện giao thông và sửa chữa nhà ở tăng 42% trong khi vay tín chấp tăng 60%.

Và bởi vì cho vay dưới chuẩn nên tỷ lệ nợ xấu của nhóm này khó có thể thấp. Theo báo cáo của Fe Credit, nợ xấu của công ty này trong năm vừa qua ở mức gần 5,7% (hơn 1.600 tỷ), khiến cho nợ xấu của ngân hàng VPBank hợp nhất cũng bị vượt mức trần 3% mà NHNN đặt ra cho các ngân hàng, tới 3,5%. Nếu không tính Sacombank là trường hợp đang tái cơ cấu thì nợ xấu của VPBank khi cõng FE đã ở mức cao nhất trên thị trường.

Thậm chí theo nhận định của các chuyên gia, nợ xấu của công ty tài chính có thể ở hai con số nếu như hoạt động quản lý rủi ro không tốt. Nhưng vì lợi nhuận lớn, các công ty tài chính vẫn chấp nhận nợ xấu và lãi suất cao để bù đắp, phổ biến khoảng 30%/năm và có thể cao hơn gấp đôi như thế nếu cộng thêm phần lãi phạt trả chậm.

Và cũng bởi các điều kiện cho vay dễ dãi nên nợ xấu cũng rất dễ phát sinh. Để tránh việc khách hàng quỵt nợ, các công ty tài chính nhiều khi còn dùng biện pháp “khủng bố” khách hàng để đòi nợ khiến người vay sợ hãi phải cầu cứu lên Cục quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương. Số liệu ghi nhận cho thấy có 80% khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng gửi về Cục thời gian qua là liên quan đến tín dụng tiêu dùng.

Để ngăn chặn hành vi đòi nợ phản cảm của nhóm các công ty tài chính, NHNN đã phải ban hành thông tư 43/2016 trong đó có quy định rõ về việc thu hồi nợ. Theo đó, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phải phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật và thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng.

Trở lại với câu chuyện của MB và MCredit, tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng là không thể phủ nhận nên những kỳ vọng của ngân hàng này từ khi mới khai sinh ra công ty tài chính cũng không phải không có cơ sở. Tuy nhiên bên cạnh những điều nhìn thấy, nghe thấy và có thể hình dùng thì còn rất nhiều những khó khăn phải vượt qua. Các chuyên gia khuyến cáo, nắm 51% cổ phần không có nghĩa là ngân hàng này góp 51% vốn (có thể thấp hơn nhiều) thì MB cũng cần phải dự phòng những rủi ro liên quan đến MCredit.

Theo Ngọc Toàn

Cùng chuyên mục
XEM