20 năm sau khủng hoảng tài chính châu Á: Những bài học đã bị lãng quên?

02/07/2017 09:25 AM | Kinh tế vĩ mô

2 thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và 9 năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, Bắc Kinh đang phải suy nghĩ lại về thói quen vay mượn quá đà của khu vực kinh tế tư nhân.

Năm 1997, người Hàn Quốc khá kiêu ngạo nhưng là bởi họ có những lý do chính đáng. Trong suốt 30 năm, quốc gia Đông Á này luôn được coi là 1 kỳ tích trong lịch sử kinh tế thế giới khi đã “biến hình” từ 1 vùng đất nghèo khó tan hoang sau chiến tranh thành 1 cường quốc công nghiệp. Kinh tế Hàn Quốc không hoàn hảo: các tập đoàn lớn vay nợ quá nhiều để rồi lại đầu tư vào những dự án kém hiệu quả. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, Hàn Quốc bỏ qua những rắc rối này, bởi tương lai vẫn rất xán lạn.

Nhưng sự thực đã không diễn ra như vậy. Ngày 2/7/1997, cách đây đúng 20 năm, Thái Lan quyết định thả nổi đồng baht. Trong bối cảnh thị trường vốn đã rất lo lắng trước tình trạng đồng tiền này sụt giá quá mạnh, động thái của Thái Lan ngay lập tức thổi bùng lên khủng hoảng tài chính ở châu Á . “Cơn bão” càn quét qua Thái Lan, Malaysia, Indonesia và cuối cùng đã chạm tới Hàn Quốc. Kết quả là ở Hàn Quốc xuất hiện 1 làn sóng phá sản, kéo theo các ngân hàng sụp đổ. Hàn Quốc phải cầu cứu 1 gói cứu trợ đáng xấu hổ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Lịch sử đã chứng minh một thông điệp hết sức rõ ràng: dù mạnh khỏe đến đâu, không có nền kinh tế nào miễn nhiễm với khủng hoảng tài chính nếu như các nhà hoạch định chính sách của nó không thể kiểm soát rủi ro.

Người viết bài này vẫn nhớ như in cuộc khủng hoảng 1997 bởi đã tận mắt chứng kiến nó với tư cách là 1 phóng viên ở Seoul, bị vây quanh bởi sự hỗn loạn, mất phương hướng và cả những khổ đau. Đó là cả 1 xã hội đã làm việc không ngừng nghỉ để thoát khỏi đối nghèo nhưng cuối cùng vẫn bất lực nhìn thành quả “bốc hơi”. Những bà nội trợ quyên góp cả số đồ trang sức đã tích trữ cả đời trong nỗ lực giải cứu đất nước. Những người đàn ông vốn là trụ cột của gia đình trong những bộ vest tối màu vật vờ ở công viên vì không dám trở về nhà để nói với gia đình rằng mình đã bị sa thải. Mọi thứ diễn ra quá nhanh đến nỗi cảm thấy bị sốc là điều khó tránh khỏi.

20 năm sau, dường như bài học nói trên đã bị lãng quên. Bị lu mờ bởi cơn bão xuất phát từ phố Wall năm 2008, thậm chí khủng hoảng tài chính châu Á nay giống như một trang sử quá cũ kỹ. Tuy nhiên, đây là 1 điều không may mắn cho kinh tế thế giới, bởi sự kiện năm 1997 vẫn đem lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá về khủng hoảng nợ, chúng đã xảy ra như thế nào cũng như cách phòng tránh chúng. Bỏ qua bài học này, kinh tế thế giới lại một lần nữa hết sức mong manh trước những hậu quả khủng khiếp của khủng hoảng tài chính.

Có thể vạch ra một vài nguyên nhân gây ra khủng hoảng tài chính. Thứ nhất, nợ tăng quá nhanh luôn luôn là thứ nguy hiểm dù ở trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Thứ hai, nguyên nhân khiến nợ chất đống là do những lỗ hổng trong nền kinh tế đã bị bỏ qua hoặc không được giải quyết triệt để. Thứ ba, luôn luôn có những chuyên gia uy tín cho rằng núi nợ ấy không nguy hiểm như trong lịch sử nhưng cuối cùng thì họ đã sai.

Hãy áp dụng các nguyên nhân này vào trường hợp Hàn Quốc năm 1997. Đầu tiên, nợ của khu vực tư nhân đã tăng quá nhanh so với GDP. Đến giữa năm 1997, tỷ lệ nợ tư nhân/GDP đã lên tới 149%, tăng 52 điểm phần trăm chỉ trong 1 thập kỷ (ở Thái Lan và Malaysia còn tăng nhanh hơn, lần lượt 99 và 62 điểm phần trăm trong khi ở Indonesia tỷ lệ tăng gấp đôi).

Khối nợ của Hàn Quốc quá lớn một phần là bởi lỗ hổng trong nền kinh tế. Đó là mối quan hệ mờ ám giữa giới chức, ngân hàng và doanh nghiệp, khiến 1 lượng vốn lớn được đổ vào những dự án hoành tráng nhưng thực chất không hiệu quả. Nhưng các nhà quản lý đã nhắm mắt làm ngơ trước rủi ro. Nền kinh tế đang đi đúng hướng, sao phải lo lắng? Đúng là khủng hoảng xảy ra do tác nhân bên ngoài, nhưng nếu không quá chủ quan, Hàn Quốc sẽ không mong manh đến vậy trước 1 cú đánh bất ngờ.

Đáng buồn là lịch sử cho thấy xu hướng này sẽ lặp lại. Nghiên cứu được Capital Economics thực hiện năm 2015 về các khủng hoảng ở thị trường mới nổi kể từ năm 1990 đến nay cho thấy mọi quốc gia có tỷ lệ nợ tư nhân/GDP tăng trưởng hơn 30 điểm phần trăm trong 10 năm gần như sẽ không thể tránh khỏi 1 cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Nếu bài học châu Á được tiếp thu, thảm họa 2008 có lẽ sẽ không xảy ra. Tỷ lệ nợ tư nhân/GDP của Mỹ đã tăng 44 điểm phần trăm trong 10 năm tính đến giữa 2008. Phần lớn số nợ này gắn với các khoản nợ thế chấp có rủi ro cao sinh ra từ thị trường nhà đất. Mức độ rủi ro của chúng đã bị xem nhẹ sau khi được chẻ nhỏ và phát tán ra toàn bộ khu vực tài chính. Ngày nay ai cũng lắc đầu trước câu chuyện ấy, nhưng ở thời điểm 2008 nó được chấp nhận rộng rãi. Toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ đã không được chuẩn bị tốt cho “khoảnh khắc Lehman”.

Chưa gục ngã nhưng Trung Quốc đang rơi vào tình huống tương tự. Nếu như cuối năm 2007 tỷ lệ nợ/GDP của nước này chỉ là 118%, đến cuối năm 2016 con số đã lên đến 211%, tức tăng 93 điểm phần trăm trong chưa đầy 10 năm. Và nguyên nhân cũng khá giống với Hàn Quốc khi xưa: nguồn vốn không được phân bổ hiệu quả.

Lý do để quả bom nợ ở Trung Quốc chưa “phát nổ” là do phần lớn là khoản vay nội địa. Hơn nữa Chính phủ có thể quản lý chúng vì đó là những khoản vay mà các ngân hàng quốc doanh dành cho các tập đoàn nhà nước.

Nhưng cuộc khủng hoảng ở Hàn Quốc cho thấy thành công trong quá khứ không thể đảm bảo chắc chắn tương lai. Điều gì cũng có thể xảy ra. Chắc hẳn chẳng có ai đoán được đồng baht Thái mất giá có thể tạo ra 1 cuộc khủng hoảng trên toàn châu Á.

Những vụ bắt bớ một số nhân vật tầm cỡ trong giới tài chính gần đây và những động thái nhằm hạ nhiệt tăng trưởng tín dụng cho thấy giới chức Trung Quốc đã nhận thức được sự nguy hiểm. Tuy nhiên, thời gian đã hết. Quả bom nợ ở Bắc Kinh đã đếm ngược quá lâu và tình thế hiện tại khá khó giải quyết.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM