Hồng Kông - Từ "hòn đá cằn cỗi" đến trung tâm tài chính độc nhất vô nhị của thế giới
Từ cuối thế kỷ 19, Hồng Kông đã nổi lên là trung tâm tài chính của châu Á, nơi tập trung trụ sở châu Á của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp lớn. “Xứ cảng thơm” được coi là cánh cổng kết nối Trung Quốc với thế giới.
Năm 1842, sau chiến tranh Nha Phiến, triều đình Nhà Thanh của Trung Quốc ký vào hiệp ước nhượng Hồng Kông cho vương quốc Anh.
Ngày 1/7/1997, lá cờ Trung Quốc lần đầu tiên tung bay trên bầu trời Hồng Kông , chấm dứt thời kỳ kéo dài 156 năm thành phố này là thuộc địa của Anh và mở ra 1 kỷ nguyên mới với mô hình “một quốc gia, hai chế độ” độc nhất vô nhị trên thế giới. Đúng 20 năm sau, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Hồng Kông, trong bối cảnh nhiều thứ đã đổi khác.
Vì sao cột mốc 20 năm có ý nghĩa quan trọng?
Mỗi năm, dịp lễ kỷ niệm ngày Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc vẫn mang lại nhiều cảm xúc. Tuy nhiên năm nay ngày này đặc biệt hơn bởi Trung Quốc chỉ hứa cho phép Hồng Kông “quyền tự trị cao” trong vòng 50 năm. Đến năm 2022, khi người sắp nhậm chức trưởng khu đặc chính Hồng Kông Carrie Lam hết nhiệm kỳ, Hồng Kông đã đi được một nửa chặng đường.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm Hồng Kông lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức năm 2012. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Trung Quốc kể từ khi ở Hồng Kông nổ ra những cuộc biểu tình đã khiến 1 phần thành phố đóng cửa năm 2014. Nhiều tháng nay, hàng nghìn cảnh sát đã không ngừng tập luyện để chuẩn bị tốt nhất cho sự kiện, sẵn sàng đối phó nếu có biểu tình.
Vì sao Hồng Kông lại quan trọng?
Vị thế là trung tâm tài chính hàng đầu của Hồng Kông có được một phần là nhờ danh tiếng là nơi an toàn để sinh sống và đầu tư. Thành phố cho thấy rõ ràng Trung Quốc đã thực hiện đúng cam kết về cơ chế hoạt động của Hồng Kông, ví dụ như duy trì hệ thống tòa án độc lập và nhiều cơ chế khác xa so với đại lục.
Hệ thống Basic Law của Hồng Kông giúp bảo tồn hệ thống luật common law của nước Anh, duy trì nhiều quy định có từ thời thuộc địa như quyền sở hữu, quyền tự do phát ngôn hay hệ thống tư pháp độc lập.
Tuyên bố chung Trung-Anh và Luật Cơ bản của Hồng Kông quy định rằng Hồng Kông được hưởng một quy chế tự trị cao cho đến ít nhất là năm 2047 - 50 năm sau khi chuyển giao chủ quyền. Dưới chính sách một quốc gia, hai chế độ, Chính quyền Trung ương chịu trách nhiệm về mặt quốc phòng và ngoại giao của lãnh thổ này còn Hồng Kông thì duy trì phần lớn chế độ chính trị, hệ thống pháp luật, lực lượng cảnh sát, chế độ tiền tệ, chính sách hải quan, chính sách nhập cư, hệ thống xuất bản, báo chí, hệ thống giáo dục của Anh, và các đại biểu trong các tổ chức, đảng phái, và sự kiện quốc tế.
20 năm trôi qua, người đứng đầu Hồng Kông vẫn được chọn lựa bởi 1 hội đồng gồm 1.200 người. Năm 2015, Trung Quốc kêu gọi Hồng Kông cải cách quy chế bầu cử, chuyển sang hình thức phổ thông đầu phiếu nhưng đã vấp phải thái độ phản đối của Hồng Kông.
Hồng Kông tự chủ đến đâu?
Tháng 5 vừa qua, ông Trương Đức Giang, người đứng đầu Quốc hội Trung Quốc, nhân vật đứng thứ 3 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố quan hệ giữa Trung Quốc và Hồng Kông dựa trên “sự ủy thác quyền lực chứ không phải chia sẻ quyền lực” và cảnh báo thành phố này về xu hướng đối đầu với Bắc Kinh.
Trung Quốc ngày càng muốn can thiệp đến Hồng Kông nhiều hơn, đặc biệt đối với những vấn đề được cho là đe dọa an ninh quốc gia. Năm ngoái, Trung Quốc kêu gọi Chính phủ Anh hãy “ngừng can thiệp” vào Hồng Kông. Tháng 11 năm ngoái, cơ quan lập pháp của Trung Quốc đã có động thái chưa từng có tiền lệ khi can thiệp vào 1 phiên tòa ở Hồng Kông.
Điều này có tác động đến kinh tế Hồng Kông?
Dù các doanh nghiệp nước ngoài cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ mọi thay đổi chính sách ở Hồng Kông, thành phố này vẫn luôn là điểm đến hàng đầu của giới kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên, những nỗ lực tăng cường mối liên hệ kinh tế giữa đại lục và Hồng Kông đang gây ra một số áp lực cho cả người Hồng Kông và người nước ngoài ở Hồng Kông.
Những đổi thay ở Hồng Kông trong 20 năm qua:
Kể từ khi được trao trả về Trung Quốc, dân số của Hồng Kông đã tăng từ 6,5 lên 7,4 triệu người, tức 6,790 người trên mỗi km2. Ở những khu vực đông dân nhất như Kwun Tong của Kowloon có tới 57.250 người sống trong mỗi km2, khiến nơi đây cũng trở thành khu vực đông dân nhất trên trái đất.
Từ cuối thế kỷ 19, Hồng Kông đã nổi lên là trung tâm tài chính của châu Á, nơi tập trung trụ sở châu Á của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp lớn. “Xứ cảng thơm” được coi là cánh cổng kết nối Trung Quốc với thế giới.
Kinh tế Hồng Kông không ngừng lớn mạnh với tất cả các ngành du lịch, tài chính và nhà đất đều bùng nổ. Tuy nhiên 20 năm qua cũng chứng kiến mức độ chênh lệch giàu nghèo và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Giá nhà đã tăng từ mức trung bình 770 USD/foot vuông trong năm 1997 lên hơn 1.400 USD.
Những căn hộ cao cấp nhất được bán với giá lên đến 4.895 USD/foot vuông. Hồng Kông cũng là nơi có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới.
Kể từ năm 1997 đến nay, ngành du lịch của Hồng Kông đã tăng trưởng mạnh mẽ, ghi nhận 56,6 triệu lượt khách trong năm 2016 từ mức 10,4 triệu lượt của 20 năm trước. Động lực chính là lượng khách khổng lồ từ đại lục.
Tuy nhiên tài chính vẫn là ngành quan trọng nhất của Hồng Kông. Năm 1969, chỉ số Hang Seng Index ra đời, được coi là “Dow Jones phiên bản Hồng Kông”. Hiện tổng giá trị vốn hóa của chỉ số Hang Seng đạt 1.700 tỷ USD. Nếu như năm 1997, hầu hết những công ty lớn nhất trong chỉ số này là các tập đoàn Hồng Kông, ngày nay các công ty đến từ đại lục chiếm lĩnh top đầu.