Cùng dẫn đầu thị trường xăng dầu, Petrolimex và PV Oil đang kinh doanh ra sao?

26/12/2017 16:57 PM | Kinh doanh

Hiệu quả kinh doanh còn khiêm tốn với mức định giá thấp của PV Oil cũng có thể là cơ hội để nhà đầu tư "mua rẻ" với kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ được cải thiện như Petrolimex đã từng trải qua.

Ngày 25/1 tới đây, PV Oil – doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn thứ 2 cả nước sẽ tiến hành IPO thông qua việc chào bán gần 207 triệu cổ phần (20% vốn điều lệ dự kiến) với giá khởi điểm 13.400 tỷ đồng. Theo phương án cổ phần hóa, nhà nước dự kiến chỉ nắm 35% vốn điều lệ của PV Oil sau cổ phần hóa và bán tới 44,7% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.

Đợt IPO của PV Oil nhận được khá nhiều quan tâm của nhà đầu tư sau khi Petrolimex đã lên sàn rất thành công trong năm nay. Hiện cổ phiếu PLX của Petrolimex đang ở trong trend tăng giá khá mạnh kể từ đầu tháng 11 và kết thúc phiên giao dịch ngày 26/12 ở mức 73.500 đồng – mức giá cao nhất kể từ khi niêm yết, tăng 58% so với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên ngày 21/4.

Tại mức giá này, vốn hóa của Petrolimex hiện đạt hơn 85.000 tỷ đồng – gấp hơn 6 lần so với vốn hóa 13.900 tỷ đồng tính theo giá khởi điểm của PV Oil. Mức chênh lệch này phần nào cũng phản ánh cách biệt rất lớn về quy mô, hiệu quả kinh doanh giữa 2 doanh nghiệp lớn nhất trong ngành kinh doanh xăng dầu.

 Cùng dẫn đầu thị trường xăng dầu, Petrolimex và PV Oil đang kinh doanh ra sao?  - Ảnh 1.

 Cùng dẫn đầu thị trường xăng dầu, Petrolimex và PV Oil đang kinh doanh ra sao?  - Ảnh 2.

Bản công bố thông tin của PV Oil cho biết, hiện đơn vị này nắm giữ 22% thị phần kinh doanh xăng dầu với hệ thống phân phối bao gồm 540 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và 3.000 đại lý. Petrolimex nắm giữ 48% thị phần với 2.400 cửa hàng trực thuộc và cũng có 3.000 đại lý.

Doanh nghiệp đứng thứ 3, Tổng công ty Thanh Lễ với 8% thị phần mới tiến hành IPO vào cuối tháng 10/2017 và hiện đang giao dịch cổ phiếu trên sàn Upcom với mã chứng khoán TLP.

 Cùng dẫn đầu thị trường xăng dầu, Petrolimex và PV Oil đang kinh doanh ra sao?  - Ảnh 3.

Do giá dầu thô giảm kéo theo giá xăng dầu thành phẩm giảm nên doanh thu của Petrolimex cũng như PV Oil đều giảm khá mạnh trong 2 năm 2015 và 2016. Tuy vậy, do giá vốn giảm sâu hơn nên lợi nhuận gộp cũng như biên lợi nhuận gộp của 2 doanh nghiệp xăng dầu này đều cải thiện đáng kể trong giai đoạn này, đặc biệt là đối với Petrolimex.

Nếu như giai đoạn 2013-2014, biên lợi nhuận của PV Oil và Petrolimex tương đương nhau với mức chênh lệch chỉ là 1 điểm phần trăm thì đến nay khoảng cách này đã lên đến 4-5 điểm phần trăm.

 Cùng dẫn đầu thị trường xăng dầu, Petrolimex và PV Oil đang kinh doanh ra sao?  - Ảnh 4.

Với biên lợi nhuận của hoạt động kinh doanh chính tốt hơn cũng như có thêm nguồn lợi nhuận đáng kể từ một số công ty liên kết có hiệu quả cao như liên doanh Castrol BP Petco mà lợi nhuận ròng (LNST trừ đi lợi ích cổ đông thiểu số) của Petrolimex ngày càng áp đảo so với PV Oil.

Tổng lợi nhuận từ năm 2015 đến nửa đầu năm 2017 của PV Oil thậm chí còn chưa đủ bù cho khoản lỗ ròng gần 1.400 tỷ đồng của năm 2014. Tính đến 30/6/2017, PV Oil vẫn còn khoản lỗ lũy kế gần 1.800 tỷ đồng.

 Cùng dẫn đầu thị trường xăng dầu, Petrolimex và PV Oil đang kinh doanh ra sao?  - Ảnh 5.

Hiệu quả kinh doanh còn khiêm tốn với mức định giá thấp của PV Oil cũng có thể là cơ hội để nhà đầu tư "mua rẻ" với kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ được cải thiện như Petrolimex đã từng trải qua.

 Cùng dẫn đầu thị trường xăng dầu, Petrolimex và PV Oil đang kinh doanh ra sao?  - Ảnh 6.

Cổ phiếu Petrolimex tăng gần 60% so với thời điểm lên sàn dù đã tăng rất mạnh trong giai đoạn trước đó


Theo Kinh Kha

Từ khóa:  petrolimex , PV Oil
Cùng chuyên mục
XEM