Petrolimex: Khi voi biết khiêu vũ
Sau tất cả, Petrolimex vẫn là một chú voi to lớn, nó đang bắt đầu vũ điệu của mình, và vũ điệu này sẽ còn rất dài!
Cách đây 1 năm, PLX vẫn đang giao dịch ở sàn OTC với mức giá quanh 30.000 đ/cp. Hiện tại giá của PLX đã gần 70.000 đ/cp với mức sinh lời hơn 100% cho những nhà đầu tư tin tưởng vào doanh nghiệp và nắm giữ tới nay, đây là một phần thưởng vô cùng xứng đáng cho việc phân tích và đầu tư chứng khoán. Một năm sắp đi qua, và việc đánh giá lại danh mục nói chung và từng cổ phiếu nói riêng là một điều vô cùng cần thiết trước khi xác định một chiến lượt cho năm mới. Trong bài viết này tác giả sẽ nói về hoạt động kinh doanh của Petrolimex, một chú voi to… nhưng biết khiêu vũ!
Một năm đi chậm lại để lấy đà cho giai đoạn tăng trưởng mới
Có thể nói 2017 là một năm PLX tìm lại điểm cân bằng trong hoạt động kinh doanh, sau một giai đoạn thăng hoa từ việc hưởng lợi lớn trong chính sách tính thuế nhập khẩu vào giá bán từ cuối 2015 đến hết 2016.
Cụ thể trong giai đoạn này, giá bán ra được cộng thêm tới 16% thuế nhập khẩu đầu vào cố định, trong khi tỷ trọng chính trong giá trị nhập khẩu xăng dầu của PLX lại tập trung ở các khu vực có mức thuế thấp như Hàn Quốc với giá trị thực tế chỉ khoảng 10%.
Đến đầu 2017, áp lực duy trì ổn định lạm phát của Chính phủ đã tước đi lợi thế này của PLX thông qua hình thức tính thuế vào giá bán dựa trên giá trị bình quân gia quyền theo các khu vực nhập khẩu, và con số 16% trong năm trước đã rơi về chỉ còn 10,56% trong quý 1/2017 và đến Q4/2017 con số này chỉ còn 8,56% sau khi Bộ Tài Chính quyết định đưa “mức thuế nhập khẩu 0%” của nhà máy lọc dầu Dung Quốc vào công thức tính thuế bình quân nói trên. PLX đã có một giai đoạn điều chỉnh sâu từ vùng đỉnh 70 về quanh 55, đây cũng chính là quá trình điều chỉnh trong kỳ vọng của nhà đầu tư trước thay đổi này.
Khai tử xăng RON 92 để thúc đẩy nhu cầu sử dụng xăng RON 95
Năm 2018 sắp đến, cá nhân tác giả cho rằng đây sẽ là một năm tạo ra bước ngoặt lớn cho chú voi khổng lồ trong ngành xăng dầu Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà Chính Phủ quyết định khai tử xăng RON 92 và chỉ còn giữ lại một loại thay thế duy nhất là xăng E5 (hay E5 RON 92) kể từ 1/1/2018 với khác biệt lớn nhất nằm ở 5% tỷ trọng ethanol trong cấu phần hóa học ban đầu.
Nếu quan sát kỹ, trong 10 người đi đổ xăng thì chỉ có 1 – 2 người đổ xăng E5, và phần lớn còn lại sẽ chọn xăng RON 92 hoặc RON 95 tùy theo chủng loại xe, thu nhập hoặc đơn giản là thói quen tiêu dùng trước nay. Những ngày cuối năm lấy xe máy dạo một vòng qua các cửa hàng xăng dầu từ Petrolimex, Pvoil, SaigonPetro, Mipec có thể thấy các doanh nghiệp xăng dầu đang bắt đầu triển khai dần hoạt động phân phối xăng E5, có những cây xăng đã thay đổi hoàn thiện các trụ xăng E5 một cách đồng bộ như Petrolimex, nhưng cũng có những cây xăng hiện giờ vẫn chưa thấy chữ E5 ở đâu đó như Mipec. Cảnh “kẻ chạy trước người chạy sau” như lúc này lại tạo ra một bài test rất thú vị để đánh giá xem xăng E5 có được người dân chấp nhận khi các cây xăng khai tử xăng RON92 không.
Và thực tế tại các xây xăng đã triển khai dòng xăng E5, lấy điển hình là cây xăng của PVOil đầu đường Phổ Quang, Quận Tân Bình cho thấy người dùng vẫn chưa thực sự mặn mà với xăng E5 sau khi RON 92 được loại bỏ. Nếu không nói tới các dòng xe có tỷ số nén cao (trên 10:1) như Honda SH, Honda Air Blade, Honda Lead, Yamaha Exciter phù hợp với xăng RON 95, thì có không ít trường hợp những người chạy dòng xe Honda Wave các loại, Honda Future, Yamaha Sirius với dòng máy có tỷ số nén thấp hơn (dưới 10:1) phù hợp với loại xăng RON 92 cũng đã chọn đổ hẳn sang RON 95, thay vì dùng chủng loại thay thế là xăng E5.
Bên cạnh đó, đối với người đi ô tô có động cơ xăng (phân biệt với động cơ diesel), đặt biệt là ô tô gia đình vẫn rất ưa chuộng xăng RON95 hơn vì độ ổn định cũng như sự hiệu quả của dòng xăng này tạo ra cho động cơ. Và ngoại trừ một phần các loại xe liên quan tới dịch vụ taxi cần tiết kiệm chi phí, thì phần còn lại cũng đã chuyển sang dùng RON95.
Tác giả cho rằng xu hướng hành vi tiêu dùng như hiện tại là khó thay đổi nhanh chóng để người dân có thể làm quen với loại xăng E5 (thật ra loại xăng này đã tồn tại trước đó khá lâu nhưng vẫn không có được dấu ấn rõ ràng). Và việc khai tử xăng RON 92 chính là yếu tố thúc đẩy người dân chuyển sang dùng xăng RON95, hơn là vì đạt được mục tiêu ban đầu nhằm tiết giảm khí thải để bảo vệ môi trường thông qua xăng E5.
Khả năng thích nghi làm nên một lợi thế cạnh tranh mới
Trong kinh doanh, ai nhận ra và đáp ứng xu hướng nhu cầu của khách hàng trước sẽ là người dẫn đầu và chiến thắng cuộc chơi. Một điều làm tác giả bất ngờ trong những quan sát gần đây tại các cây xăng của Petrolimex so với những doanh nghiệp khác là: Tỷ lệ các trụ xăng bán RON 95 đã tăng lên đáng kể so với trụ xăng E5, có những trường hợp điển hình như cây xăng của Petrolimex tại ngã tư Lê Văn Sỹ và Trần Quang Diệu thậm chí có hơn 70% tay bơm xăng trên các trụ là RON 95, và chỉ còn vài tay bơm xăng còn lại là E5. Trong khi đó tại những cây xăng như PVOil hay Mipec, tỷ lệ này vẫn gần như là 50:50 như trước đó, và ở mỗi trụ bơm xăng, nếu một bên là bơm xăng RON 95 thì bên còn lại sẽ là RON 92 hoặc E5.
Cũng cần nói thêm rằng, Petrolimex cũng đang định hướng tập trung vào các dòng sản phẩm cao cấp mới như RON 95 với biên lợi nhuận cao hơn, và hiện tại đang là nhà phân phối duy nhất đạt chuẩn Euro IV/V tại Việt Nam. Dòng xăng này hiện đang chiếm 28% tổng sản lượng xăng của PLX, và tác giả kỳ vọng tỷ trọng này sẽ tăng mạnh lên khoảng 50% trong vài năm tới. Xa hơn, lãnh đạo doanh nghiệp còn muốn định hướng “khác biệt hóa” sản phẩm của mình để tạo ra các sản phẩm xăng dầu mang thương hiệu đặc trưng của Petrolimex, đây là nền tảng để Biên lợi nhuận nói chung của doanh nghiệp tăng trưởng trong tương lai.
Theo tác giả, điều này thể hiện khá rõ sự nhạy bén và uyển chuyển của Petrolimex trong việc nhận ra và thay đổi nhanh chóng đế đáp ứng đúng xu hướng nhu cầu của khách hàng đến từ chính sách mới được đánh giá ở trên. Trong môi trường kinh doanh hiện nay, khả năng thích nghi nhanh chóng với thay đổi bên ngoài được xem là một lợi thế cạnh tranh khá lớn của một doanh nghiệp, điều này càng trở nên đặt biệt quan trọng hơn đối với những doanh nghiệp có quy mô “cồng kềnh” như Petrolimex.
Cốt lõi của chuỗi DNA mang tên “tư nhân hóa”
Lợi thế cạnh tranh nói trên đến từ tầm nhìn và khả năng của ban quản trị, bên cạnh đó là các bước tiến trong việc áp dụng công nghệ mới hỗ trợ cho hoạt động điều hành doanh nghiệp như phần mềm ERP và Egas.
Và một đối tác quan trọng nhất không thể không nhắc đến trong quá trình hình thành nên các lợi thế cạnh tranh cũng như sự nhạy bén của PLX trong những năm qua đó chính là JX Nippon, một mẫu hình dẫn đầu của Petrolimex ở Nhật nói riêng trong hoạt động phân phối xăng dầu với thị phần hơn 40%.
Nếu xét về sự đối trọng với các “quyền lợi mềm” đến từ đơn vị chủ quản nhà nước là Bộ Công Thương, thì JX Nippon chính là cốt lõi trong chuỗi DNA tạo nên một Petrolimex mang chất “tư nhân” hơn rất nhiều. Đây cũng là động lực thúc đẩy PLX phải chi hàng nghìn tỷ để cải tạo lại bộ mặt cho hơn 5.000 chi nhánh phân phối trên cả nước, đây cũng là động lực để PLX phải tập trung quan sát nhu cầu của người tiêu dùng và thay đổi nhanh chóng để đáp ứng đúng lúc, và đây cũng sẽ là động lực thúc đẩy PLX phải thay đổi liên tục để tiếc giảm các loại chi phí nhân công cũng như quản trị không cần thiết và tạo ra giá trị gia tăng cho cổ đông trong tương lai.
Hiện tại JX Nippon đang sở hữu 8% cổ phần của PLX, và với lộ trình thoái vốn của Bộ Công Thương từ 76% về 51% trong giai đoạn 2018 – 2019, sẽ mở ra một cơ hội lớn để JX Nippon gia tăng sở hữu cũng như khả năng tác động và kiến tạo nên tầm nhìn và chiến lược của PLX trong tương lai xa, ví dụ như xây dựng chuỗi các cây xăng thanh toán bẳng thẻ để tiết giảm chi phí nhân công, hoặc phát triển các chuổi bán lẻ tích hợp với vị trí cây xăng để khai thác tối đa tiềm năng từ thị trường bán lẻ với gần 100 triệu dân của Việt Nam.
Đây là một xu hướng vô cùng tích cực cho PLX bởi tính “tư nhân hóa” sẽ ngày một rõ ràng hơn và sức cạnh tranh của PLX theo đó cũng sẽ trở nên vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh, điều đó sau cùng sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho cổ đông.
Các giá trị gia tăng nói trên sẽ được tạo ra xoay quanh nền tảng tăng trưởng sản lượng xăng dầu ổn định và vững chắc hằng năm quanh 7 – 8%/năm theo nền kinh tế. Đây không phải là con số tăng trưởng đáng mơ ước như các doanh nghiệp khác trong ngành bán lẻ nói chung, vì ngay cả khi thu nhập và nhận thức cải thiện cuộc sống của một người tăng lên thì anh ta cũng sẽ không đổ xăng nhiều hơn, nhưng có một điều chắc chắn rằng người ta sẽ mong muốn sử dụng các loại sản phẩm xăng dầu chất lượng hơn, có thương hiệu uy tín và đi kèm với các dịch vụ tiện lợi hơn. Giá trị gia tăng tạo ra sẽ đến từ những điều như vậy, vì Petrolimex là một doanh nghiệp bán lẻ, chứ không chỉ là bán xăng dầu.
Sau tất cả, Petrolimex vẫn là một chú voi to lớn, nó đang bắt đầu vũ điệu của mình, và vũ điệu này sẽ còn rất dài!