Cục trưởng Cục Công nghiệp: Ngành ô tô phải tồn tại trước khi dám nói đến phát triển vì sức ép nhập khẩu rất lớn!

28/11/2019 16:28 PM | Xã hội

Trao đổi bên lề Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ 2019 với báo chí sáng 28/11, ông Trương Thanh Hoài, cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết sản lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng đột biến trong thời gian qua. "Năm nay là năm kỷ lục đối với kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Giá trị dự tính ước khoảng 3 tỷ USD", ông nói.

Hiện tượng xe nhập khẩu tăng mạnh đang được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến sản xuất của ngành ô tô trong nước gặp khó khăn. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này. Bộ Công thương có những giải pháp gì để hỗ trợ?

Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do, trong đó có những cam kết về thuế quan, đặc biệt là Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) cam kết thuế nhập khẩu ô tô về 0% từ 1/1/2018.

Trong bối cảnh đó, năng lực của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nội còn nhiều hạn chế, chi phí sản xuất cao... Như vậy, rõ ràng các sản phẩm nhập khẩu có lợi thế hơn hàng Việt Nam rất nhiều.

Để khắc phục vấn đề này, giải pháp duy nhất là các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh từ đó, giảm giá thành sản phẩm.

Bên cạnh các nỗ lực của doanh nghiệp, Chính phủ cũng sẽ có những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô trong nước giảm giá thành. Cụ thể như chính sách về thuế, tài chính. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá của ngành. Đó chính là yếu tố giúp giảm giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp làm ô tô nội địa.

Vậy những đề xuất hỗ trợ đã được tiến hành đến đâu?

Dựa trên nghiên cứu giữa Bộ Công thương và các nhà sản xuất lắp ráp ô tô Việt Nam – đại diện là VAMA, chúng tôi đã có một số lần kiến nghị với Bộ Tài chính để trình các cấp có thẩm quyền chính sách Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) về lắp ráp, sản xuất xe trong nước.

Theo cách tính đó, Thuế TTĐB đối với xe sản xuất trong nước được tính là miễn phần giá trị gia tăng được tạo ra trong nước. Hiện Bộ Tài chính đang tiếp thu, nghiên cứu và sẽ báo cáo lại với Chính Phủ, Quốc hội để có những điều chỉnh với thuế này.

Chúng tôi cho rằng đây là thời điểm rất quan trọng với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Phải nghĩ rằng phải tồn tại trước, thuế nhập khẩu về 0% như hiện nay sẽ tạo ra sức ép cho ngành rất lớn. Rõ ràng sản lượng ô tô nhập khẩu vừa qua đã tăng đột biến. Theo tính toán của Cục Công nghiệp,  năm nay là năm kỷ lục với kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, dự tính khoảng trên 3 tỷ USD. Điều này không chỉ tạo nên sức ép cho ngành mà còn tạo ra sức ép với cán cân thương mại do tạo ra nhập siêu lớn.

Còn lộ trình đề xuất để phê duyệt thì như thế nào khi thời gian đang rất cấp bách?

Giải pháp về thuế rất quan trọng với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, nó quyết định sự tồn tại, phát triển của ngành. Tôi nhấn mạnh hơn là ở sự tồn tại đã, chứ chưa dám nói đến sự phát triển vì sức cạnh tranh của các sản phẩm nhập khẩu hiện nay rất lớn. Vì vậy, tôi kỳ vọng trong năm 2020 Việt Nam sẽ sớm có những chính sách đối với thuế TTĐB cho xe ô tô sản xuất trong nước.

Cảm ơn ông!

Theo N.Dương

Cùng chuyên mục
XEM