Điều trị Covid-19 tại nhà: Bác sỹ trưởng khoa Tai - Mũi - Họng hướng dẫn cách đếm nhịp thở và dấu hiệu trẻ đang bị khó thở

20/02/2022 16:47 PM | Sống

Cha, mẹ có con nhỏ mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà cần theo dõi nhịp thở cùng các biểu hiện của trẻ để có phương án xử lý kịp thời.

Thăm khám, điều trị trẻ em mắc COVID-19 tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: SK&ĐS
Thăm khám, điều trị trẻ em mắc COVID-19 tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: SK&ĐS

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam đến nay, tỉ lệ mắc COVID-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng 490.000 trẻ. Trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi.

Cả nước ghi nhận 165 trẻ mắc COVID-19 tử vong, chiếm 0,42% so với tử vong chung.

Đối tượng trẻ được chăm sóc tại nhà gồm 2 nhóm chính. Thứ nhất là trẻ mắc bệnh đã được điều trị tại cơ sở y tế, được ra viện theo dõi tiếp tại nhà, dù vẫn còn dương tính- đối tượng này ngày càng nhiều. Thứ hai là trẻ mới mắc bệnh, mức độ nhẹ, không có các yếu tố nguy cơ diễn biến bệnh nặng.

Song, mục tiêu điều trị tại nhà là phát hiện kịp thời các triệu chứng nặng để đưa trẻ vào viện. Do đó, việc nắm bắt sức khoẻ của con trong thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng như hiện nay là vô cùng quan trọng.

Điều trị Covid-19 tại nhà: Bác sỹ trưởng khoa Tai - Mũi - Họng hướng dẫn cách đếm nhịp thở và dấu hiệu trẻ đang bị khó thở - Ảnh 1.

Ths.Bác sỹ Saing Pisy - Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, BVĐK Hồng Ngọc

Ths.Bác sỹ Saing Pisy - Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, BVĐK Hồng Ngọc cho biết, nhịp thở thông thường được chia theo từng độ tuổi như sau:

- Trẻ em 6 tháng tuổi: 25 lần - 60 lần/1 phút

- Trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi: 25 - 35 lần/phút

- Trẻ từ 12 tháng - 5 tuổi: 20 - 30 lần/phút

- Trẻ lớn và người lớn: 16 - 24 lần/phút

Dựa vào nguyên lý trên, nếu trẻ em hoặc người lớn có số nhịp thở lớn hơn hoặc nhỏ hơn quy định thì đều là biểu hiện của sự khó thở. Chẳng hạn, nếu trẻ lớn và người lớn có số nhịp thở trên 25 lần/phút hoặc dưới 15 lần/phút thì chứng tỏ người bệnh đang bị khó thở mà người thân cần theo dõi để xử lý kịp thời.

Đặc biệt về đêm, ngoài khó thở ra thì trẻ em còn có thể gặp phải hội chứng ngưng thở khi ngủ kéo dài từ 10-30 giây/lần, thậm chí xảy ra nhiều lần. Vì vậy, không chỉ đếm nhịp thở, các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến những biểu hiện của trẻ, nhất là trẻ chưa biết nói (0-2 tuổi) để biết con của mình có đang bị khó thở hay không.

Một số dấu hiệu ở trẻ khi bị khó thở như:

Nhìn qua tư thế ngủ và tư thế thở của con: Đa số trẻ sẽ thở bằng đường mũi là chính nên khi mũi bị tắc, trẻ sẽ hay há miệng thở.

Trẻ thở khó khăn: Liên tục phải xoay người, ngủ trằn trọc, nằm nghiêng đầu; khi nằm ngửa thì bị giật mình và thậm chí nằm úp như con ếch.

Trẻ phập phồng cánh mũi: Đây là lúc trẻ đang cố gắng thở để lấy lượng oxi bù vào trong cơ thể. Kèm với đó là há miệng để thở dễ hơn

Cha mẹ cần để ý đến co lõm phần lồng ngực, bụng phập phồng; trẻ thở thanh, nông, hoặc trẻ quấy khóc không rõ nguyên nhân.

Điều trị Covid-19 tại nhà: Bác sỹ trưởng khoa Tai - Mũi - Họng hướng dẫn cách đếm nhịp thở và dấu hiệu trẻ đang bị khó thở - Ảnh 2.

Cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến tư thể thở và tư thế ngủ của con để biết trẻ có đang khó thở hay không. Ảnh minh hoạ

Cũng liên quan đến vấn đề điều trị Covid-19 ở trẻ em, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, chúng ta không nên quá căng thẳng vì thường các trẻ đã mắc thì bố mẹ cũng dễ mắc, nên việc bắt trẻ suốt ngày đeo khẩu trang cũng rất khổ. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là kịp thời phát hiện các triệu chứng nặng để báo cho cơ quan y tế và chuyển trẻ đến bệnh viện khi cần.

Trẻ mắc COVID-19 thường có bệnh cảnh nhẹ hơn người lớn, song vẫn có một số nguy cơ gây tăng nặng. Triệu chứng lâm sàng quan trọng nhất là trẻ thở nhanh, kém ăn, thậm chí vẫn ăn uống được nhưng kém hơn một chút, chỉ số SpO2 tụt ở mức 94-95% khi thở khí trời.

Các yếu tố nguy cơ bệnh nặng ở trẻ mắc COVID-19 gồm: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; mắc các bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gen, béo phì; bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản, viêm phế quản co thắt; bệnh tim bẩm sinh; suy giảm miễn dịch bẩm sinh, mắc phải (HIV, điều trị corticoid kéo dài), bệnh thận mạn, ung thư, huyết học (bệnh hồng cầu hình liềm)…

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM