Công ty sở hữu núi nhôm 5 tỷ USD tại Việt Nam mà cả thế giới thèm muốn: Dính nghi án chuyển giá, trốn thuế, liên tục lỗ hơn nửa tỷ USD từ năm 2016

30/11/2021 09:28 AM | Kinh doanh

Một kho dự trữ nhôm ở Việt Nam đủ lớn để có thể chấm dứt tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu. Nhưng hiện tại, kho nhôm đó là không thể động đến. Theo ước tính, kho nhôm có thể trị giá tới 5 tỷ USD theo thời giá hiện tại.

Kho nhôm nói trên thuộc về Global Vietnam Aluminium (GVA) hay Nhôm Toàn Cầu, một doanh nghiệp FDI của các ông chủ người Úc gốc Hoa.

Bloomberg gần đây dẫn lời một quan chức của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, 1,8 triệu tấn nhôm của Nhôm Toàn Cầu hiện nay vẫn được lưu giữ dưới sự giám sát nghiêm ngặt, chỉ một lượng nhỏ được chuyển cho công ty phục vụ dây chuyền sản xuất.

Quay trở lại quá khứ về quá trình hình thành của kho nhôm này, cuối năm 2016, Wall Street Journal đưa bài viết điều tra chỉ ra việc Công ty Nhôm Toàn Cầu do China Zhongwang đứng sau chính là điểm tập kết nhôm tại Việt Nam nhằm xóa nguồn gốc hàng hóa Trung Quốc trước khi xuất sang Mỹ để né thuế.

Số liệu của chúng tôi về giá trị hàng tồn kho của Nhôm Toàn Cầu ghi nhận tại thời điểm kết thúc năm 2016 ở mức hơn 50.400 tỷ đồng. Trong hai năm tiếp theo, tồn kho của Nhôm Toàn Cầu tăng lên rất mạnh, chạm mức 96.750 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2019.

 Công ty sở hữu núi nhôm 5 tỷ USD tại Việt Nam mà cả thế giới thèm muốn: Dính nghi án chuyển giá, trốn thuế, liên tục lỗ hơn nửa tỷ USD từ năm 2016  - Ảnh 1.

Số liệu từ Bloomberg cho thấy, giá thị nhập khẩu nhôm của Việt Nam ở mức cao trong giai đoạn 2015 – 2016, lần lượt 7,3 tỷ USD và 7,7 tỷ USD. Trong hai năm này, lượng nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm phần lớn, ghi nhận 5,6 tỷ USD và 4,6 tỷ USD.

Sau tác động của đại dịch COVID-19, giá nhôm tăng chóng mặt. Kể từ cuối tháng 3/2020, giá nhôm tăng tới gần 120% tính đến trung tuần tháng 10/2021, trước khi điều chỉnh lại trong thời gian gần đây. Việc giá nhôm tăng mạnh và tình trạng khan hiếm toàn cầu khiến người ta bắt đầu chú ý đến kho nhôm khổng lồ bị đắp chiếu nhiều năm.

Tháng 7/2020, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đưa ra kết luận về việc công ty Nhôm Toàn Cầu có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.

Theo KTNN, Nhôm Toàn Cầu đã thực hiện nâng giá thuê kho bãi của đơn vị có liên quan là Công ty TNHH Dịch vụ Kho vận PTL (PTL Logistics) gấp nhiều lần so với giá thuê đầu vào nhằm mục đích chuyển giá ít nhất 2.680 tỷ đồng trong giai đoạn 2015 – 2019. Bằng các giao dịch chuyển nhượng cổ phần và phân chia lợi nhuận, PTL Logistics đã chuyển hàng trăm tỷ đồng ra nước ngoài.

KTNN cho biết, số tiền chuyển giá về nguyên tắc sẽ làm tăng chi phí, giảm thu nhập chịu thuế TNDN phải nộp của Công ty Nhôm Toàn Cầu hoặc làm tăng số chuyển lỗ đề bù đắp thu nhập chịu thuế các năm sau.

Theo số liệu mà chúng tôi thu thập được, trong giai đoạn 2016 – 2020, Nhôm Toàn Cầu lỗ tổng cộng 14.716 tỷ đồng. Công ty này lỗ gộp trên từng năm và ghi nhận khoản lỗ rất nặng trong hai năm gần đây. Chính vì vậy, vốn chủ sở hữu của Nhôm Toàn Cầu tại thời điểm 31/12/2020 âm tới 11.323 tỷ đồng.

 Công ty sở hữu núi nhôm 5 tỷ USD tại Việt Nam mà cả thế giới thèm muốn: Dính nghi án chuyển giá, trốn thuế, liên tục lỗ hơn nửa tỷ USD từ năm 2016  - Ảnh 2.

Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn 5 năm nói trên, PTL Logistics đạt tổng doanh thu 4.230 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.562 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp hoạt động dao động ở mức cao từ 75 – 80%.

Câu chuyện về kho nhôm của Nhôm Toàn Cầu lùm xùm trên báo chí quốc tế cách đây nhiều năm.

Cuối 2016, tờ Wall Street Journal (WSJ) đăng bài viết bóc mẽ việc tỷ phú người Trung Quốc Liu Zhongtian mượn Việt Nam là điểm trung chuyển để xuất khẩu nhôm sang thị trường Mỹ nhằm né thuế chống bán phá giá. Được biết, nếu nhôm của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ chỉ phải chịu thuế khoảng 15%, nhưng nhôm của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ phải chịu thuế lên đến 374%.

Theo WSJ, đứng sau công ty Nhôm Toàn Cầu là China Zhongwang, một trong những công ty sản xuất nhôm lớn nhất thế giới của Trung Quốc, công ty của Liu Zhongtian. Thời điểm đó, ông này sở hữu khối tài sản gần 3 tỷ USD (Forbes), hiện tại đã giảm xuống còn 1,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, Zhongwang đáp trả rằng Nhôm Toàn Cầu (Việt Nam) không hề có liên quan, đồng thời cũng không phải là khách hàng của công ty Trung Quốc.

Về phía Việt Nam, giữa năm 2017, các cơ quan chức năng và Bộ Ngành liên quan đã tiến hành tổ chức kiểm Công ty Nhôm Toàn Cầu theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Trong báo cáo gần nhất của Tổng cục Hải quan về kho nhôm ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (tháng 11/2019), cơ quan này cho biết:

Từ năm 2015 đến 30/9/2019, tổng lượng nhôm nguyên liệu nhập khẩu của Nhôm Toàn Cầu là hơn 2,44 triệu tấn, xuất khẩu 400.000 tấn. Tính trung bình hàng công ty nhập khẩu 488.000 tấn/năm, trong khi đó xuất khẩu 80.000 tấn/năm (bằng 16,3% lượng nhập khẩu hàng năm, bằng 40% năng lực so với công suất thiết kế). Riêng hoạt động nhập khẩu đã giảm hẳn trong năm 2019, tính đến ngày 30/9/2019, lượng nhập khẩu là hơn 64.435 tấn, tương đối phù với lượng sản phẩm xuất khẩu trung bình hằng năm.

Tại thời điểm báo cáo, Nhôm Toàn Cầu đang lưu giữ hơn 1,8 triệu tấn nhôm tại các kho thuê ngoài và hơn 200.000 tấn nhôm ở nhà máy. Nhôm nguyên liệu công ty nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Mexico, Mỹ, Australia, Nga, Mexico, Malaysia, Indonesia. Nhôm thành phẩm công ty xuất đi nhiều nước khác nhau như Canada, Ai Cập, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Singapore, Mỹ…

Trong giới thiệu, Nhôm Toàn Cầu lưu ý việc là công ty 100% vốn Úc. Nhà máy của Nhôm Toàn Cầu có công suất 200 nghìn tấn sản phẩm mỗi năm, sản xuất một phần rồi đem gửi tại các bãi thuê. Bên cũng cấp dịch vụ cho thuê kho bãi là Công ty Cảng Dịch vụ Dầu khí tổng hợp Phú Mỹ (bãi Công ty PTSC, bãi TH Thị Vải), Công ty TNHH dịch vụ kho vận PTL (PTL Logistics), Công ty cổ phần Thành Chí.

Đông A

Cùng chuyên mục
XEM