Công ty dầu lửa không còn muốn tìm mỏ mới

28/03/2016 19:53 PM | Kinh tế vĩ mô

Trữ lượng dầu và khí đốt của 7 tập đoàn hàng đầu giảm mạnh nhất trong vòng ít nhất một thập kỷ...

Các tập đoàn dầu lửa lớn nhất thế giới đang khai thác trữ lượng dầu của họ với tốc độ nhanh chóng hơn là làm đầy trữ lượng này. Theo tờ Wall Street Journal, đây là một dấu hiệu cho thấy việc giá dầu giảm sâu đã thay đổi những ưu tiên của ngành công nghiệp năng lượng như thế nào.

Tờ báo trên cho biết, tính bình quân trong năm 2015, 7 công ty dầu lửa giao dịch đại chúng lớn nhất của phương Tây, bao gồm Exxon Mobil và Royal Dutch Shell, chỉ tìm mỏ mới thay thế được 75% lượng dầu thô và khí đốt mà họ đã khai thác. Con số này phản ánh trữ lượng dầu và khí đốt của 7 tập đoàn hàng đầu giảm mạnh nhất trong vòng ít nhất một thập kỷ.

Chuyển hướng

Đối với Exxon, năm 2015 đánh dấu lần đầu tiên trong hơn hai thập kỷ tập đoàn này không bù lại hoàn toàn phần trữ lượng khai thác bằng trữ lượng mới phát hiện. Chỉ 67% trữ lượng dầu và khí đốt mà Exxon khai thác trong cả năm được bù đắp lại thông qua phát hiện mỏ mới.

Trước đây, trữ lượng của một công ty dầu khí suy giảm có thể khiến giới đầu tư và các nhà điều hành lo sợ về triển vọng của công ty đó.

Nhưng ngày nay, theo ông Luca Bertelli, Giám đốc phụ trách thăm dò của hãng dầu lửa Italy Eni, với giá dầu siêu thấp, các công ty dầu lửa cảm thấy việc làm đầy trữ lượng là việc “ít quan trọng hơn”. Thay vì tập trung vào những dự án thăm dò dầu khí có mức độ rủi ro cao, Eni giờ đang tập trung vào khai thác kiệt những mỏ đã có.

Sự chuyển hướng này cho thấy cách phản ứng của các công ty dầu lửa với giá dầu siêu thấp: giảm đầu tư vào hoạt động thăm dò để tối đa hóa lợi nhuận. Rủi ro nằm ở chỗ, việc cắt giảm đầu tư vào các dự án mới có thể dẫn tới tình trạng thiếu nguồn cung dầu và giá dầu tăng vọt trong tương lai.

Trước đây, các công ty năng lượng thường đầu tư mạnh ở thì hiện tại để tìm nguồn dầu khí cho thì tương lai. Nguồn đó là những giếng dầu mới để thay thế cho phần sản lượng mà công ty đã khai thác mỗi ngày. Khi đã xác định có thể khai thác những giếng dầu đó với lợi nhuận phù hợp, các công ty đưa nguồn dầu này vào mục trữ lượng đã được phát hiện - một dạng dự trữ để khai thác trong tương lai.

Tuy nhiên, với giá dầu siêu thấp hiện nay, một phần trữ lượng của các công ty dầu lửa không thể mang lại lợi nhuận vì đòi hỏi chi phí khai thác quá đắt đỏ. Điều này buộc một số công ty dầu lửa phải cắt bỏ phần trữ lượng đó khỏi sổ sách, hoặc trong một số trường hợp phải đánh tụt giá trị của những tài sản này.

Shell đã đánh tụt giá trị tài sản hàng tỷ USD trong năm 2015. Bên cạnh đó, giá dầu thấp đã khiến tấp đoàn này quyết định hủy một dự án dầu cát tốn kém ở Canada. Ngoài ra, Shell không hề tìm một nguồn dầu mới nào để thay thế cho phần trữ lượng đã bị khai thác trong năm ngoái, khiến trữ lượng của hãng này bị giảm 20%.

Không sớm hết dầu

Trong số 7 công ty dầu lửa đại chúng lớn nhất thế giới, chỉ có Chevron, Eni và Total là tìm trữ lượng mới lớn hơn trữ lượng đã khai thác trong năm 2015. BP chỉ thay thế 61% trữ lượng đã khai thác. Tỷ lê này đối với tập đoàn Statoil của Na-Uy là 55%.

Tuy trữ lượng của Shell giảm trong năm 2015, việc hãng này hoàn tất thỏa thuận 50 tỷ USD mua lại BG Group trong năm nay dự kiến sẽ đưa sản lượng của Shell tăng thêm khoảng 25% so với thời điểm cuối năm 2014.

Ngoài vấn đề giá dầu giảm sâu, trữ lượng của các công ty dầu lửa còn chịu sự đe dọa từ một số nhân tố khác, trong đó có các nỗ lực nhằm làm giảm sự ấm lên toàn cầu. Chẳng hạn, việc đánh thuế đối với việc phát thải carbon dioxide có thể thúc đẩy sự dịch chuyển sang các nguồn năng lượng sạch. Điều này sẽ khiến một số mỏ dầu không thể đem lại lợi nhuận nếu được khai thác.

Tuy trữ lượng giảm, các công ty dầu lửa lớn sẽ không sớm hết dầu để khai thác. Chẳng hạn, trữ lượng dầu của Exxon vẫn còn đủ để hãng này khai thác trong 16 năm với mức sản lượng như hiện nay.

Theo An Huy

Cùng chuyên mục
XEM