Công nhân da giày Việt Nam: Lực lượng đông, năng suất cao, lương chỉ bằng nửa Trung Quốc
Ngày càng nhiều công ty đến Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực giày như sản xuất, phụ kiện, máy móc. Tương lai của ngành này sẽ sáng.
Ông M.Rafeeque Ahmed, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Da Ấn Độ, chia sẻ với Cafebiz rằng tương lai của ngành giày da Việt Nam rất sáng lạn.
Theo ông Rafeeque, thị trường giày da Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng và có tương lai tốt. Sản lượng xuất khẩu giày ở Việt Nam cũng ngày càng tăng. Ngày càng nhiều công ty đến Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực giày như sản xuất, phụ kiện, máy móc. Tương lai của ngành này sẽ sáng.
Giá nhân công ngành da giày của Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc với năng suất cao
"Chúng tôi đến hội chợ lần này với 42 công ty. Chúng tôi muốn đặt thêm, khoảng 60 công ty muốn đến triển lãm nhưng kết quả không được như mong muốn. Không gian của mỗi quầy cũng không được rộng rãi lắm vì rất nhiều công ty tham dự triển lãm", ông Rafeeque nói với Cafebiz.
Ông Rafeeque nhận định rằng giá nhân công ở Việt Nam rẻ hơn Trung Quốc nhưng đắt hơn Ấn Độ. Năng suất của lao động Việt Nam tốt.
Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Da Ấn Độ cho biết thêm rằng sức mua giày dép ở Việt Nam đang lớn dần do nhu cầu ngày càng cao và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo thông tin từ Hội Sản xuất Giày dép Đài Loan, ngành da giày Việt Nam đang có sức cạnh tranh tốt vì lượng lao động dồi dào và giá nhân công rẻ so với một số quốc gia trong khu vực. Lương công nhân ở Việt Nam là 250 USD/tháng, so với 500 USD/tháng ở Trung Quốc.
Theo ông Rafeeque, Việt Nam có ngành sản xuất giày phát triển và lớn mạnh đồng thời có nhu cầu lớn về da thành phẩm. Việt Nam cũng có triển vọng lớn về các phụ kiện giày. Ấn Độ là đối tác rất mạnh toàn cầu về kinh doanh da thành phẩm với nguồn cung nguyên liệu dồi dào chiếm tỷ trọng 21% nguồn cung thế giới với gia súc và trâu. Ấn Độ chiếm 11% nguồn cung thế giới đối với da dê và cừu.
Kim ngạch xuất khẩu da và sản phẩm thuộc da của Ấn Độ sang Việt Nam đã tăng từ 40,66 triệu USD trong năm 2009 - 2010 lên 117,07 triệu USD trong năm 2014 - 2015 với tăng trưởng hàng năm kép ở mức 23,55%.
Các mặt hàng chính xuất khẩu từ Ấn Độ sang Việt Nam trong năm 2014 - 2015 là da thành phẩm, sản phẩm may mặc bằng da, hàng hóa và giày dép da. Nhiều năm qua, kinh ngạch xuất khẩu các sản phẩm và giày dép da của Ấn Độ sang Việt Nam đã và đang tăng trưởng đều. Các báo cáo gần đây cho thấy xuất khẩu da và các sản phẩm thuộc da của Ấn Độ sang Việt Nam từ tháng 4/2015 đến tháng 12/2015 đã đạt mức 84,56 triệu USD.
Việt Nam là một trong những quốc gia nhập khẩu chính da thành phẩm từ Ấn Độ
Theo thông tin từ Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Da Ấn Độ, Việt Nam là nước nhập khẩu da thành phẩm lớn thứ 4 của Ấn Độ sau Trung Quốc, Italy và Hongkong. Cụ thể, năm 2010, Việt Nam nhập khẩu 855,94 triệu USD da thành phẩm từ Ấn Độ. Con số này tăng lên 1.572,62 triệu USD trong năm 2015 - 2016.
Trong bảng xếp hàng này, sau Việt Nam lần lượt là Mexico, Đức, Tây Ban Nha, Mỹ, Rumani, Bồ Đào Nha.
Ngành da giữ một ưu thế trong nền kinh tế Ấn Độ. Ngành này được biết đến có tính ổn định về doanh thu xuất khẩu cao và nằm trong top 10 các ngành giao dịch ngoại hối lớn của Ấn Độ. Quốc gia này cũng là nước sản xuất giày dép và sản phẩm may mặc thuộc da lớn thứ 2 thế giới.
Ngành da Ấn Độ tạo công ăn việc làm cho khoảng 2,5 triệu người chủ yếu từ các khu vực kém phát triển hơn của xã hội. Tỷ lệ phụ nữ có việc chiếm số đông trong lĩnh vực sản phẩm thuộc da, khoảng 30% thị phần.