USB sắp sửa bị xóa sổ

11/02/2016 19:08 PM | Công nghệ

Không chỉ USB, mà trong vòng 5 năm tới, sẽ có những thiết bị bị xóa sổ như điều khiển từ xa hay thẻ ATM. Dựa trên tốc độ phát triển công nghệ như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể “tiên đoán” được điều đó.

Quay ngược lại về những năm 2010, khi chiếc iPad đầu tiên được ra mắt hay khi Square giới thiệu dịch vụ thanh toán qua thiết bị di động, mọi người đều cảm thấy lạ lẫm. Nhưng chỉ sau 5 năm, người yêu công nghệ đã nhanh chóng làm quen với những sản phẩm, dịch vụ như vậy. Thậm chí người dùng còn được trải nghiệm những sản phẩm mới với công nghệ cao hơn, tối tân hơn.

Trong vòng 5 năm tới, chúng ta không thể đoán trước được sẽ có những sản phẩm mới nào được ra mắt. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể “tiên đoán” được các sản phẩm sẽ bị “tuyệt diệt” dựa trên tốc độ phát triển công nghệ như hiện nay. Và dưới đây là danh sách những sản phẩm có thể bị xóa sổ hoàn toàn vào năm 2020:

Ví điện tử “soán ngôi” tiền mặt, séc, thẻ tín dụng và ATM trong mọi giao dịch thanh toán

Song hành cùng tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ, ngành tài chính cũng đạt được những tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là trong những ứng dụng thanh toán thường nhật. Giờ đây, những tình huống đãng trí quên ví và thẻ sẽ chẳng còn làm khó được bạn! Venmo giúp người dùng dễ dàng chuyển khoản tiền chỉ bằng cách nhắn tin điện thoại. Nhờ vậy, bạn có thể chia hóa đơn ăn tối với bạn bè mà không cần quẹt thẻ nhiều lần.

Điều này hứa hẹn rằng trong một tương lai gần, bạn có thể thao tác mọi giao dịch ngân hàng thông qua chiếc smartphone bé nhỏ, và thậm chí là có thể tích hợp thanh toán ngay trên phương tiện di chuyển của bạn. Nếu điều này thành hiện thực, bạn sẽ chẳng cần phải cất công đi tới điểm giao dịch của ngân hàng nữa và mọi thứ đều trong tầm tay với.

Không chỉ có tiền mặt và thẻ bị “thất sủng”, hình thức thanh toán bằng séc từng được coi là “biểu tượng” của giới thượng lưu cũng trở nên lạc hậu và lỗi thời. Theo thống kế của Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ, tính từ năm 2000 đến năm 2012, tỷ lệ sử dụng séc để thanh toán đã sụt giảm 57%.

Một báo cáo khác của First Data, “The Unbanked Generation” cũng thống kê rằng 94% người sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến có tuổi đời dưới 35 và hơn 20% số khách hàng này chưa từng sử dụng hình thức thanh toán bằng séc.

Bay sang Châu Âu, thủ phủ tài chính của thế giới vào thời điểm này, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng việc rút tập séc ra để ký thanh toán sẽ bị coi là bất bình thường và có phần “gàn dở”. Séc hiện tại chỉ còn “đất sống” trong lĩnh vực bất động sản, khi một ai đó có ý định thuê nhà và muốn ký thanh toán trước một khoản đặt cọc.

Tuy nhiên, với nhiều tiện ích mở rộng và tốc độ nhanh chóng của giao dịch điện tử cũng như giao dịch trên thiết bị di động mang lại, các nhà quản lý bất động sản cũng dần thay đổi thói quen dùng séc và đi theo xu hướng công nghệ hóa.

Với việc liên tục cập nhật công nghệ mới trong quy trình thanh toán, các chuyên gia kỳ vọng rằng chỉ trong một thời gian ngắn, tiền mặt cũng sẽ không còn “chỗ đứng”. Và khi mọi người đưa tiền mặt vào Viện bảo tàng lịch sử để lưu trữ thì ắt hẳn các chiếc máy ATM cũng sẽ cùng góp mặt để trở thành “chứng nhân” lịch sử một thời của ngành tài chính.

USB bị “xóa sổ” bởi các đám mây lưu trữ dữ liệu

Theo báo cáo về các thiết bị di động của Ericsson, hãng này ước tính có tới 70% dân số thế giới sử dụng điện thoại thông minh vào năm 2020. Đồng thời, mạng dữ liệu di động sẽ bao phủ 90% dân số toàn cầu. Những dịch vụ lưu trữ đám mây như của Apple, Box, Dropbox, Google và Microsoft sẽ chiếm “thế thượng phong” nhờ lợi thế về mức giá hấp dẫn “rẻ như cho” cùng các gói dung lượng lưu trữ được mở rộng gần như không giới hạn.

Kết quả tất yếu là người dùng công nghệ sẽ không cần đến các thiết bị USB truyền thống để lưu trữ dữ liệu nữa. Chẳng mấy chốc, chiếc USB sẽ bị “xóa sổ” hoàn toàn và trở thành một sản phẩm của quá khứ, giống như những điều đã xảy ra với chiếc máy nhắn tin đơn thuần. Khi đó, thay vì chiếc USB ghi trọn thông tin của chương trình, hội thảo, các nhà tổ chức sự kiện trên toàn thế giới sẽ cần tới một phương thức khác gửi tới các Khách mời tham gia sự kiện.

Phương thức bảo mật mới “thế chân” mật khẩu ký tự và chìa khóa thông thường

Hiện tại, mật khẩu dạng ký tự (chữ, số) vẫn được sử dụng rộng rãi, và trung bình mỗi người sở hữu tới 19 mật khẩu để đăng nhập các tài khoản khác nhau. Tuy nhiên, gần nửa trong số mật khẩu này bị đánh giá là “yếu”, không đảm bảo tính bảo mật cao. Ngay cả khi bạn tự tin rằng dãy ký tự của bạn có đủ độ phức tạp thì cũng đừng vội chủ quan, các hacker ngày nay có đủ “kỹ xảo” để xử lý mật khẩu của bạn chỉ trong vài nốt nhạc.

Điều này đặt ra một nhu cầu bức thiết về một cách bảo mật mới an toàn hơn và tinh vi hơn. Và một lần nữa, các nhà phát minh hiện thực hóa một công nghệ “bước ra” từ những bộ phim khoa học viễn tưởng: công nghệ sinh trắc học. Ứng dụng của công nghệ này không còn là điều gì đó xa lạ, đặc biệt là trên các thiết bị di động thông minh: người dùng có thể mở khóa thiết bị bằng dấu vân tay, mống mắt hoặc giọng nói.

Điều này mở ra những cơ hội mới về công nghệ bảo mật và chỉ trong một tương lai gần thôi, mọi người sẽ không cần tới các câu hỏi bảo mật kiểu như “Tên của người bạn thân nhất?” hay “Tên của trường tiểu học là gì?”.

Công nghệ sinh trắc học sẽ thay thế mật khẩu, trở thành “người gác cửa” tin cậy cho tất cả các tài khoản của bạn. Mặc dù công nghệ sinh trắc học cũng tồn tại những rủi ro nhất định nhưng so với mật khẩu truyền thống thì chắc chắn rằng công nghệ này vượt trội hơn về nhiều mặt.

Không chỉ các tài khoản trên mạng hay chiếc điện thoại cá nhân được bảo mật bằng công nghệ sinh trắc học mà ngay cả chìa khóa nhà cũng có khả năng bị thay thế. Khi đó, bạn chỉ cần tới một thiết bị thông minh cầm tay bất kỳ có thể kết nối với phần mềm sinh trắc học để đóng, mở được khóa cửa.

Chiếc điều khiển từ xa trở thành “người thừa” trong nhà

Thời kỳ huy hoàng của chiếc điều khiển từ xa là thời mà tất cả mọi thành viên trong gia đình cùng truy tìm và tranh giành. Tuy nhiên, sự có mặt của các thiết bị công nghệ có kết nối Internet (IoT) như nhà thông minh hay các món đồ phụ kiện số thời trang đã thay đổi hoàn toàn cách thức tương tác của con người với các sản phẩm kỹ thuật số.

Trong năm 2015, Amazon đã khiến cả thế giới ngạc nhiên và trầm trồ khi giới thiệu sản phẩm loa thông minh điều khiển bằng giọng nói Echo. Thiết bị này được hỗ trợ bởi hệ thống trợ lý ảo Alexa của Amazon và người dùng có thể nói chuyện hay ra lệnh cho Alexa thông qua microphone của Echo.

Theo tính toán của hãng nghiên cứu Strategy Analytics thì đến năm 2020, sẽ có khoảng 17,6 tỉ thiết bị được kết nối với các sản phẩm kỹ thuật số thông minh. Với phương thức kết nối mới, thông qua mạng Internet để điều khiển và ra lệnh từ xa, các sản phẩm kỹ thuật số sẽ không còn cần tới một chiếc điều khiển đi cùng nữa. Và khi ấy, tin vui là bạn sẽ không bao giờ cần phải bới tung mọi thứ đồ trong nhà chỉ để tìm điều khiển.

Hợp đồng và văn bản thỏa thuận bằng giấy tờ truyền thống sẽ bị thay thế

Phương thức ký kết hợp đồng truyền thống tốn kém giấy in cũng như thời gian. Để thông qua một hợp đồng, các bên đều phải in ấn, fax, scan để đối soát, rồi kiểm tra và cuối cùng mới là ký duyệt. Với ngần ấy khâu và thủ tục, thời gian giải quyết cũng tăng lên theo cấp số cộng.

Giải pháp mới cho các doanh nghiệp là ký kết hợp đồng lưu trữ đám mây để nhanh chóng xử lý các điều khoản và thay đổi trong giao dịch. Hợp đồng đám mây bao gồm thông tin dịnh danh của những bên có liên quan, khả năng thanh toán theo hợp đồng. Đồng thời, hình thức này còn có ưu điểm là chủ động phân phối các khoản thanh toán theo đúng nội dung của hợp đồng khi đến hạn.

Vì vậy, các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, công nghệ cao và chăm sóc sức khỏe đều có thể áp dụng phương thức ký kết hợp đồng mới.

Thậm chí, các tổ chức và cơ quan chính phủ cũng nên cân nhắc việc áp dụng hình thức hợp đồng lưu trữ đám mây để nâng cao hiệu quả làm việc, cắt giảm chi phí và thời gian, giúp bộ máy vận hành trơn tru hơn. Trong tương lai, khi hình thức hợp đồng này trở nên phổ biến, quy trình quản lý hợp đồng sẽ có sự thay đổi ngoạn mục và giúp thúc đẩy hiệu suất làm việc tốt hơn.

Các công nghệ trên có thể thành hiện thực trong vòng 5 năm tới, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn. Nhưng trước khi chờ cả thế giới thay đổi, bạn cũng nên “dọn đường” cho những biến chuyển tích cực bằng cách liệt kê các món đồ công nghệ cũ kỹ cần được nâng cấp.

Đừng vội tiếc tiền bởi chắc chắn rằng các thiết bị thông minh với công nghệ mới sẽ giúp tăng hiệu suất làm việc cũng như cải thiện chất lượng sống của bạn. Vậy thì còn chần chừ gì nữa? Hãy mở đầu một năm mới thành công bằng cách “rinh” về những món đồ bỏ túi hữu ích.

Cùng chuyên mục
XEM