Thung lũng Silicon lên kế hoạch đa dạng hóa nguồn nhân lực
Vấn đề khá phổ biến vì nữ giới và dân thiểu số có khuynh hướng không kiếm những công việc trong ngành khoa học và công nghệ.
Nội dung nổi bật:
- Đa dạng hóa nhân lực cũng là để hiểu khách hàng hơn.
- Những “ông lớn” công nghệ đang có những hành động mạnh mẽ để đa dạng hóa nhân lực.
- Đây là vấn đề không dễ giải quyết, cần phải có thêm thời gian.
Thiếu sự đa dạng trong giới tính và chủng tộc là vấn đề mà hầu hết mọi công ty tại thung lũng Silicon đang cố gắng giải quyết.
Để đạt được điều đó chắc chắn sẽ phải tốn thời gian và tiền bạc, nhưng các công ty công nghệ hi vọng rằng một nguồn nhân lực đa dạng hơn sẽ mang lại doanh số và lợi nhuận lớn hơn.
Đừng quên rằng các kĩ sư ở đây đang tạo nên các phần mềm cho nam giới, nữ giới và tất cả mọi người thuộc mọi màu da nên một nguồn nhân lực đa dạng cũng đồng nghĩa với một sự hiểu biết sâu rộng hơn về những gì mà khách hàng muốn.
Ngành công nghệ đã giữ kín kế hoạch này mãi cho đến năm 2014, khi các công ty bắt đầu tiết lộ đầy đủ các con số thống kê về sự đa dạng của mình. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi phần lớn nhân viên của họ là nam giới, da trắng, nhưng mỗi công ty khi đó đều cam kết sẽ tuyển dụng thêm nữ giới và nhân viên từ các chủng tộc thiểu số khác.
Và đây là những gì mà một số công ty công nghệ lớn nhất đang làm để trở nên đa dạng hơn sau một năm:
Apple: Apple cho biết họ sẽ dành tặng 50 triệu USD cho các tổ chức giúp nữ giới và dân thiểu số có được việc làm trong ngành công nghệ. Số tiền này sẽ được trao dưới dạng học bổng, chương trình đào tạo bậc cao đẳng, đại học và thực tập có lương. Công ty này sẽ phối hợp với những trường cao đẳng, đại học dành cho người gốc Phi, cũng như trung tâm quốc gia dành cho nữ giới và công nghệ thông tin.
Trước hội nghị dành cho các nhà phát triển (WWDC) năm nay, Tim Cook cũng nói với công ty truyền thông Mashable là ông tin rằng ngành công nghiệp này có thể trở nên đa dạng hơn. “Hầu hết những vấn đề đó là do con người tạo nên, vì thế chúng ta có thể sửa lại được,” Cook nói.
Google: Google cho biết họ đang có kế hoạch dùng 150 triệu USD để đa dạng hóa cả trong lẫn ngoài công ty mình. Phân nửa số tiền này sẽ dành cho các tổ chức và cộng đồng chuyên thu hút và giữ chân nữ giới cũng như người thiểu số trong ngành công nghệ. Phân nửa còn lại sẽ được dùng bên trong Google để biến công ty này có sự đa dạng về nhân lực hơn. Năm ngoái, Google cũng đã đầu tư 114 triệu USD vào các chương trình đa dạng hóa nguồn nhân lực.
Microsoft: Trong một email gửi cho toàn thể nhân viên Microsoft và được công bố rộng rãi trên website của công ty, CEO Satya Nadella cho biết ông tin rằng “nam giới và nữ giới nên được trả lương bằng nhau cho một công việc như nhau”.
Về mặt công chúng, Microsoft cũng đã cố gắng thay đổi hình ảnh “chỉ toàn nam giới da trắng” của mình. Trong hội nghị dành cho các nhà phát triển hồi tháng 4 năm nay, Microsoft đã giới thiệu ba lãnh đạo nữ của họ là Agnieszka Girling, Briana Roberts và Lara Rubbelke.
Intel: Quỹ đa dạng vốn của Intel sẽ đầu tư 125 triệu USD vào các startup do người thiểu số lãnh đạo trong 5 năm tới. Quỹ này sẽ do Lisa Lambert điều hành. Cô này là cựu kĩ sư phần mềm và từng nói rằng vấn đề vốn là do thiếu sự đa dạng trong công nghệ, chứ không phải là do thiếu ý tưởng hay thiếu số lượng startup.
Hồi tháng giêng, CEO của Intel là Brian Krzanich đã cam kết dành 300 triệu USD để tuyển dụng và duy trì một tỉ lệ nhân viên nữ và người thiểu số để công ty này “có tính đại diện cho các tài năng ở Mỹ hơn”, gồm cả vị trí lãnh đạo, vào năm 2020. Một phần của số tiền trên cũng sẽ được đầu tư vào các nhóm và chương trình bên ngoài công ty này.
eBay: Công ty đấu giá trực tuyến này gần đây đã đưa thêm hai nhân vật nữ vào ban giám đốc 17 người của họ: Bonnie Hammer, chủ tịch công ty giải trí NBC Universal Cable Entertainment, và Gail McGovern, CEO của Hội chữ thập đỏ Mỹ. Trước khi Hammer và McGovern gia nhập công ty này, eBay chỉ có một nữ trong ban giám đốc -- Kathleen Mitic, một “cựu binh” startup.
Salesforce: CEO Marc Benioff nói với CNN rằng ông có một mục tiêu mà quyết làm cho bằng được là: thuê số lượng nhân viên nữ bằng với số nhân viên nam, và ông nghĩ rằng điều đó là “tuyệt đối có thể làm được” trong vòng 5 năm. Toàn bộ đội ngũ nhân viên kinh doanh hiện cũng đang được xem xét lại mức lương vì Benioff nói rằng ông muốn bảo đảm rằng nam và nữ phải được trả lương như nhau cho cùng một vị trí.
Bằng cách đặt ra những mục tiêu mạnh mẽ, công chúng có thể giúp các nhà quản lý của thung lũng Silicon chịu trách nhiệm về những gì họ đã nói. Nhưng rõ ràng đạt được những mục tiêu trên sẽ không dễ dàng chút nào. Đây là vấn đề khá phổ biến vì nữ giới và dân thiểu số có khuynh hướng không kiếm những công việc trong ngành khoa học và công nghệ.
Vấn đề là năm ở chỗ người ra quyết định. Các quản lý và CEO có quyền thúc đẩy và kiểm soát các dự án – cái nào nên được ưu tiên, cấp vốn và thi hành. Và họ cũng đóng vai trò là hình mẫu cả bên trong lẫn bên ngoài công ty.
Chẳng hạn như nguồn nhân lực toàn cầu của Twitter là 70% nam, 30% nữ, nhưng những trong những công việc liên quan đến công nghệ thì tỉ lệ này là 90% nam, 10% nữ. Tổng cộng Twitter có 12% nhân viên không phải người da trắng hay dân châu Á, nhưng tính riêng lĩnh vực công nghệ thì tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn 8%. Tương tự, chỉ 4% đội ngũ quản lý cao cấp của Twitter không phải là người da trắng hoặc không phải dân châu Á, và 79% là nam giới.
Giới tính nhân viên trong các công việc liên quan đến công nghệ (tính trên toàn cầu).
Nhiều công ty trong số này đã bắt đầu công bố số liệu về “đa dạng hóa” trong năm 2015 của họ, nhưng đừng mong sẽ có nhiều thay đổi so với năm ngoái. Vẫn còn một chặng đường dài phía trước!