Người đầu tiên trên thế giới hack được iPhone đang muốn đánh bại Tesla, Google

26/12/2015 10:13 AM | Công nghệ

George Hotz, hacker 26 tuổi, người đầu tiên hack thành công iPhone, đang tự mình phát triển xe tự lái với tham vọng đánh bại cả Google và Tesla.

Vài ngày trước Lễ Tạ ơn, George Hotz, một hacker 26 tuổi, mời tôi tới nhà anh ta ở San Francisco để thăm dự án mà anh đang tiến hành. Anh chia sẻ rằng nó là một chiếc xe tự lái mà anh đã phát triển trong khoảng một tháng.

Khi nghe Hotz nói, tôi có vẻ ngờ vực nhưng mọi sự nghi ngờ của tôi đều tan biến khi đứng trước chiếc xe 2016 Acura ILX màu trắng được trang bị hệ thống radar laser (lidar) trên mui và các camera gắn ở gần kính chiếu hậu trong nhà xe của anh ta.

Một mớ thiết bị điện tử được gắn vào một tấm gỗ ở vị trí vốn thuộc về khay đựng găng tay, một tay cầm điều khiển được đặt ở vị trí của cần sang số và một tablet màn hình 21.5 inch được đặt ở giữa bảng điều khiển.

"Xe của Tesla chỉ có màn hình 17 inch", Hotz hào hứng chia sẻ.

Hotz không muốn công khai dự án này và phải rất vất vả tôi mới thuyết phục được anh ta đổi ý. Chúng tôi đã ngắm nhìn toàn bộ mọi góc cạnh của chiếc xe đã được Hotz phủ lên rất nhiều thiết bị công nghệ.

Một chuỗi con số hiện lên màn hình ngay sau khi Hotz mở máy tính của xe lên, máy tính chạy một phiên bản của hệ điều hành Linux. Khi anh xoay bánh lái hoặc bật đèn xinhan, vài con số trên màn hình thay đổi, điều này chứng tỏ Hotz đã can thiệp rất sâu vào hệ thống kiểm soát nội bộ của chiếc xe Acura.

Sau khoảng 20 phút đi vòng vòng quanh chiếc xe, và cảm nhận được sự hoài nghi của tôi, Hotz quyết định trình diễn tất cả những gì mẫu xe của anh có thể thực hiện. "Lên xe", Hotz nói trong khi khởi động động cơ. "Đi vài vòng thử xem nào".

Hotz không còn gầy gò như hồi 17 tuổi, thời điểm mà anh nổi tiếng trên Internet với biệt danh "geohot" khi hack thành công iPhone của Apple. Sau đó, anh còn lập một kỳ tích khác khi trở thành người đầu tiên vượt qua được hệ thống bảo mật mạnh mẽ trên Sony PlayStaton 3.

Trong vài năm qua, Hotz loay hoay tìm kiếm hướng đi cho bản thân và dự án xe tự lái có lẽ là phi vụ hack táo bạo nhất mà anh từng thực hiện.

"Giữ lấy cái này", anh ta nói và ném cho tôi một chiếc bàn phím không dây trước khi lùi xe ra khỏi nhà xe. "Nhưng đừng chạm vào bất cứ phím nào hoặc chúng ta sẽ chết". Hotz giải thích rằng tính năng tự lái anh phát triển hiện chỉ hoạt động trên đường cao tốc, giống như tính năng tự lái trên các mẫu xe Tesla, chứ chưa hoạt động được trên những con phố đông đúc. Anh lái xe qua khu phố Potreto Hill của San Francisco sau đó hướng lên cao tốc Interstate 280.

Khi Hotz giữ tay lái, hệ thống lidar của chiếc Acura vẽ lên màn hình điều khiển những chấm pixel đại diện cho mọi thứ xung quanh xe như dải phân cách cứng của đường cao tốc hoặc những xe khác bên cạnh. Một đường màu xanh vẽ ra hướng mà chiếc xe đang đi và đường màu xanh lá hiển thị hướng mà phần mềm tự lái sẽ đi nếu được kích hoạt.

Hai đường này gần như không lệch nhau. Sau vài dặm, Hotz buông vô lăng và gạt cần điều khiển để chuyển sang chế độ tự lái. Anh ta làm điều này khi chúng tôi đang chuẩn bị qua một khúc cua chữ S ở tốc độ 104 km/h. Tôi thầm cầu chúa phù hộ cho chúng tôi. Hotz hét lên làm tôi sực tỉnh, "mày làm được rồi! mày thành công rồi Acura".

Chiếc xe đã thành công, Hotz đã thành công. Nó rẽ chuẩn xác ở khúc cua thứ nhất nhưng đoạn cuối ở khúc cua thứ hai nó đột nhiên liệng sát chiếc SUV bên phải. Giây phút ấy tôi đã nhắm mắt và nghĩ ra cảnh tượng tồi tệ nhất nhưng chiếc xe đã tự sửa lỗi.

Tôi hỏi trong ngạc nhiên rằng Hotz cảm thấy như thế nào khi lần đầu tiên chiếc xe thực hiện thành công khả năng tự lái. Câu trả lời của Hotz khiến tôi nổi da gà:

"Như bây giờ", Hotz nói, "sáng nay là lần đầu tiên nó hoạt động thành công".

Những nghiên cứu phát triển xe tự lái bắt đầu được tiến hành từ khoảng một thập kỷ trước. Năm 2004, Drapa, cơ quan nghiên cứu của Bộ quốc phòng Mỹ, đã tổ chức cuộc thi Grand Challenge xem xe tự lái có thể đi được bao xa.

Trong cuộc thi trên sa mạc năm ấy, chiếc xe về nhất chỉ đi được có 7 trên 150 dặm. Trong những năm tiếp theo, những chiếc xe tự lái đã được cải thiện rất nhiều và có thể hoàn thành cả những thử thách trên sa mạc cũng như thành phố.

Những mẫu xe tự lái đầu tiên được trang bị nhiều công nghệ đắt tiền và phức tạp. Một vài trong số những người tham gia cuộc thi Grand Challenge đã trang bị những trung tâm dữ liệu nhỏ trong xe của họ.

Bên ngoài xe được bao phủ bởi hàng loạt cảm biến thường chỉ thấy trong các phòng nghiên cứu. Hiện tại, Google có hàng chục xe tự lái và sử dụng các công nghệ tương tự nhưng khả năng tính toán, cảm biến và các phần mềm tự hành đã được cải tiến giúp giảm đáng kể về tổng chi phí. Để phát triển xe tự lái, Goolge đã thuê rất nhiều thí sinh từng tham gia Grand Challenge.

Tuy nhiên Hotz còn táo bạo hơn. Anh chỉ cần phần mềm thông minh và camera dạng xoàng để tạo ra một hệ thống tự lái cho bất kỳ chiếc xe nào. Công nghệ mà Hotz đang xây dựng có thể khiến các công nghệ đắt tiền của các ông lớn như Google, Uber và các hãng ô tô lớn cũng như Apple không có đất sống.

Ngay ở thời điểm hiện tại, Hotz nghĩ rằng công nghệ của anh có thể thách thức Mobileye, một công ty Israeli cung cấp hệ thống hỗ trợ lái xe cho Tesla, BMW, Ford, General.... "Thật vô lý", Hotz nói về Mobileye. "Họ là một công ty luôn luôn đi sau và chẳng bao giờ họ bắt kịp thời đại".

Phát ngôn viên của Mobileye, Yonah Lloyd, phủ nhận việc công nghệ của hãng này đã lỗi thời. "Mã nguồn của chúng tôi được dựa trên các kỹ thuật AI mới nhất và hiện đại nhất, sử dụng các thuật toán mạng end-to-end cho các cảm biến và kiểm soát", Lloyd nói.

Quý vừa qua, Mobileye đạt doanh thu 71 triệu USD, tăn 104% so với cùng kỳ năm ngoái. Công nghệ của Mobileye sử dụng một con chip tùy chỉnh và các kỹ thuật phần mềm nổi tiếng để hướng dẫn xe chạy trên đường cao tốc. Công nghệ này xuất hiện từ rất lâu nhưng mới đây các nhà sản xuất ô tô mới quảng cáo nhiều về nó.

Tesla thậm chí đã cập nhật tính năng tự lái "Autopilot" cho mẫu Model S của hãng. Các lái xe Tesla đã ngay lập tức thử nghiệm tính năng này và khoe video lên YouTube. Theo Tesla, Mobieye là một đối tác quan trọng nhưng nhà cung cấp này chỉ là một trong hàng chục nhà cung cấp nội bộ và bên thứ ba đang phát triển linh kiện cấu thành hệ thống tự lái Tesla Autopilot, bao gồm radar, hệ thống siêu âm, GPS/nav, camera và kết nối thời gian thực đến các máy chủ Tesla.

Hotz muốn đánh bại Mobileye chỉ bằng những thiết bị điện tử sẵn có. Anh xây dựng một hệ thống sáu camera, những chiếc camera này tương tự camera 13 USD trên smartphone, và đặt chúng xung quanh xe.

Hai camera sẽ được đặt ở gần gương chiếu hậu, một chiếc ở phía, hai chiếc hai sườn để tránh điểm mù và một camera fisheye ở trên nóc xe. Sau đó anh hướng dẫn cho phần mềm điều khiển camera sử dụng những gì thu thập được như một mạng nơron dạy cho thông minh nhân tạo cơ chế lấy dữ liệu từ lái xe và học cách lái xe xử lý tình huống.

Mục đích của Hotz là tạo ra một bộ phụ kiện gồm camera, phần mềm giá 1.000 USD để bán cho các hãng sản xuất xe hơi hoặc người tiêu dùng có thể mua xe tự lái trực tiếp từ showroom của Hotz. "10 bạn bè của tôi muốn mua chiếc xe tự lái do tôi chế tạo", Hotz khoe.

Thời điểm ra mắt của mẫu xe do Hotz phát triển vẫn chưa được tiết lộ. Hotz cho biết vài tháng tới anh sẽ tung ra một video trong đó chiếc Acura với công nghệ của anh sẽ đánh bại Tesla S trên cao tốc 405 ở Los Angeles. Video này được tung ra với hai mục đích. Một là nó chứng minh công nghệ của Hotz đã sẵn sàng để bán ra và hai là nó giúp Hotz thắng cược với Elon Musk, CEO Tesla.

Hotz sống trong Lâu đài Crypto. Đó là một lâu đài màu trắng lát gạch Tây Ban Nha với mọi thứ, ngoài cửa ra vào dán sticker "Bitcoin được ưa thích tại đây", trông giống như bất kỳ căn nhà nào khác tại Potrero Hill. Căn nhà này là nơi ở thường xuyên của từ 5 đến 10 gã mọt máy tính. Phần lớn tầng dưới cùng thuộc về Hotz. Căn phòng của Hotz bừa bộn như của mọi gã hacker khác.

Nhà xe nơi Hotz làm việc chỉ cách phòng của anh vài bước chân. Chiếc máy tính với hai màn hình được đặt trên bàn ngay cạnh máy nước nóng. Trên chiếc bàn gỗ gần đó có một mũi khoan, một đống tuốc nơ vít, thước dây, băng dính đen, một lon Red Bull và một chồng thư chưa mở.

Hầu hết không gian của nhà xe bị chiếc Acura chiếm dụng. Anh trang chí mui xe bằng một dấu phảy lớn màu đen, dòng chứ comma.ai, tên công ty mới của anh, được in ở sườn xe.

Hotz lớn lên tại Glen Rock, New Jersey, cha của anh làm giám sát công nghệ cho một trường trung học Công giáo còn mẹ anh làm bác sĩ chuyên khoa. 14 tuổi, Hotz đã lọt vào chung kết của cuộc thi Intel International Science & Engineering Fair với một con robot có thể quét một căn phòng sau đó tính ra diện tích của phòng.

Vài năm sau, anh cho ra đời một con robot khác có tên Neuropilot với khả năng kiểm soát bằng suy nghĩ. "Nó có thể phát hiện các tần số sóng não khác nhau và đi về phía trước hoặc bên trái dựa trên độ tập trung vào hướng mà bạn đang nhìn vào", Hotz nói về Neuropilot. Năm 2007, anh nhận được giải thưởng là một vé đi Stockholm, Thụy Điển, xem lễ trao giải Nobel, sau khi chế tạo thành công một màn hình hiển thị ba chiều.

Anh hack thành công iPhone năm 2007 khi vẫn còn trên ghế nhà trường và trở nên nổi tiếng trên toàn cầu, xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình. Ba năm sau, anh tiếp tục hack thành công PlayStation 3 của Sony và phát hành phần mềm hack cho mọi người sử dụng.

Sony đã khởi kiện Hotz khiến anh phải ký cam kết không bao giờ can thiệp vào các sản phẩm của Sony thêm một lần nữa. Những thành tưu của Hotz khiến anh xuất hiện trên New Yorker khi mới chỉ 22 tuổi. "Tôi sống theo đạo đức chứ không sống theo pháp luật", Hotz nói.

Tuy nhiên, Hotz không phải là một hacker mũ đen, cố đột nhập vào hệ thống thương mại để đánh cắp tiền. Anh chỉ là một kẻ nghiện công nghệ, thích những thách thức và chứng minh rằng anh có thể phá vỡ những công nghệ phức tạp.

Từ năm 2007 tới nay, Hotz đóng vai một lập trình viên lữ hành. Ông làm việc một thời gian ngắn tại Rochester Institute of Technology, thực tập vài tháng tại Google, làm việc bốn tháng cho SpaceX sau đó làm việc tám tháng tại Facebook. Công việc tại các tập đoàn trên khiến anh chán nản, không hài lòng.

Tại Google, anh cho biết, các nhà phát triển rất thông minh thường được giao nhiệm vụ đơn giản là sửa lỗi trên trình duyệt web, tại Facebook các lập trình viên thông minh phải làm việc vất vả để tìm ra cách thu hút người dùng nhấp vào quảng cáo. "Những gì Facebook đang làm với AI khiến tôi thấy sợ hãi", Hotz nói. "Họ đang sử dụng những kỹ thuật máy học để dụ dỗ mọi người dành nhiều thời gian hơn trên Facebook".

Bên cạnh việc chế tạo xe tự lái, Hotz đã viết một ứng dụng có tên towelroot giúp người dùng Android hoàn toàn kiểm soát smartphone của họ. Ứng dụng này được cung cấp miễn phí và được tải về hơn 50 triệu lượt.

Anh giải trí bằng cách tham dự những cuộc thi tìm lỗ hổng bảo mật trong phần mềm và phần cứng phổ biến. Trong cuộc thi Pwnium, anh đã xâm nhập vào một laptop Chromebook và nhận giải thưởng 150.000 USD. Anh kiếm thêm 50.000 USD khác trong cuộc thi Pwn2Own khi tìm ra một lỗ hổng trên Firefox chỉ trong một ngày. Hotz một mình tham gia và dành hạng nhất tại một cuộc thi ở Hàn Quốc vốn được thiết kế cho bốn người, đút túi 30.000 USD.

Cuối năm 2012, anh chán nản với các cuộc thi và quyết định đi sâu vào một lĩnh vực mới đó là trí tuệ nhân tạo (AI). Anh theo học tại Đại học Carnegie Mellon với hy vọng kiếm được bằng tiến sĩ. Khi không tới trường, anh đọc gần như toàn bộ những nghiên cứu lớn về AI và vẫn dành một chút thời gian giải trí.

Sau khi đọc rất nhiều nghiên cứu về AI anh thấy rằng không quá khó để làm chủ công nghệ này. Hotz đã làm việc tại Vicarious, một startup AI đang nổi, trong hai tháng để tận mắt chứng kiến những tác phẩm AI ngoài đời thực. Sau khi chứng kiến Hotz thấy mọi thứ quá dễ dàng. "Toán học thật đơn giản. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy dường như tôi đã biết tất cả mọi thứ cần biết".

Anh thôi việc ở Vicarious vào tháng Bảy và quyết định tiến hành thử nghiệm của riêng mình. Một người bạn của anh đã giới thiệu anh với Elon Musk. Hotz đã gặp Musk tại nhà máy của Tesla ở Fremont, California, hai người nói chuyện rất nhiều về ưu điểm, nhược điểm cũng như nguy cơ thảm họa từ công nghệ AI.

Rất nhanh, hai người tiến tới một thỏa thuận trong đó Hotz sẽ giúp Musk phát triển công nghệ tự lái của Tesla. Nếu Hotz có thể làm tốt hơn công nghệ hiện tại mà Mobileye đang cung cấp, Musk sẽ thưởng cho anh ta một hợp đồng béo bở. Nhưng Hotz đã chấm dứt cuộc đàm phán bởi anh cảm thấy Musk không muốn giữ thỏa thuận.

"Thành thật mà nói tôi nghĩ rằng bạn chỉ nên làm việc tại Tesla. Tôi rất hạnh phút khi chi ra một khoản thưởng hàng triệu USD ngay sau khi công nghệ của cậu có thể thay thế Mobileye", Musk tuyên bố trong một email gửi Hotz.

"Tôi đánh giá cao đề nghị nhưng như tôi đã nói, tôi không tìm kiếm một công việc. Tôi sẽ nháy cho anh khi tôi đè bẹp Mobileye", Hotz trả lời và nhận được phản hồi "OK" đơn giản từ Musk.

Hotz đã béo hơn nhiều so với hình ảnh một hacker tuổi teen gầy gò nhưng vẫn giữ nguyên phong cách ăn mặc. Hotz khiến tôi liên tưởng tới Steve Wozniak. Giống như Hotz, những năm 1970 Wozniak như một hacker sống ngoài vòng pháp luật. Sau đó Wozniak cùng Steve Jobs thành lập Apple. Woz đã tạo ra những thiết bị nhỏ giúp mọi người gọi điện đường dài miễn phí. Ở Silicon Valley, rất ít người giỏi cả phần cứng và phần mềm ngoài Woz và Hotz.

Cuối tháng 10, Hotz bắt đầu tập trung một cách nghiêm túc cho công nghệ xe tự lái của anh. Anh đã gửi đơn trực tuyến để trở thành một trung tâm dịch vụ ủy quyền của Honda và đã được chấp nhận. Điều này cho phép anh tải về hướng dẫn sử dụng và sơ đồ của chiếc xe Acura. Ngay sau đó, anh đã nhét đầy khay đựng găng tay bằng máy tính mini Intel NUC, một vài bộ định vị GPS và một bộ chuyển đổi truyền thông. Hotz đã kết nối tất cả các thiết bị này với máy tính chính của xe và dùng băng keo để bảo vệ các dây cáp dẫn lên bộ phân lidar trên nóc xe.

Hệ thống của Hotz có hai thành tựu đột phá. Thứ nhất đó là mức giá linh kiện cực kỳ rẻ. Trong khi các ứng viên tham gia cuộc thi Grand Challenge dành hàng triệu USD cho phần cứng và các cảm biến thì Hotz lại chỉ sử dụng chip đồ họa thông thường để xử lý hình ảnh thu được từ các camera giá rẻ và sử dụng một chip Intel để xử lý các thuật toán AI. Tổng cộng anh chi 50.000 USD cho chiếc xe tự lái này và trong số đó 30.000 USD dành để mua xe.

Thành tựu đột phá thứ hai đó là Hotz đã tích hợp thành công hệ thống deep learning, một công nghệ AI đình đám trong vài năm qua, vào công nghệ xe tự lái của anh. Deep learning cho phép các nhà nghiên cứu làm mẫu cho cỗ vài lần để nó học hỏi sau đó cỗ máy sẽ tự thực hiện công việc.

Trước đây, để máy tính xác định được đâu là chiếc ghế, lập trình viên phải tạo ra một định nghĩa chính xác về chiếc ghế như có bốn chân, có một mặt phẳng... Hiện nay, máy tính đã mạnh mẽ hơn, thiết bị lưu trữ cũng rẻ và dung lượng cũng lớn hơn nên các lập trình viên có thể thực hiện kỹ thuật brute-force, cung cấp cho máy tính một loạt thông tin để nó hiểu được đâu là thông tin có ý nghĩa.

"Bạn chỉ cần nhập vào máy tính 1 triệu bức ảnh có hình chiếc ghế và 1 triệu hình ảnh không có hình chiếc ghế là máy tính có thể mô tả một chiếc ghế chính xác hơn cả con người", Hotz nói.

Lý thuyết đằng sau dạng phần mềm AI này đã được đề cập tới trong nhiều thập kỷ qua. Và hiển nhiên nó đã được nhúng trong các sản phẩm công nghệ tiêu dùng. Ví dụ, Với sự giúp đỡ của Google, bạn có thể tìm kiếm "ảnh chụp bãi biển", phần mềm AI sẽ duyệt qua kho ảnh và hiển thị những bức ảnh phù hợp.

Một trong những đột phá lớn nhất của dạng phần mềm AI này nằm trong lĩnh vực nhận dạng giọng nói giúp trợ lý thông minh như Siri của Apple và Cortana của Microsoft có thể nhận ra giọng nói của bạn ngay cả ở chỗ đông người. Các ứng dụng dịch tức thời cũng vậy, phần lớn chúng được dạy các ngôn ngữ mới thông qua các thuật toán deep learning. Với chiếc xe của mình, Hotz muốn mở rộng các nguyên tắc tương tự cho tầm nhìn của máy tính.

Một tuần trước khi lái thử lần đầu, Hotz dành phần lớn thời gian để gắn các cảm biến, thiết bị điện tử và máy tính lên chiếc sedan. Khi đã gắn xong thiết bị và chạy xe hai tiếng rưỡi chỉ để xem máy tính làm việc như thế nào.

Khi trở lại nhà xe, anh đã tải xuống tất cả những tập tin mà máy tính thu được và thiết lập các thuật toán để phân tích cách lái xe xử lý những tình huống khác nhau. Chiếc xe đã học được rằng Hotz có xu hướng đi theo một làn đường và duy trì khoảng cách an toàn với xe phía trước.

Sau khi quá trình phân tích được hoàn tất, phần mềm có thể dự đoán con đường an toàn nhất cho xe. Vào thời điểm anh ta và tôi lên đường, chiếc xe cư xử như một thiếu niên mới tập lái vài giờ.

Hai tuần sau, chúng tôi thử nghiệm lần hai. Hotz đã cho chiếc xe vài giờ đào tạo nữa và sự khác biệt cực kỳ ấn tượng. Hiện chiếc xe có thể tự lái lâu hơn khi còn trong làn xe. Hướng xe đi và hướng hệ thống tự lái muốn đưa xe đi trùng hợp nhau một cách hoàn hảo.

Đôi khi chiếc Acura như bị khóa vào xe đi trước và đôi khi mất lái vì mất tín hiệu của xe đi trước ở khúc cua. Dường như Hotz chưa lập trình hành vi này cho xe. Ông không hướng dẫn xe những phản ứng khi điều này xảy ra và để xe tự quyết định.

Đầu tháng 12, Hotz mời tôi thử xe lần thứ ba. Trong lần này, xe không chỉ tự lái mà còn tự điều khiển chân phanh và chân ga. Chiếc xe, hiện tại, có thể đi theo làn rất lâu, một cách hoàn hảo.

Cách tiếp cận của Hotz không chỉ đơn giản là một hệ thống tự lái nhái, giá rẻ của những công nghệ tự lái hiện có. Anh cho biết anh có những khám phá, cải thiện cách AI diễn giải những hình ảnh thu được từ camera.

Phần lớn những khám phá quan trọng khác Hotz từ chối tiết lộ. Phần mềm của Hotz chỉ có khoảng 2.000 dòng mã trong khi các phần mềm trong các xe tự lái khác có tới trăm nghìn dòng mã.

Hotz cho biết sự tiên tiến của kỹ thuật deep learning giúp công nghệ của anh không cứng nhắc. Các công nghệ xe tự lái thông thường có những đoạn mã riêng giúp xe theo xe khác trên cao tốc hoặc đối phó khi có một con nai nhảy ra trước xe. Tuy nhiên, xe của Hotz không có những quy chuẩn như vậy.

Nó xem những gì lái xe làm trong các tình huống khác nhau sau đó bắt chước và hoàn thiện hành vi lái xe. Ví dụ, nếu chiếc Acura đi trên bãi biển cùng những người đạp xe đạp nó sẽ giữ khoảng cách với những chiếc xe đạp vì nó thấy Hotz đã làm như vậy trong quá khứ.

Hệ thống của anh giống với trí thông minh của con người hơn là một loạt quy luật nếu/thì máy móc. Theo Hotz, hệ thống nếu/thì không thể chính xác và không đáng tin cậy trong thế giới thực vốn có rất nhiều thay đổi bất thường và các sắc thái khác nhau. Tốt hơn là nên dạy cho máy tính cách xử lý như một con người chứ đừng áp dụng một chính sách cứng nhắc.

Trong những tuần tới, Hotz dự tính sẽ xin làm lái xe cho Uber để có thể đào tạo nhiều hơn cho chiếc xe của anh. Anh đặt mục tiêu hoàn thành một chiếc xe tự lái đẳng cấp thế giới trong vòng năm tháng, một thành tựu mà Elon Musk sẽ phải bất ngờ.

Anh nghe nói rằng xe Tesla gặp khó khi qua Cầu Cổng Vàng bởi những vạch phân làn khá mờ nên anh muốn quay một video trong đó chiếc Acura của anh sẽ đánh bại xe của Tesla khi đi qua cầu. Và sau đó, anh sẽ quay một video khác trong đó chiếc Acura của anh đánh bại xe Tesla trên cao tốc 405 ở Los Angeles nơi Musk sinh sống.

Kênh YouTube của Hotz có gần 30.000 người theo dõi và một số video của anh có hàng triệu lượt người xem nên Hotz tin rằng Musk sẽ nhận được lời nhắn của anh. "Tôi là một fan cuồng của Musk nhưng ba tháng trước anh ta đã xúc phạm tôi. Anh ta sẽ phải mua công nghệ này với giá gấp đôi".

Thực sự rất khó nói về khả năng thành công của phần mềm và công nghệ tự học mà Hotz phát triển. Nếu dự án tự cung tự cấp này của Hotz thất bại anh sẽ phải gõ cửa Google để tìm việc. "Tất nhiên là mọi người sẽ hoài nghi. Nhưng chính sự hoài nghi và mạo hiểm khiến cuộc phưu lưu trở nên tuyệt vời hơn. Tất cả những gì tôi có thể nói bây giờ là "Hãy đợi đấy!"", Hotz chia sẻ đầy tự tin.

Hotz cũng chia sẻ rất nhiều về AI và tương lai của nhân loại. Anh cho rằng trong vòng 10 năm tiếp theo AI sẽ thay con người đảm nhiệm một số công việc. Trong 25 năm, AI có thể làm gần như mọi thứ mà con người có thể làm được. Lập trình viên AI chính là những người cuối cùng có việc làm.

Hotz không nghĩ trong tương lai AI sẽ thống trị con người, anh nghĩ rằng tobot sẽ đảm nhiệm những công việc nặng nhọc liên quan tưới sản xuất lương thực và nhu yếu phẩm. Con người sẽ được giải phóng và tự do khám phá thế giới thực tại ảo.

Hotz nghiên cứu xe tự lái bởi anh thấy nó là bước một trong cuộc cách mạng AI. Giao thông vận tải là một lĩnh vực mà AI có thể tác động mạnh mẽ. Anh hy vọng rằng sau xe tự lái anh có thể đưa công nghệ của mình vào hệ thống bán lẻ, cung cấp một hệ thống cung cấp, tự thanh toán hoàn hảo tại các cửa hàng, siêu thị. Anh cho rằng công nghệ luôn có hai mặt tốt và xấu nhưng đặt cược vào công nghệ luôn là lựa chọn đúng đắn nếu chúng ta biết hạn chế mặt xấu và phát huy mặt tốt.

"Tôi không quan tâm vấn đề tiền bạc. Tôi muốn quyền lực. Không phải quyền lực với con người mà là quyền lực với tự nhiên và vận mệnh của công nghệ. Tôi chỉ muốn hiểu rõ cách mọi thứ vận hành", Hotz nói.

Cùng chuyên mục
XEM