Kinh nghiệm xử lý vấn đề của Google

15/03/2015 09:00 AM | Công nghệ

Google luôn được xem là chuẩn mực về văn hóa của một công ty nên như thế nào trên toàn thế giới. Nhiều công ty tìm kiếm gợi ý từ mô hình quản trị của Google để có thể gắn kết nhân viên, tạo ra môi trường làm việc vui vẻ để mọi người đều hứng khởi khi đi làm mỗi ngày.

Song, bài học quan trọng nhất Google có thể chia sẻ cho tất cả các doanh nghiệp chính là: làm cách nào để tiếp cận và giải quyết các vấn đề của công ty.

Trong một bài viết trên Harvard Business Review, Greg Satell - chuyên gia về chiến lược kỹ thuật số và sáng tạo đã chỉ ra một ví dụ điển hình trong văn hóa giải quyết vấn đề của Google.

Năm 2002, đồng sáng lập Google - Larry Page bước vào nhà bếp của công ty và treo lên bản in các báo cáo kết quả từ công cụ AdWord của công ty. Ở vị trí trên cùng, Larry Page đã viết "Những quảng cáo này thật vớ vẩn".

"Tại hầu hết các công ty, sẽ thật bất nhã khi công khai những thất bại của một bộ phận nào đó trước toàn thể công ty. Thực tế, hành động bất thường này của Larry Page chứng tỏ sự tự tin, định vị rõ vấn đề khó khăn mà Page biết rõ những kỹ sư tài năng của công ty rất muốn giải quyết".

Hành động này của Page đã có hiệu quả, chỉ trong vài ngày, các kỹ sư của Google đã cải thiện AdWords, biến công cụ này dẫn đầu trong lĩnh vực quảng cáo tìm kiếm đến tận hôm nay.

Theo Satell, chìa khóa thành công của Google chính là tập trung vào vấn đề, không phải những con người đang cải thiện vấn đề đó. Cụ thể, Statell có 4 lý giải khác nhau về hiệu quả của cách tiếp cận này.

1. Mọi người đều muốn làm tốt công việc

Nhân viên không có ý định sẽ phá hỏng mọi thứ trong công ty, vì vậy việc quát tháo khiển trách họ sẽ không mang lại hiệu quả gì. Thay vào đó, Page đã tập trung toàn bộ đội ngũ quảng cáo lại, nhắc nhở tập thể và quan trọng hơn là nhấn mạnh vấn đề cả đội ngũ đang phải đối mặt.

Page hiểu rằng nhân viên của Googe cũng là con người nên họ rất cần động lực để tìm kiếm giải pháp, thay vì bị chỉ trích nặng nề.

2. Thu hút ý kiến số đông

Bằng cách treo những tài liệu báo cáo kết quả ở bếp ăn chung, Page cho thấy đây là vấn đề chung của toàn công ty, không đơn thuần tập trung vào một phòng ban cụ thể.

Khi gắn mọi người vào vấn đề, vài nhân viên không thuộc phòng quảng cáo có thể sẽ cung cấp được cho đội ngũ phụ trách những ý tưởng, gợi ý đắt giá để tìm ra giải pháp. Đây chính là hiệu quả thứ hai của cách tiếp cận này.

3. Mọi người làm tốt nhất công việc họ thích

Ở góc độ này, Satell chỉ ra rằng Page gợi ý ra một vấn đề và để mở cơ hội cùng giải quyết cho bất cứ ai có hứng thú muốn thử sức. Điều này giúp Page tìm ra và thu hút những cá nhân có một đam mê cụ thể liên quan đến vấn đề mà Google đang gặp phải. Khi những cá nhân này tập trung lại với nhau, kết quả sẽ được cải thiện tốt hơn.

4. Lãnh đạo xuất sắc phải có khả năng định hướng

Điều quan trọng đối với một nhân viên là có kỹ năng và tài năng, nhưng những điều này sẽ không mang đến kết quả nếu họ không được dẫn dắt bởi một vị lãnh đạo nhiệt huyết đủ sức truyền cảm hứng cho toàn đội ngũ.

Điểm then chốt bên cạnh việc tạo ra văn hóa hứng khởi để nhân viên làm việc năng suất cao, hiệu quả tốt chính là định hướng mục tiêu cho đội ngũ. Khi Page đính tài liệu báo cáo lên phòng ăn chung cũng là lúc Page chỉ ra mục đích lớn nhất của toàn công ty thời điểm đó.

>> 16 sự thật 'giật mình' về Google

Theo Lâm Nghi

Cùng chuyên mục
XEM