MobiFone 'ra riêng': Các nhà mạng nhỏ ngóng chờ cơ hội

19/09/2013 21:03 PM | Kinh doanh

Việc chia tách, sáp nhập các mạng di động là xu thế tất yếu.

Nội dung nổi bật:

- Trên thị trường di động Việt Nam, Viettel chiếm thị phần cao nhất (40,05%), MobiFone giữ vị trí số 2 với 21,4% (năm 2011 xếp thứ 3 với 17,9%), theo sát là VinaPhone với 19,88%.

- MobiFone đóng góp khoảng 77,6% lợi nhuận, 31,2% doanh thu cho VNPT. VNPT chần chừ thoái vốn vì Mobifone vẫn là "con gà đẻ trứng vàng của" của tập đoàn này. Về phía MobiFone nếu "ra riêng" sẽ gặp phải khó khăn về hạ tầng truyền dẫn.

- Dù kịch bản nào xảy ra cũng là tín hiệu tốt cho thị trường viễn thông, người tiêu dùng được lợi và các nhà mạng nhỏ có cơ hội trỗi dậy.



Thông tin MobiFone có thể sẽ “ra riêng” với VNPT đã khiến thị trường viễn thông dậy sóng suốt tuần qua. Mặc dù đề án tái cơ cấu VNPT đã được đưa ra cách đây vài năm với nhiều lần thay đổi, đồn đoán nhưng đến nay việc tập đoàn này có thể không còn sở hữu MobiFone vẫn được xem là câu chuyện sẽ thay đổi cục diện thị trường viễn thông di động những năm tới.

Ai đi, ai ở?

Thông tư 10/2012/TT-BTTTT quy định danh mục dịch vụ viễn thông là dịch vụ di động bắt buộc DN không được sở hữu chéo quá 20% ở DN khác khi kinh doanh trên cùng một thị trường được xem như văn bản chính thức chấm dứt cảnh “chung nhà” của MobiFone và VinaPhone.

Tuy nhiên, cho đến giữa năm nay, tình cảnh nhùng nhằng nhập làm một hay chia đôi của 2 nhà mạng này mới chính thức ngã ngũ khi Bộ Thông tin-Truyền thông chỉ đạo VNPT trong quá trình tái cơ cấu phải giữ vững và phát huy các thương hiệu viễn thông VinaPhone, MobiFone.

Dù kịch bản nào xảy ra, cũng sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường viễn thông di động Việt Nam, bởi việc chia tách, sáp nhập các mạng di động là xu thế tất yếu. Sau sáp nhập hay chia tách sẽ dẫn đến những chiến lược mới, tầm nhìn mới mà người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.


Điều này đồng nghĩa với việc sẽ không sáp nhập 2 nhà mạng này. Kế tiếp, Bộ Thông tin-Truyền thông chỉ đạo phải thực hiện cổ phần hóa MobiFone và VNPT thoái vốn khỏi MobiFone theo lộ trình phù hợp trên cơ sở kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son, việc tái cơ cấu VNPT sẽ chính thức được khởi động trong tháng 9.

Mặc dù cho đến thời điểm này, ai đi, ai ở giữa MobiFone và VinaPhone vẫn chưa chính thức được lựa chọn nhưng với những động thái từ trước đến nay, những ai quan tâm đến thị trường viễn thông di động đều tin chắc, VNPT sẽ tiến hành cổ phần hóa MobiFone.

Trên thực tế, dù là “gà cùng một mẹ” và được xem là 2 trong 3 mạng di động chiếm thị phần chi phối, nắm giữ thế chân vạc trên thị trường viễn thông, những năm qua MobiFone luôn là mạng viễn thông di động lấn lướt, nổi bật so với người anh em VinaPhone.

Trong thời gian dài, MobiFone thường xuyên có báo cáo doanh thu và lãi lớn, đạt mức tăng trưởng tốt. Mặt khác, đơn vị này đã duy trì mô hình kinh doanh độc lập tương đối hơn so với các DN khác của tập đoàn. Báo cáo tài chính năm 2012 của VNPT cho thấy, trong 8.500 tỷ đồng lợi nhuận toàn tập đoàn, MobiFone đóng góp khoảng 77,6% (tương đương 6.600 tỷ đồng), doanh thu chiếm 31,2% (trong số 130.500 tỷ đồng).

Như vậy, so với VinaPhone còn chậm chạp và nhiều phụ thuộc, việc cổ phần hóa MobiFone sẽ an toàn hơn và khả năng gây ra nhiều xáo trộn thấp hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cổ phần hóa VinaPhone sẽ tốt hơn, tạo điều kiện cho DN này kinh doanh độc lập, phát triển khả năng tự chủ của mình thay vì chậm chạp và ì ạch như hiện nay. Và đặc biệt, nếu cổ phần hóa VinaPhone, giữ lại MobiFone, VNPT sẽ có lợi hơn rất nhiều.

Cơ hội cho mạng di động nhỏ

Mặc dù nội tình cụ thể của VNPT ra sao sẽ phải chờ, tuy nhiên có thể thấy việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường viễn thông di động. Theo Sách trắng Công nghệ thông tin vừa được Bộ Thông tin-Truyền thông công bố, về dịch vụ điện thoại di động, Viettel vẫn chiếm thị phần cao nhất (40,05%), MobiFone giữ vị trí số 2 với 21,4% (năm 2011 xếp thứ 3 với 17,9%), theo sát là VinaPhone với 19,88% (năm 2011 xếp thứ 2 với 30,1%).

Như vậy, nếu tách riêng, mỗi nhà cung cấp dịch vụ của VNPT chỉ chiếm 1/2 số thuê bao của Viettel. Và trong tình cảnh đó, khó khăn cho MobiFone và VinaPhone lẫn VNPT là không thể tránh khỏi.

Theo một số chuyên gia viễn thông, khi “ra riêng”, MobiFone có lợi thế là đã quen kinh doanh độc lập nên xáo trộn về môi trường gần như không có. Tuy nhiên, MobiFone sẽ gặp phải khó khăn về hạ tầng truyền dẫn. Trên thực tế, với vị trí số 1 về hạ tầng truyền dẫn, đặc biệt có đường trục viễn thông quốc gia của VNPT, MobiFone có hạ tầng truyền dẫn khá hoàn hảo để phát triển.

Nếu tách ra, VNPT chỉ chiếm không quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần, liệu MobiFone có còn được ưu ái, hưởng lợi như trước hay sẽ lâm vào tình cảnh “con yêu con ghét”. “Nếu câu trả lời là không, khó khăn cho DN này sẽ rất lớn. Bởi nhìn vào một DN phải thuê đường truyền như Vietnammobile khó có thể phát triển bền vững trong điều kiện không thể chủ động được truyền dẫn, phải đi thuê, đối mặt với việc bị ngưng bất cứ lúc nào hoặc tăng giá”- một chuyên gia viễn thông cho biết. Một trường hợp khác cũng có thể xảy ra là các đơn vị kinh doanh độc lập của VNPT cũng có thể sở hữu cổ phần tại MobiFone dẫn đến thực tế số cổ phần VNPT nắm tại MobiFone sẽ cao hơn mức 20% rất nhiều.

Những người am hiểu thị trường viễn thông cho rằng phương án này rất dễ xảy ra bởi những năm qua, lý do VNPT chần chừ thoái vốn khỏi MobiFone vì mạng di động này đang là “con gà đẻ trứng vàng”. Từ thời điểm tách MobiFone ra khỏi VNPT, thế chân vạc trên thị trường viễn thông mới thực sự hình thành rõ ràng và cục diện ra sao còn phụ thuộc nhiều vào những ưu ái VNPT dành cho MobiFone và sự năng động tìm đường đi của VinaPhone. Có thể đây là cơ hội cho những mạng di động nhỏ như Vietnamobile và GMobile trỗi dậy. 

Theo Khôi Nguyên

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM