Còn lại đúng 10 đồng trong ngân khố lúc diệt vong, "núi vàng núi bạc" của Thanh triều rốt cục đã rơi vào tay ai?

24/12/2019 21:00 PM | Sống

Từ một vương triều sở hữu tiền bạc dồi dào cùng vô số cổ vật có giá trị, Thanh triều vào thời điểm diệt vong chỉ còn lại quốc khố gần như trống rỗng. Liệu rằng "núi vàng núi bạc" của triều đại này ...

Vào thời phong kiến, nơi cất chứa số tài vật khổng lồ được ví như "núi vàng núi bạc" của thiên hạ có lẽ không đâu khác ngoài quốc khố của các vương triều bấy giờ.

Thế nhưng trên thực tế, vào thời điểm vương triều phong kiến cuối cùng của Trung Quốc bị diệt vong, nhiều người không khỏi kinh ngạc khi phát hiện ra rằng ngân khố của Đại Thanh khi ấy chỉ còn lại vẻn vẹn 10 đồng bạc.

Vậy liệu rằng số gia tài khổng lồ của 11 đời vua nhà Thanh vì sao lại thất thoát? "Kho báu" của vương triều này rốt cục đã rơi vào tay ai?

Sự thật về quốc khố của các vương triều phong kiến Trung Hoa: Tới Hoàng đế cũng không thể tùy tiện dùng

 Còn lại đúng 10 đồng trong ngân khố lúc diệt vong, núi vàng núi bạc của Thanh triều rốt cục đã rơi vào tay ai? - Ảnh 1.

Hình minh họa.


Từ cổ chí kim, nhiều người vẫn thường nghĩ Hoàng đế là những nhân vật ngồi trên núi vàng núi bạc của thiên hạ, mọi tài vật trên thế gian đều nằm trong quyền quản lý của thiên tử.

Thế nhưng trên thực tế, tiền tài trong quốc khố không phải là thứ mà nhà vua muốn tiêu là có thể tùy tiện lấy ra.

Vào thời phong kiến, ngân khố thực chất được dùng cho các việc quốc gia đại sự như bổng lộc của quan viên, lương thưởng của binh lính, cùng với đó là những việc như cứu tế, đánh trận…

Đây cũng là lý do tại sao có những vương triều cần tới mấy năm nghỉ ngơi sau mỗi trận đánh lớn. Bởi khoảng thời gian này chính là lúc để họ bổ sung quốc khố, đợi tới khi tiền bạc sung túc mới có thể tiếp tục bắt tay vào những công cuộc khác.

Tới thời nhà Thanh, Hoàng đế đã giao cho Nội vụ phủ trách nhiệm dùng quốc khố để quản lý toàn bộ chi tiêu của nội bộ hoàng cung và hoàng tộc.

Cho nên những tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của Hoàng đế có lẽ chỉ là những cổ vật hoặc thư họa. Tuy nhiên đây đều là những thứ có giá trị khổng lồ và được đích thân nhà vua quản lý.

Thế nhưng tới thời điểm Thanh triều diệt vong, quốc khố gần như rơi vào cảnh trống rỗng, ngay tới cổ vật của hoàng tộc cũng chỉ còn lại vài trăm món. Đâu là lý do dẫn tới điều này?

Những nguyên nhân khiến "núi vàng núi bạc" của Thanh triều bị thất thoát: Số tiền ấy đã rơi vào tay ai?

Theo chuyên trang phân tích lịch sử Qulishi, nguyên nhân khiến Thanh triều cạn kiệt tiền bạc bắt nguồn từ những lý do dưới đây.

Thứ nhất: Từ Hi Thái hậu tiêu xài xa hoa phung phí

 Còn lại đúng 10 đồng trong ngân khố lúc diệt vong, núi vàng núi bạc của Thanh triều rốt cục đã rơi vào tay ai? - Ảnh 2.

Hình minh họa: Nguồn Internet.


Sinh thời, Từ Hi bị đánh giá là một trong những nhân vật phải chịu trách nhiệm hàng đầu đối với sự sụp đổ của vương triều Đại Thanh. Và một trong những nguyên nhân quan trọng khiến bà bị xem như tội nhân của triều đại này chính là thói tiêu xài hoang phí.

Chỉ lấy ví dụ trên phương diện ăn uống nói riêng, cuốn "Từ Hi Thái hậu" của học giả Từ Triệt từng đề cập tới việc Lão Phật gia này được phục vụ 120 món trong mỗi bữa ăn, thế nhưng mỗi món bà chỉ thử không quá hai thìa vì sợ bị… đầu độc!

Chưa dừng lại ở đó, vị Tây Thái hậu ấy còn từng phung phí tới nỗi sẵn sàng lấy đi số tiền được cung cấp cho quân đội Bắc Dương để phục vụ cho công cuộc ăn chơi của mình.

Cho nên có ý kiến cho rằng, chính Từ Hi và thói sống xa hoa, vô độ bất chấp sự suy vi của vương triều đã khiến cho quốc khố của Đại Thanh ngày một trở nên trống rỗng.

Thứ hai: Chiến phí cho cuộc bình định Thái Bình Thiên Quốc

Năm 1851, cuộc khởi nghĩa nông dân do Hồng Tú Toàn cầm đầu đã bùng nổ tại Trung Quốc, đánh dấu cho sự thành lập của Thái Bình Thiên Quốc. Cuộc chiến giữa thế lực này và vương triều Mãn Thanh kéo dài tới hơn một thập kỷ.

Trong công cuộc bình định hơn 10 năm ấy, vương triều Đại Thanh đã phải tiêu tốn một số tiền khổng lồ cho việc thu mua các vũ khí tiên tiến từ phương Tây, cùng với đó là trang trải cho phương diện quân nhu, binh mã.

Tới năm 1864, Tăng Quốc Phiên và Lý Hồng Chương cuối cùng cũng đã đánh hạ thế lực của Hồng Tú Toàn. Thế nhưng cuộc chiến này đã khiến cho Thanh triều phải tiêu tốn một số tiền không nhỏ, từ đó càng tăng thêm gánh nặng cho quốc khố vốn đã ngày càng suy kiệt.

Thứ ba: Chính phủ Thanh triều liên tục phải ký kết các hiệp định bất bình đẳng

 Còn lại đúng 10 đồng trong ngân khố lúc diệt vong, núi vàng núi bạc của Thanh triều rốt cục đã rơi vào tay ai? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.


Càng về giai đoạn hậu kỳ, tầng lớp thống trị của Thanh triều càng trở nên mục ruỗng. Hơn nữa vương triều này còn liên tục phải cắt đất và bồi thường tiền bạc cho các nước phương Tây, vì vậy quốc khố cũng chẳng còn dư lại bao nhiêu.

Cụ thể là sau thất bại nặng nề của chiến tranh nha phiến, Thanh triều đã buộc phải ký nhiều hiệp ước bất bình đẳng và chấp nhận không ít thiệt thòi trên phương diện kinh tế.

Thứ tư: Những thất thoát nghiêm trọng xảy ra dưới thời Phổ Nghi

Đến thời Hoàng đế Phổ Nghi, chế độ phong kiến Trung Hoa đã tới hồi mạt vận, việc quản lý nội cung cũng không còn nghiêm ngặt như trước. Vì vậy mà bên trong Tử Cấm Thành đã có không ít thái giám, cung nữ cả gan trộm tiền bạc và cổ vật lấy làm của riêng.

Tương truyền rằng khi Phổ Nghi còn đương vị, cung Kiến Phúc bỗng nhiên phát sinh hỏa hoạn. Trước khi xảy ra sự cố này, Phổ Nghi đã từng có ý định kiểm kê toàn bộ tài sản trong hoàng cung để niêm phong và cất vào kho.

Do đó có nhiều người cho rằng, vụ hỏa hoạn ở cung Kiến Phúc thực chất do tầng lớp thái giám gây ra để xóa bỏ giấu vết lấy trộm tiền tài.

Chưa dừng lại ở đó, bản thân Phổ Nghi năm xưa cũng từng bán đi rất nhiều cổ vật do tổ tiên để lại để lấy tiền tiêu xài.

Bởi vậy mà vào thời điểm giao nộp lại Cục Văn vật, toàn bộ số tài sản khổng lồ của Thanh triều năm nào giờ đây chỉ còn lại vẻn vẹn đúng 486 món cổ vật lưu lại cho hậu thế.

*Theo quan điểm của Qulishi.

Theo Trần Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM