Cơn khát hàng hiệu trở lại Trung Quốc sau thời gian dài bị cách ly vì Covid-19

25/03/2020 15:30 PM | Xã hội

Số liệu từ các thương hiệu nổi tiếng như Burberry hay Gucci tại Trung Quốc đều cho thấy lượng khách đang ngày một tăng trở lại, tạo nên một hiệu ứng gọi là "chi tiêu bù" sau những ngày dài bị cách ly buồn chán.

Sau khoảng thời gian dài bị cách ly, phải ở nhà buồn chán thì người tiêu dùng Trung Quốc đang dần trở lại những trung tâm thương mại để mua hàng hiệu xa xỉ, nhằm thỏa mãn cơn nghiện bị kiềm chế suốt mùa dịch.

Theo tờ Fortune, lưu lượng khách mua sắm tại các cửa hàng xa xỉ của Trung Quốc đã dần tăng trở lại sau khi mất đến 80% lượng khách trong mùa dịch vừa qua. Số liệu từ các thương hiệu nổi tiếng như Burberry hay Gucci tại Trung Quốc đều cho thấy lượng khách đang ngày một tăng trở lại, tạo nên một hiệu ứng gọi là "chi tiêu bù" sau những ngày dài bị cách ly buồn chán.

Trên thực tế, thuật ngữ "chi tiêu bù" (Revenge Spending) đã được các chuyên gia sử dụng từ thập niên 1980 khi người tiêu dùng Trung Quốc tăng cường chi tiêu sau khoảng thời gian dài lâm vào những biến động chính trị cũng như bị bế quan tỏa cảng.

Đồng quan điểm, Giám đốc Amrita của Agiliti Research nhận định người Trung Quốc sẽ tăng mạnh tiêu dùng trở lại sau khoảng thời gian chịu ảnh hưởng của Covid-19. Nguyên nhân chính là những khách hàng giàu có sẽ dốc túi chi tiêu sau nhiều tuần phải hủy bỏ hay trì hoãn các kế hoạch.

Cơn khát hàng hiệu trở lại Trung Quốc sau thời gian dài bị cách ly vì Covid-19 - Ảnh 1.

"Thị trường Trung Quốc đang có sự chuyển mình sau dịch và những thành phố lớn là nơi cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực nhất. Chúng tôi đang chứng kiến một sự trỗi dậy dù chậm nhưng chắc chắn từ phía người tiêu dùng", Giám đốc Amrita nhấn mạnh.

Những người tiêu dùng Trung Quốc hiện chiếm tới hơn 1/3 doanh số của các nhãn hàng xa xỉ trên thế giới, đồng thời chiếm 2/3 tăng trưởng của các thương hiệu này trong những năm gần đây. Bởi vậy khi chính quyền Bắc Kinh ban hành một loạt lệnh cách ly vào cuối tháng 1/2020 để chống Covid-19, doanh số của các nhãn hàng xa xỉ trên thế giới bị suy giảm nghiêm trọng bất chấp vào mùa mua sắm chi tiêu sau Tết Nguyên Đán.

Thậm chí, tình hình còn trở nên tồi tệ hơn khi hàng loạt những trung tâm hàng xa xỉ như Italy, Pháp, Mỹ chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và phải ban bố tình trạng cách ly.

May mắn thay, tâm dịch Trung Quốc do được khống chế tốt nên có vẻ đã được kiểm soát. Trong những ngày gần đây, số lượng người nhiễm mới tại Trung Quốc đã giảm xuống chỉ còn vài bệnh nhân, thậm chí có ngày không có ca nhiễm mới nào, một con số vô cùng ấn tượng so với hàng nghìn người nhiễm mỗi ngày cách đây vài tuần.

Hiện nay, hàng loạt những nhãn hàng xa xỉ như Hermes cũng đã bắt đầu mở cửa trở lại, đón dòng khách bị kìm nén cơn cuồng mua sắm trong suốt nhiều tuần.

Cơn khát hàng hiệu trở lại Trung Quốc sau thời gian dài bị cách ly vì Covid-19 - Ảnh 2.

"Chúng ta đang chứng kiến sự phục hồi dần dần tại thị trường Trung Quốc. Ngoài sự quay trở lại của các khách hàng, tâm trạng của người tiêu dùng Trung Quốc cũng là nhân tố chính thúc đẩy thị trường. Sau một tháng rưỡi bị cách ly và hạn chế đi lại, mọi người sẽ mong muốn được quay trở lại với cuộc sống thường ngày", CEO Salvatore Ferrragamo của Micaela Le Divelec Lemmi nhận định.

Anh Andy Li, một nhân viên ngành công nghệ tài chính đồng ý với quan điểm trên. Chàng trai này đã đến các trung tâm thương mại miền Bắc tỉnh Sahnxi-Trung Quốc để mua sắm nhiều lần kể từ khi chấm dứt lệnh cách ly. Các nhãn hàng xa xỉ như Kering’s Gucci hay Bottega Veeneta đều có cửa hàng trong những trung tâm này.

"Tôi bị nhốt trong nhà cả tháng. Toàn bộ khu chúng tôi sống bị cách ly và không được phép đi đâu cả. Giờ đây tôi đã có thể tự do đi mua sắm theo ý mình thích", anh Li vui sướng nói.

Trên thực tế anh Li đã từng đặt hàng trực tuyến trong thời gian bị cách ly nhưng phần lớn chúng bị kẹt lại tải các cửa khẩu hải quan hay bị chậm giao hàng do vướng các trạm kiểm dịch.

Thương hiệu Hermes cho biết họ đã mở lại 2/11 cửa hàng kể từ khi lệnh cách ly dần được dỡ bỏ. Tập đoàn trang sức lớn nhất thế giới về doanh số Chow Tai Fook Jewellery cũng cho biết họ đã mở lại 85% số cửa hàng của mình để phục vụ nhu cầu người dân.

Thậm chí tại một trung tâm mua sắm xa xỉ tại Hàng Châu, người ta chứng kiến cả hàng dài người tiêu dùng xếp hàng chờ vào cửa hàng Chanel.

Bên cạnh yếu tố "chi tiêu bù", việc phải hủy bỏ các chuyến bay cũng như giới hạn đi lại khiến người Trung Quốc khó lòng mua được đồ xa xỉ ở nước ngoài. Kể cả đặt hàng trực tuyến cũng gặp vấn đề khi bị ùn tắc do lệnh cách ly và các trạm kiểm dịch. Hệ quả là lượng lớn người tiêu dùng Trung Quốc sẽ hướng đến thị trường nội địa, qua đó thúc đẩy doanh số các mặt hàng. Việc thuế nhập khẩu thấp đang khiến nhiều hàng xa xỉ ở Trung Quốc hấp dẫn chẳng kém so với việc ra nước ngoài mua sắm.

Cơn khát hàng hiệu trở lại Trung Quốc sau thời gian dài bị cách ly vì Covid-19 - Ảnh 3.

Dẫu vậy, sự trở lại của nhu cầu mua sắm được cho là không bù đắp được những thiệt hại về doanh số do Covid-19 gây ra trong mùa dịch. Báo cáo của Boston Consulting Group và Sanford C.Bernstein ước tính virus Corona sẽ khiến ngành hàng xa xỉ thiệt hại khoảng 40 tỷ Euro, tương đương 45 tỷ USD trong năm 2020. Đó là chưa kể không phải người tiêu dùng Trung Quốc nào cũng sẵn lòng quay trở lại mua sắm sau đợt cách ly.

"Tất cả phụ thuộc vào niềm tin của người tiêu dùng", Giám đốc Jason Yu của Hantar Worldpanel Greater China nhận định.

Rất nhiều lao động trong ngành dịch vụ hoặc chủ doanh nghiệp nhỏ chịu thiệt hại vì đại dịch và có khả năng cắt giảm các chi tiêu không cần thiết sau cách ly.

Dẫu vậy, nhiều thương hiệu xa xỉ vẫn khá lạc quan vào thị trường Trung Quốc. Thương hiệu Ferragamo vẫn cho rằng doanh số sẽ tăng trưởng tốt tại thị trường Trung Quốc trong năm nay nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, bất chấp việc doanh thu toàn cầu của họ đã giảm 25-33% trong quý I/2020.

AB

Cùng chuyên mục
XEM