Cơn đau đầu của các quán karaoke ở Trung Quốc: ‘Nồi cơm’ vơi dần vì bị giới trẻ quay lưng

17/12/2021 07:57 AM | Kinh doanh

"Một cuộc vui phải có người hát hay và người thích uống rượu. Trong khi có nhiều người chỉ ngồi nghe rồi cùng trả tiền".

Sự quay lưng của giới trẻ

Quán karaoke là một trong những địa điểm được giới trẻ Trung Quốc yêu thích nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi. Theo Sixth Tone, số lượng người trẻ lui đến các quán hát ở đất nước tỷ dân ngày càng thưa dần. Do khách hàng đang có xu hướng trải nghiệm những hoạt động ngoài hát hò và uống rượu tại quán karaoke, công việc kinh doanh của nhiều cửa hàng đã không còn phát triển như trước nữa.

Zhang Jingwei, người trước đây thường lui tới các quán karaoke ít nhất một lần mỗi tháng, nói với Sixth Tone: "Giờ đây, khi muốn hát, tôi chỉ cần bật ứng dụng karaoke và dùng micro ở nhà. Gần đây, tôi đã dành nhiều thời gian hơn cho trò chơi nhập vai".

Karaoke đã xâm nhập vào Trung Quốc từ những năm 1980 sau khi trở nên phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản. Thường được gọi là KTV trên khắp châu Á, nó nhanh chóng trở thành hoạt động được yêu thích trong các ngày lễ và cuối tuần, dẫn đến sự bùng của các doanh nghiệp. Nhưng dữ liệu gần đây cho thấy sự yêu thích đó đang dần phai nhạt.

Cơn đau đầu của các quán karaoke ở Trung Quốc: ‘Nồi cơm’ vơi dần vì bị giới trẻ quay lưng - Ảnh 1.

Theo ước tính của một đài truyền hình trung ương của Trung Quốc, lượng khách đến các quán karaoke liên tục giảm trong những năm qua. Sau đó, đại dịch Covid-19 đã giáng đòn mạnh vào ngành này khi làm giảm gần 80% lượng khách hàng. Tuần trước, công ty tài chính Yicai cho biết Trung Quốc hiện chỉ còn 56.300 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này so với con số hơn 120.000 vào thời điểm đỉnh cao năm 2015.

Nhiều công ty nhượng quyền lớn đã đóng cửa hầu hết các quán karaoke vì sự cạnh tranh ngày càng gia tăng. Năm ngoái, một công ty nổi tiếng ở Bắc Kinh đã sa thải hàng trăm nhân viên vì lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí.

Bên cạnh đó, các quán karaoke cũng bị ảnh hưởng vì chiến dịch trấn áp vi phạm bản quyền năm 2018. Điều này khiến họ mất hơn 6.000 bài hát trong danh sách. Chưa dừng lại ở đó, lệnh cấm những bài hát có nội dung không phù hợp của chính phủ Trung Quốc trong mùa hè này cũng làm các lựa chọn trở nên ít hơn.

Một thanh niên 21 tuổi chia sẻ: "Không còn nhiều lựa chọn bài hát ở quán karaoke như trước. Số lượng quán cũng giảm dần".

Trong bài viết với chủ đề "Tại sao giới trẻ không đến quán karaoke nữa?" trên Weibo, một người bình luận: "Chỉ có rất ít người đến đó hát hò giải trí trong khi những người khác chọn hát ở nhà bằng smartphone. Thật là áp lực khi phải hát trước mặt nhiều người".

Theo Toni Yang, một nhà tư vấn về văn hóa thanh thiếu niên, việc có rất nhiều lựa chọn giải trí thay thế của giới trẻ đã khiến họ quay lưng với các quán karaoke. "Một cuộc vui phải có người hát hay và người thích uống rượu, nhảy nhót. Trong khi có nhiều người chỉ ngồi nghe rồi cùng trả tiền", cô nói.

Hình thức giải trí mới

Trò chơi giết người nhập vai ngoại tuyến đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc từ cuối năm nay, bất chấp việc bị các nhà chức trách để ý. Yang cho biết game "giết người theo kịch bản" đã nổi lên như một cách giao tiếp xã hội mới lạ dành cho giới trẻ Trung Quốc. Thậm chí chúng còn được đánh giá là đang dần thay thế các quán karaoke.

Có khoảng 45.000 địa điểm tổ chức các trò chơi giết người theo kịch bản trên khắp Trung Quốc, mang đến trải nghiệm mới mẻ và có giá phải chăng. Theo công ty tư vấn iiMedia, ngành công nghiệp này được dự đoán sẽ tăng lên 17 tỷ nhân dân tệ (2,6 tỷ USD) vào cuối năm nay.

Yang nói: "Đối với hầu hết những người trẻ, trò này còn thư giãn hơn là đi hát. Những người không thoải mái trong các tình huống xã hội có thể tạm thời trút bỏ sự ức chế của họ trong các trò chơi nhập vai".

Nhưng trong khi người trẻ đang dần xa lánh các quán karaoke, một nhóm nhân khẩu khác đã lấp đầy khoảng trống đó: người cao tuổi. Trong nửa đầu năm 2021, khách hàng từ 60-70 tuổi của các quán karaoke tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi những người từ 70-80 tuổi tăng gấp đôi, theo Meituan.

Cơn đau đầu của các quán karaoke ở Trung Quốc: ‘Nồi cơm’ vơi dần vì bị giới trẻ quay lưng - Ảnh 2.

Một nhóm người trung niên giao lưu hát karaoke tại quán (Ảnh: Sixth Tone).

Fang Minhua, một người về hưu 65 tuổi đến từ Thượng Hải, là một trong số đó. Ông cho biết nhiều người ở thế hệ của mình không có thú vui giải trí xa xỉ này khi còn trẻ, vì vậy giờ đây, họ đã tranh thủ việc có nhiều thời gian rảnh để trải nghiệm.

Fang nói rằng ông thường xuyên đến các quán karaoke cùng vợ và hàng chục bạn bè cùng trang lứa để giải trí. Họ dành nhiều giờ để hát hò, nhảy múa với các bài hát từ thời xưa.

Để thu hút thêm khách hàng, nhiều quán karaoke đã tung ra chương trình hát miễn phí trong khung giờ nhất định cho những người trên 60 tuổi. Một chủ quán cho biết ông hi vọng tình hình kinh doanh sẽ khá khẩm hơn trong tương lai nhờ đối tượng khách hàng mới này.

Nguồn: Sixth Tone

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM