Con bị nhiễm trùng máu, nguy cơ tử vong cao vì vết thương rất nhỏ
Nhiều trường hợp trẻ bị nhiễm trùng máu, nguy cơ tử vong rất cao vì những vết xước siêu nhỏ mà mắt thường cũng không nhìn thấy được.
Suýt chết vì cái nhọt
Trường hợp của bé Nguyễn Văn L. 3 tuổi ngoại thành Hà Nội bị sốt cao liên tục, tri giác lờ mờ.
Gia đình đưa con vào bệnh viện huyện cấp cứu. Tại đây, bác sĩ nghi bé bị sốt vi rút nhưng điều trị không khỏi. Bé sốt cao hơn, rơi vào hôn mê, gia đình phải đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Tại Bệnh viện, bé sốt liên tục. Các bác sĩ đã chụp phổi và nghi ngờ sốt do vi khuẩn nhưng không biết vi khuẩn nào. Khi cấy máu phát hiện đó là vi khuẩn tụ cầu vàng kháng thuốc .
Đây là một con vi khuẩn sống ở trên da người nhưng nó có thể xâm nhập vào đường máu gây nhiễm trùng máu cho trẻ và có thể dẫn đến tử vong.
Nếu thoát được tử vong thì chi phí điều trị vô cùng lớn vì phải sử dụng các loại thuốc kháng sinh vô cùng đắt đỏ. Có trẻ điều trị mất 300 – 400 triệu đồng mới có thể tiêu diệt được con vi khuẩn kháng thuốc này.
Mẹ của bé L cho biết con của chị rất ngoan, chịu khó đi dép. Tuy nhiên chị không biết con bị mắc bệnh từ đâu.
Ảnh minh họa
Hay như trường hợp của bé Bùi Hương Tr. 8 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng tương tự.
Bé Tr. được mẹ cho đi khu vui chơi về. Thấy con có một vết xước nhỏ do chơi với các bạn, người có nhiều mô hôi và vết xước bé như đầu tăm lúc đầu màu đỏ rồi mỗi ngày nó lớn như cái mụn đầu đinh. Mụn lớn khiến bé sốt cao và quấy khóc suốt ngày.
Mẹ của bé Tr tưởng con bị mụn đầu đinh nên đưa bé vào bệnh viện khám để nhờ bác sĩ nặn mụn. Tuy nhiên, đưa bé nhập viện để khám thì bé có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn.
Các bác sĩ tại khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết khi nhập viện bé Tr. trong tình trạng nghi nhiễm trùng huyết bởi trẻ sốt cao liên tục, khó thở, huyết áp tụt, có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn.
Với kinh nghiệm điều trị, các bác sĩ nhận định khả năng nhiễm khuẩn đường huyết vào từ da lớn nhất là tụ cầu vàng. Không đợi kết quả cấy máu, các bác sĩ quyết định dùng kháng sinh theo kinh nghiệm.
Chậm giờ nào tình trạng bệnh nhân nguy hiểm tăng thêm giờ ấy, do đã có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, tràn khí màng phổi làm bệnh nhân càng suy hô hấp, khó thở phải vào thở máy.
Kết quả cấy máu sau đó cũng khẳng định bệnh nhân nhiễm trùng máu do tụ cầu vàng.
Chỉ một cái mụn đã khiến bé suýt mất mạng do nhiễm trùng máu. Bé phải điều trị các loại thuốc kháng sinh thế hệ thứ 3 mới có thể tiêu diệt được tụ cầu vàng.
Trong quá trình điều trị, trẻ còn bị biến chứng tràn khí màng phổi, làm bệnh nhân càng suy hô hấp trầm trọng. Bệnh nhân phải mở phổi trái đặt dẫn lưu hút khí và mủ. Kết hợp với kháng sinh điều trị, tình trạng bệnh nhân dần cải thiện.
Đừng MẤT CON vì nhận thức sai lầm
Nguyên Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai - PGS Nguyễn Tiến Dũng khuyên các bậc cha mẹ vào mùa hè:
- Các gia đình quan niệm trời nóng gây mụn, nhưng thực tế không có nóng nào gây mụn cả!
- Vì thế, mùa hè khi trẻ xuất hiện mụn nhọt cần cho trẻ đi bác sĩ kiểm tra.
- Để xác định tụ cầu vàng chỉ cần cấy máu là có thể phát hiện ra bệnh. Bằng kinh nghiệm các bác sĩ sẽ chỉ định đúng bệnh để có hướng điều trị.
- Có cháu bé và người lớn không chữa trị sớm tụ cầu vào máu khi đưa đến bệnh viện đã tử vong do nhiễm trùng huyết.
Cảnh giác vết thương nhỏ
PGS Nguyễn Tiến Dũng cho biết mùa hè các bệnh ngoài da trong đó nhiễm khuẩn ngoài da hay gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh nhiễm khuẩn này cha mẹ thường lơ là bỏ qua nhưng thực chất nó vô cùng nguy hiểm.
“Mùa hè hay gặp các bệnh về da ở trẻ em, nguyên nhân là vì mùa hè nóng trẻ hay ra mồ hôi ngứa ngáy, khó chịu nên các cháu gãi nhiều hoặc các cháu chơi đùa có thể bị xây xước.
Những xây xước nhỏ đôi khi mắt thường không nhìn thấy, trẻ cũng không đau nhưng vì da trẻ mỏng, dễ tổn thương, dễ nhiễm trùng nên vẫn tạo điều kiện cho vi khuẩn trên da xâm nhập vào.
Các vi trùng trên da lúc nào cũng có, nếu không bị tổn thương thì tụ cầu sống chung không gây bệnh nhưng khi da bị chấn thương nó có thể xâm nhập vào bên trong và gây bệnh cho người" - bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Khi gặp vết thương hở nhỏ, qua lỗ chân lông ăn vào, tụ cầu vàng trên da sẽ gây nhiễm trùng sâu, ăn sâu tạo thành các mụn giốn như mụn đầu đinh. Nhiều gia đình thường nghĩ nó là mụn do nóng nắng nhưng thực chất đó là mụn do loài vi khuẩn kháng thuốc gây ra.
Vi khuẩn tụ vàng đang kháng kháng sinh nên nguy hiểm. Nó có thể gây ra nhiễm trùng máu toàn thân, sốc nhiễm trùng và suy đa phủ tạng ở trẻ. Nếu không biết và điều trị không kịp thời thì rất nguy cơ tử vong cho trẻ lên đến 90%.
Đặc biệt tụ cầu trên khu vực đầu càng nguy hiểm vì nó đi vào máu dễ hơn. Trên da mặt có nhiều mạch máu, các mạch máu này đi vào xoang não nên nếu tụ cầu vào xoang não thì bệnh tiến triển rất nặng.
Chính vì thế, mùa hè khi trẻ xuất hiện mụn nhọt cần cho trẻ đi bác sĩ kiểm tra. Để xác định tụ cầu vàng chỉ cần cấy máu là có thể phát hiện ra bệnh. Bằng kinh nghiệm các bác sĩ sẽ chỉ định đúng bệnh để có hướng điều trị.
Về quan niệm của các gia đình mùa hè nóng gây mụn, PGS Dũng cho biết không có nóng nào gây mụn.
Trong thực tế, ông đã gặp nhiều bệnh nhân bị mụn nên tắm nước lá không khỏi, ngược lại còn bị nhiễm trùng máu. Có cháu bé và người lớn không chữa trị sớm tụ cầu vào máu khi đưa đến bệnh viện đã tử vong do nhiễm trùng huyết.
Đây là một điều rất đáng tiếc mà cha mẹ nào cũng phải biết để không đánh mất đứa con thân yêu của mình.