Cốc nước đá miễn phí - Ý tưởng "rẻ tiền" cứu cửa hàng sắp phải đóng cửa thành doanh nghiệp trị giá hàng trăm triệu USD

09/11/2020 13:00 PM | Kinh doanh

Câu chuyện thành công từ cốc nước miễn phí của vợ chồng Ted Hustead là một ví dụ đáng học tập về marketing, ngay cả khi ngân sách có hạn.

Trong một lần đi dạo và quan sát xung quanh, Ted Hustead nhận ra rằng thị trấn nơi anh sinh ra và lớn lên đang chết dần chết mòn. Điều đó thể hiện qua việc rất nhiều người đã ra đi để tìm kiếm thành công, để lại một vùng đất vắng lặng. Những người ở lại vì không có cơ hội việc làm tốt nên rơi vào cảnh không có tiền.

Ted cũng không phải ngoại lệ. Cửa hàng tiện lợi Wall Drug Store của anh thường xuyên ở trong tình trạng vắng khách. Ngày hôm đó, anh không bán nổi một mặt hàng nào trong khi vợ anh vừa sinh con. Gánh nặng nuôi sống cả gia đình đè nặng lên Ted khiến anh sợ hãi.

Những năm gian khó

Những vùng đồng bằng hoang vắng ở Nam Dakota không phải là nơi lý tưởng để bắt đầu kinh doanh. Người ta ví rằng kinh doanh ở đây giống như trồng một cái cây giữa lớp bê tông, bởi khí hậu quá khô hạn và khắc nghiệt. Các trang trại mở ra không tồn tại được lâu, khiến nhiều người càng khó khăn hơn.

Trong tình cảnh đó, Ted quyết định mở cửa hàng tiện lợi với số vốn vừa đủ. Nếu việc này thất bại, anh không chỉ thất nghiệp mà còn rơi vào cảnh nợ nần. Thế nhưng mọi thứ cũng không khá khẩm hơn là bao do mọi người đã bỏ đi nơi khác để làm ăn.

Cốc nước đá miễn phí - Ý tưởng rẻ tiền cứu cửa hàng sắp phải đóng cửa thành doanh nghiệp trị giá hàng trăm triệu USD - Ảnh 1.

Cửa hàng Wall Drug ngày trước.


Ý tưởng thay đổi tất cả

Thị trấn của Ted không khác gì một trạm dừng để đổ xăng trên sa mạc. Bất chấp khó khăn, gia đình anh đã thích nghi để tồn tại. Vợ của Ted nảy ra một ý tưởng đơn giản và sau này nó đã giúp thay đổi cuộc đời của gia đình họ.

Khi đi ra ngoài làm việc vặt và mua một số đồ dùng gia đình, cô dừng chân tại một bãi đậu xe gần con đường lớn cách thị trấn không xa. Lúc đó, cô rất khát nước. Bất chợt, khi nhìn những chiếc ô tô lao vun vút trên đường, hướng tới núi Rushmore, cô nhận ra việc mà vợ chồng mình có thể làm để cải thiện tình hình kinh doanh của cửa hàng.

Ô tô không có điều hòa cho đến giữa những năm 1940. Vì vậy, lái xe qua sa mạc là một cực hình. Chính vì vậy, mọi người thường mở cửa sổ cho thoáng. Tuy nhiên, không ít người quên mang theo nước uống.

Ngày hôm sau, vợ chồng Ted đứng dọc con đường này với tấm biển "Nước đá miễn phí, Wall Drug". Ngày tiếp theo, mọi thứ như một con đập bị vỡ: Hai người không thể phục vụ hết lượng khách hàng đông đúc. Vợ của anh hỗ trợ việc đăng ký nhận nước đá miễn phí trong khi anh tất bật phát nước cho mọi người. Cánh tài xế cũng nhiệt tình mua những món đồ khác trong cửa hàng của họ.

Cốc nước đá miễn phí - Ý tưởng rẻ tiền cứu cửa hàng sắp phải đóng cửa thành doanh nghiệp trị giá hàng trăm triệu USD - Ảnh 2.

Biển "Nước đá miễn phí" của Wall Drug.

Chớp lấy thời cơ này, vợ chồng Ted cắm thêm biển chỉ đường với lời mời gọi "nước đá miễn phí" đầy hấp dẫn. Thế nhưng một tháng sau, một cảnh sát xuất hiện trước cửa hàng.

Ted bị cảnh cáo vì vi phạm luật quảng cáo bởi nếu muốn làm như vậy, anh phải tuân thủ đúng luật. May mắn thay, vợ chồng anh đã tích lũy đủ tiền để mua một bảng quảng cáo tử tế và hợp pháp. Từ đó, mọi thứ ngày càng phát triển rực rỡ.


Thành quả xứng đáng

Ngày nay, việc kinh doanh vẫn tiếp tục bùng nổ. Người dân ở các tiểu bang xung quanh hầu như không có ai là chưa từng nghe nói về Wall Drug Store. Nó đã trở thành một trung tâm mua sắm đầy đủ tiện nghi. Ước tính, mỗi ngày cửa hàng đón khoảng hơn 15.000 khách. Doanh thu của họ đã đạt tới hàng trăm triệu USD, một con số đáng nể so với tình trạng ế khách ban đầu.

Câu chuyện thành công của vợ chồng Ted là một ví dụ đáng học tập về marketing, ngay cả khi ngân sách có hạn. Điều quan trọng hơn cả là sự nhạy bén phát hiện ra cơ hội trong khó khăn cũng như sự sẵn sàng cho đi vào đúng thời điểm.

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM