Chứng kiến loạt cái tên đình đám như WeFit, Lefair, Waves... đứt gánh giữa đường, nhiều founder vẫn kiên định lao vào startup bất chấp Covid-19

09/11/2020 10:00 AM | Kinh doanh

Đã có rất nhiều dự án khởi nghiệp ‘băng hà’ kể từ đầu năm 2020, nhưng điều đó vẫn không ngăn được những bước chân của các founder ‘to gan lớn mật’ từ các startup AskNow, Emiso hay GoDee.

Ở điều kiện bình thường, startup đã là một cuộc chơi khắc nghiệt với quy luật đào thải vô cùng khốc liệt: chỉ khoảng 5/100 startup Việt Nam có thể lớn lên và phát triển thành một doanh nghiệp bền vững. Đặt trong bối cảnh Covid-19 kéo dài, chắc chắn tỷ lệ này còn thấp hơn nữa, bởi giai đoạn này không có chỗ cho sai lầm; chỉ cần ‘sẩy chân’, bạn sẽ trả giá đắt.

Kể từ đầu năm, chúng ta đã chứng kiến không ít startup nổi tiếng phải buồn bã từ giã cuộc chơi bởi tác động to lớn và tức thời của Covid-19. Covid-19 chắc chắn không phải là ‘sợi lông trên lưng con lạc đà’, ít nhất nó cũng phải là ‘cái thớt’ đủ nặng khiến các hệ thống đã lung lay ngay lập tức sụp đổ.

2 cái tên gây nuối tiếc nhất chắc chắn là WeFit và Lefair. WeFit từng là một cái tên sáng giá trên thị trường khởi nghiệp, thậm chí năm 2018, founder của họ - Khôi Nguyễn từng lọt vào danh sách Under 30 Forbes Việt Nam. Trong khi Lefair từng là một ‘case study’ tiêu biểu khi người ta muốn nhắc về sự thành công của các founder ngoại quốc khi khởi nghiệp tại thị trường mới nổi Việt Nam.

Waves lại là một trường hợp đóng cửa khó hiểu. Ra đời năm 2019 bởi hai đồng sáng lập Lê Tự Quốc Minh và Kevin Gao, Waves được biết đến là một trong những nền tảng âm thanh đầu tiên xuất hiện tại thị trường Đông Nam Á.

Tháng 2/2020, Waves công bố nhận khoản đầu tư 1,2 triệu USD trong vòng gọi vốn do Insignia Ventures Partners (Singapore) dẫn dắt. Một số nhà đầu tư khác cũng tham gia vào vòng gọi vốn này, bao gồm Hustle Fund và Skystar Capital. Tuy nhiên, chỉ 8 tháng sau, Waves đã bất ngờ tuyên bố đóng ngừng hoạt động với ‘lý do cá nhân’ của 2 founder. Waves sau đó đã trả lại tiền cho các nhà đầu tư của mình.

Ngoài ra, Soya Garden – một startup nổi danh trong giới startup cũng gặp nhiều lao đao bởi Covid-19. Mới đây, sau khi đóng cửa gần ½ cửa hàng của mình trên khắp Việt Nam, Soya Garden còn tuyên bố thay đổi CEO, cụ thể Founder kiêm CEO Hoàng Anh Tuấn sẽ không còn dẫn dắt Soya Garden nữa.

Tuy nhiên, những ‘tấm gương tày liếp’ đó vẫn không dọa được các founder như Hàng Minh Lợi đến từ Emiso, Ruslan Karabukaev của GoDee và AskNow. Tất cả đều quyết định khởi động các dự án kinh doanh của mình bất chấp việc không biết khi nào đại dịch Covid-19 mới chính thức chấm dứt.

Chứng kiến loạt cái tên đình đám như WeFit, Lefair, Waves... đứt gánh giữa đường, nhiều founder vẫn kiên định lao vào startup bất chấp Covid-19 - Ảnh 1.

Founder kiêm CEO Hàng Minh Lợi của Emiso (bìa trái).

Dự án Emiso là nền tảng chuyên về stream. Stream đang là một ngành công nghiệp tỷ đô tại Trung Quốc, nhưng ở Việt Nam nó mới manh nha và Emiso là một trong những startup đi đầu trong việc hỗ trợ ngành hàng mới này. Đây là đứa con tinh thần của Hàng Minh Lợi và Ta Tat Tai.

Cụ thể hơn, trong năm 2019, mọi người đã dùng đến 1,1 tỷ giờ để live stream ở nhiều nền tảng khác nhau, trong năm 2020 – có khoảng 80% người dùng internet từng thực hiện việc live stream. Năm 2021, dự đoán thị trường live stream trị giá khoảng trên 70 tỷ USD, tăng trưởng 133% so với năm 2016, số lượng người xem 1 video live stream tăng 47% so với năm ngoái.

Hai vấn đề của ngành stream ở Việt Nam và thế giới là muốn tiết kiệm chi phí thì buộc phải ‘sống chung’ với việc video của mình có độ trễ nhất định và không đẹp mắt và khả năng mở rộng và Emiso ra đời nhằm giải quyết tất cả những điểm nghẽn đó.

"Chúng tôi là tân binh của thị trường, khi mới ra mắt vào tháng 5/2020. Mục tiêu là đến tháng 3/2021, có 200 khách hàng và đến 8/2021 bắt đầu có doanh thu. Chúng tôi muốn kêu gọi khoảng 150.000 USD tiền đầu tư cho giai đoạn tiền hạt giống", Founder kiêm CEO Hàng Minh Lợi chia sẻ khi được Grab chọn tham gia chương trình Grab Ventures Ignite 2020.

Đối thủ đáng gờm của Emiso tại Grab Ventures Ignite 2020, không ai khác chính là GoDee, cũng là một tân binh trong thị trường khởi nghiệp Việt Nam.

Chứng kiến loạt cái tên đình đám như WeFit, Lefair, Waves... đứt gánh giữa đường, nhiều founder vẫn kiên định lao vào startup bất chấp Covid-19 - Ảnh 2.

GoDee hiện có khoảng 40 minibus như thế này.

GoDee có mô hình kinh doanh lai giữa gọi xe công nghệ và xe bus truyền thống. Hiện họ có khoảng 40 xe bus cỡ nhỏ - hầu hết là Ford Transit đời từ 2017 trở lên. Khách hàng thực hiện việc đặt xe – trả tiền hoàn toàn trên app – đặc biệt GoDee không cho phép thanh toán bằng tiền mặt, sau đó khách hàng sẽ ra đợi sẵn ở những địa điểm chung mà GoDee quy định để lên xe.

Giá vé của GoDee giao động từ 10.000 đến 30.000 tùy chặn, mắc hơn xe bus và rẻ hơn Grab taxi. Vì đối tượng khách hàng hiện tại mà họ nhắm tới là nhân viên văn phòng nên họ chỉ có 2 khung giờ cố định vào buổi sáng đi làm và chiều tang tầm. Do giới hạn xe, hiện GoDee chỉ hoạt động tại TP. HCM với 12 tuyến từ các quận 2, 9, 7 và huyện Nhà Bè hướng về trung tâm cùng chiều ngược lại.

Có thể nói, sở dĩ GoDee non trẻ được Grab ưu ái, có công đóng góp không nhỏ từ ông Ruslan Karabukaev - Co-founder kiêm CEO của dự án. Người đàn ông gốc Kyrgyzstan là một doanh nhân kỳ cựu ở châu Á. Tại Kyrgyzstan, ông từng xây dựng thành công startup của mình trở thành hãng máy bay lớn nhất nước, founder và CEO của dịch vụ gọi xe công nghệ Namba Taxi, co-founder Dodo Pizza; co-founder công ty về dịch vụ thương mại Besmart từ 0 đồng thành 1 triệu USD trong vòng 8 tháng, hoạt động tại 4 nước là Kyrgyzstan, Kazakhastan, Azerbaijan, Georgia.

Ruslan Karabukaev đến Việt Nam làm việc từ năm 2016 và sống cùng vợ và 2 con tại TP. HCM. Ngoài Ruslan Karabukaev, GoDee còn có 2 nhà đồng sáng lập khác là Nguyễn Xuân Hiếu từng làm quản lý trong các doanh nghiệp bán lẻ như Lotte, Zalora, Digiworld; và Oleg Puzanov đến từ Nga, đồng đội thân thiết của Ruslan Karabukaev.

Phần mình, AskNow không đến từ TP. HCM mà từ Đà Nẵng. Đầu tháng 11/2020, Công ty Cổ phần Công nghệ Thông minh Unify đã ra mắt ứng dụng kết nối gia sư AskNow với mục tiêu hỗ trợ học sinh Việt học tập hiệu quả hơn trong giai đoạn bình thường mới. AskNow là ứng dụng kết nối gia sư đầu tiên được phát triển tại Việt Nam, mang đến khả năng kết nối người học với mạng lưới gia sư chất lượng cao trên toàn quốc một cách nhanh chóng chỉ sau 20 giây từ khi đặt câu hỏi.

Chứng kiến loạt cái tên đình đám như WeFit, Lefair, Waves... đứt gánh giữa đường, nhiều founder vẫn kiên định lao vào startup bất chấp Covid-19 - Ảnh 3.

Đội ngũ phát triển ứng dụng AskNow.

Đại diện Unify chia sẻ: "Ứng dụng AskNow được ra đời trong bối cảnh Covid-19 bùng phát trên thế giới và tại Việt Nam. Với phương châm đóng góp cho cộng đồng, đội ngũ của chúng tôi đã nhanh chóng thiết kế và phát triển ứng dụng này, tạo điều kiện cho gia sư và học sinh tại Việt Nam có thể kết nối và học tập hiệu quả trên nền tảng trực tuyến với chi phí hợp lý.

Đây là nỗ lực của chúng tôi nhằm mang đến một cách học tập mới, cũng như hỗ trợ hiệu quả các bạn học sinh ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện tiếp cận với các gia sư giỏi vốn tập trung ở khu vực thành thị.

AskNow cũng được kỳ vọng là ứng dụng giúp thay đổi cách học tập của học sinh tại Việt Nam. Thay vì các lớp học thêm truyền thống, khá tốn thời gian và chi phí, phụ huynh và học sinh có thể ngồi tại nhà hoặc học tập bất kỳ đâu với một ứng dụng thông minh cùng chi phí hợp lý".

Hiện tại, ứng dụng AskNow cho phép học sinh tiếp cận với đội ngũ gia sư ở các môn học như Anh văn, Toán học, Vật lý và Hóa học. Với nền tảng công nghệ hiện đại và quy trình hoạt động được thiết kế theo nhu cầu thực tế của phụ huynh và học sinh, AskNow tự tin có thể kết nối học sinh và gia sư 24/7, tạo điều kiện để phụ huynh và học sinh từ lớp 1 tới lớp 12 được giải đáp thắc mắc mọi lúc, mọi nơi với những câu hỏi liên quan đến chương trình học chính khoá hay luyện thi trung học, đại học.

Không có gì ngạc nhiên khi AskNow ra đời ở thời điểm này, vì giáo dục trực tiếp – nhất là cho các chương trình cấp II và III đang ăn nên làm ra ở thời điểm này. Manabie vừa thành công gọi 4,8 triệu USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm Nhật Bản cùng quỹ Genesia Ventures hay Hocmai vừa được Tập đoàn Galaxy đầu tư chi phối.

Được thành lập tại Đà Nẵng – thành phố được mệnh danh là "Thung lũng Silicon của miền Trung Việt Nam", định hướng của Unify là trở thành công ty tiên phong về công nghệ thông tin đẳng cấp quốc tế, đáp ứng xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Trong một vài thông tin ít ỏi mà chúng tôi có được, thì năm 2018, ông Noppasak Jitsakulchaidej – CEO của Unify còn là Giám đốc tài chính của Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Xi măng SCG Việt Nam.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM